13/02/2020 - 14:58

Thừa phát lại - Công cụ pháp lý hiệu quả 

Với sự phát triển của nền kinh tế thị trường, các quan hệ kinh tế, dân sự ngày càng đa dạng, phức tạp, dễ dẫn đến việc phát sinh nhiều tranh chấp, mâu thuẫn trong xã hội. Vì vậy, Nhà nước đã thực hiện xã hội hóa nhiều dịch vụ bổ trợ tư pháp như công chứng, giám định, thừa phát lại… để cung cấp các dịch vụ pháp lý, giúp cá nhân, tổ chức bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Trong đó, thừa phát lại vẫn còn là loại hình mới, tuy hiệu quả thiết thực nhưng nhiều người dân vẫn chưa nhận thức được tầm quan trọng của hoạt động này.

Theo Sở Tư pháp TP Cần Thơ, trên địa bàn thành phố hiện có 2 văn phòng thừa phát lại, với 10 thừa phát lại. Năm 2019, các văn phòng thừa phát lại đã tiếp nhận và thẩm định 840 vi bằng. Theo quy định, thừa phát lại được thực hiện 4 việc: tống đạt giấy tờ, hồ sơ, tài liệu; lập vi bằng theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức; xác minh điều kiện thi hành án theo yêu cầu của đương sự và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan; tổ chức thi hành các bản án, quyết định của Tòa án theo yêu cầu của đương sự. Tại TP Cần Thơ, số lượng công việc thừa phát lại thực hiện nhiều nhất là lập vi bằng và tống đạt giấy tờ, hồ sơ, tài liệu theo quy định. 

Phần đất tranh chấp được ông L.V.T. yêu cầu lập vi bằng.

Ông L.V.T, ngụ TP Hồ Chí Minh, cho biết: “Lúc trước tôi có mua một phần đất trên địa bàn TP Cần Thơ và trên đất có 1 căn nhà cấp 4. Tuy nhiên, qua thời gian không thường xuyên có mặt tại phần đất của mình, hộ lân cận đã tiến hành lấn chiếm, phá dỡ căn nhà trên đất của tôi. Tôi nhờ thừa phát lại ghi nhận hiện trạng nhà bị phá dỡ, sau này làm căn cứ để tòa án xem xét khi tôi khởi kiện”. Bà N.T.M.T, ngụ phường An Phú, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ, chia sẻ: “Nhà tôi đã xây dựng và sinh sống ổn định nhưng khi gia đình lân cận xây nhà mới, làm lún, nứt, gây thiệt hại cho gia đình tôi. Do đó, tôi đã yêu cầu thừa phát lại đến lập vi bằng ghi nhận hiện trạng căn nhà bị sụp lún để làm căn cứ về hành vi gây thiệt hại của nhà kế bên (nếu có) sau khi tôi khởi kiện vụ việc này ra Tòa án Nhân dân cấp có thẩm quyền”.

Thực tế, hoạt động thừa phát lại hiện nay còn gặp khá nhiều khó khăn. Cụ thể, nhận thức của một số cơ quan, cán bộ và xã hội về chế định thừa phát lại còn nhiều hạn chế; đội ngũ thừa phát lại còn mới, chưa nhiều kinh nghiệm, các kênh tuyên truyền chưa sâu rộng, người dân có nhu cầu nhưng chưa biết cách thức sử dụng công cụ pháp lý này để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Thừa phát lại Trần Kỳ Trân, Trưởng Văn phòng Thừa phát lại Khánh Dư, cho biết: Nhu cầu thực tế là có nhưng người dân vẫn chưa biết hoặc chưa hiểu rõ về hoạt động thừa phát lại nên chưa sử dụng nhiều. Nhiều người dân vẫn còn rất “bỡ ngỡ” về nghề thừa phát lại nói chung và hoạt động lập vi bằng nói riêng. Bên cạnh đó, đối với hoạt động tống đạt, tuy các tòa án có nhu cầu nhưng còn khó khăn về vấn đề kinh phí chi trả cho hoạt động tống đạt nên các tòa vẫn chưa thực hiện được công tác này. Thời gian tới, hoạt động thừa phát lại rất cần sự quan tâm, hỗ trợ của các ngành liên quan trong hoạt động tuyên truyền để người dân nắm rõ về hoạt động này cũng như vận dụng nó như một công cụ pháp lý để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

Tuy còn nhiều khó khăn, hạn chế nhưng hoạt động thừa phát lại từng bước khẳng định vị trí, vai trò của mình trong đời sống xã hội nói chung cũng như trong hoạt động bổ trợ tư pháp nói riêng; từng bước đi vào cuộc sống, được người dân, xã hội đón nhận.

Theo quy định tại Nghị định số 08/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định về tổ chức và hoạt động của thừa phát lại có hiệu lực ngày 24-2-2020: Vi bằng là văn bản ghi nhận sự kiện, hành vi có thật do thừa phát lại trực tiếp chứng kiến, lập theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức theo quy định. 
Thẩm quyền, phạm vi lập vi bằng, giá trị pháp lý của vi bằng:
-  Thừa phát lại được lập vi bằng ghi nhận các sự kiện, hành vi có thật theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phạm vi toàn quốc, trừ các trường hợp quy định tại Điều 37 của Nghị định này.
- Vi bằng không thay thế văn bản công chứng, văn bản chứng thực, văn bản hành chính khác.
- Vi bằng là nguồn chứng cứ để Tòa án xem xét khi giải quyết vụ việc dân sự và hành chính theo quy định của pháp luật; là căn cứ để thực hiện giao dịch giữa các cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật.
- Trong quá trình đánh giá, xem xét giá trị chứng cứ của vi bằng, nếu thấy cần thiết, Tòa án Nhân dân, Viện Kiểm sát Nhân dân có thể triệu tập thừa phát lại, cơ quan, tổ chức, cá nhân khác để làm rõ tính xác thực của vi bằng. Thừa phát lại, cơ quan, tổ chức, cá nhân khác phải có mặt khi được Tòa án, Viện Kiểm sát Nhân dân triệu tập.

Bài, ảnh: HOÀNG YẾN

Chia sẻ bài viết