15/01/2020 - 14:32

Thủ tướng dự lễ kỷ niệm 120 năm thành lập tỉnh Trà Vinh 

Thủ tướng yêu cầu tỉnh quan tâm chăm lo cho giáo dục, giáo dục phổ thông, giáo dục nghề, giáo dục trình độ cao - đây là chìa khóa vàng tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho yêu cầu phát trển.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại lễ kỷ niệm. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại lễ kỷ niệm. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Tối 14/1, tỉnh Trà Vinh tổ chức trọng thể lễ kỷ niệm 120 năm thành lập tỉnh và đón nhận Huân chương lao động hạng Nhất của Chủ tịch nước tặng thưởng. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dự và phát biểu.

Cùng dự có  Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân, lãnh đạo, nguyên là lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các Bộ, ngành Trung ương và đại diện lãnh đạo các tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Phát biểu tại buổi lễ, Bí thư Tỉnh ủy Trà Vinh Trần Trí Dũng đã ôn lại lịch sử hình thành tỉnh Trà Vinh cũng như truyền thống cách mạng của Đảng bộ, quân và dân tỉnh Trà Vinh trong 2 công cuộc đấu tranh giành độc lập và xây dựng phát triển đất nước.

Sau khi thực dân Pháp xâm lược đánh chiếm các tỉnh Nam Kỳ và phân chia lại địa giới hành chính toàn bộ Nam Kỳ thành 4 khu vực hành chính lớn. Sau khi toàn quyền Đông Dương Doumer ký Nghị định đổi tên gọi tiểu khu thành tỉnh, tiểu khu Trà Vinh chính thức  trở thành tỉnh Trà Vinh từ ngày 1/1/1900 cho đến nay.

Trải qua hai cuộc kháng chiến giành độc lập và công cuộc xây dựng phát triển, đảng bộ quân dân Trà Vinh luôn sẵn sàng hy sinh vì nền độc lập, tự do Tổ quốc và không ngừng vượt khó để phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng cuộc sống vật chất, tinh thần ngày càng no ấm, giàu đẹp hơn.

Đặc biệt, trong 28 năm kể từ khi tỉnh Trà Vinh chia tách từ tỉnh Cửu Long để tái lập tỉnh (năm 1992), Trà Vinh đã tập trung dồn sức để xây dựng và phát triển.

Từ một tỉnh có điểm xuất phát thấp, thiếu và yếu kém về hạ tầng kỹ thuật phục vụ cho yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội, Trà Vinh không ngừng nỗ lực huy động mọi nguồn lực đầu tư, thực thi các giải pháp, chính sách phù hợp, hiệu quả để đạt được mục tiêu tăng trưởng năm sau cao hơn năm trước.

Tỉnh Trà Vinh đã xác định đúng và khai thác tốt tiềm năng, lợi thế, mạnh dạn đầu tư hệ thống các công trình về giao thông, điện, thủy lợi, ứng dụng khoa học công nghệ để phát triển sản xuất đồng bộ các lĩnh vực kinh tế nông nghiệp, công nghiệp, nuôi trồng thủy sản. Nhờ vậy, tốc độ trưởng kinh tế, xóa đói giảm nghèo không ngừng chuyển biến theo hướng tích cực.

Thu tuong du le ky niem 120 nam thanh lap tinh Tra Vinh hinh anh 1

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhất cho tỉnh Trà Vinh. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Cụ thể, giá trị tổng sản phẩm nội địa (GRDP) của tỉnh tăng bình quân hàng năm trên 11%. GRDP bình quân đầu người trong tỉnh năm 1992, đạt khoảng 0,73 triệu đồng/người/năm, đến cuối năm 2019 đạt 59 triệu đồng/người/năm. Đến nay, toàn tỉnh có 55 xã đạt chuẩn nông thôn mới (chiếm 64,7% tổng số xã).

Huyện Tiểu Cần, Cầu Kè đạt chuẩn nông thôn mới và thị xã Duyên Hải hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Tỷ lệ hộ đói, nghèo  khi tái lập tỉnh ( năm 1992) là gần 20% hộ đói, 40% hộ nghèo, nhưng đến cuối năm 2019, Trà Vinh không còn hộ đói, tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 3,33%, trong đồng bào Khmer còn 6,27%.

Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao những nỗ lực để đạt được những thành tựu của tỉnh Trà Vinh trong công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế-xã hội.

Hệ thống chính trị của tỉnh được xây dựng, củng cố; công tác cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh, hỗ trợ doanh nghiệp có nhiều chuyển biến tích cực, thu hút đầu tư đạt nhiều kết quả; quốc phòng được đảm bảo, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được tăng cường và ổn định.

Đặc biệt, Thủ tướng bày tỏ niềm vui, ấn tượng với kết quả thực hiện công tác giảm nghèo của tỉnh. Thủ tướng đề nghị, tỉnh cần tiếp tục phát huy những kết quả đạt được; cần quan tâm, làm tốt hơn nữa công tác giảm nghèo đối với hộ đồng bào Khmer thật sự bền vững, hộ đã thoát nghèo thì tiếp tục vươn lên khá, giàu.

Thủ tướng Chính phủ cho rằng, tuy kinh tế của tỉnh phát triển nhanh nhưng chưa vững chắc. Nền sản xuất công nghiệp của tỉnh có phát triển, nhưng  chưa cao; thương mại, dịch vụ chưa thực sự kích cầu mạnh mẽ, doanh nghiệp nhỏ, kết cấu hạ tầng giao thông còn thiếu, yếu chưa đáp ứng được cho yêu cầu phát triển nhanh và bền vững.

Vì vậy, Trà Vinh cần tiếp tục sáng tạo hơn trong khai thác tiềm năng, lợi thế nhất là lợi thế về kinh tế biển; tập trung phát triển sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp logistics gắn với công nghiệp.

Tỉnh cần đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư, liên kết vùng để phát triển đa lĩnh vực; nâng cao năng lực, hiệu lực công tác lãnh đạo điều hành, cải cách hành chính; chủ động ứng phó thiên tai, phòng chống dịch.

Thủ tướng yêu cầu tỉnh phải quan tâm chăm lo cho giáo dục, cụ thể là giáo dục phổ thông, giáo dục nghề, giáo dục trình độ cao - đây là chìa khóa vàng để tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho yêu cầu phát triển.

Năm 2020 là năm có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với mục tiêu phát triển giai đoạn 2015-2020 của tỉnh. Chính vì thế , cùng với phát triển kinh tế, Thủ tướng  đề nghị Đảng bộ tỉnh Trà Vinh đặc biệt chú trọng xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh; đẩy mạnh công tác phòng chống tham nhũng, đẩy lùi suy thoái về đạo đức lối sống, “tự diễn biến,” “tự chuyển hóa” trong cán bộ, đảng viên.

Nhấn mạnh nhân hòa là yếu tố quyết định cho mọi thành công, Thủ tướng Chính phủ đề nghị tỉnh làm tốt hơn nữa công tác dân vận, công tác dân tộc, tôn giáo để tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, chung sức chung lòng để thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế-xã hội mà tỉnh đề ra.

Nhân dịp tết Canh Tý sắp đến, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng chúc Đảng bộ, quân và nhân dân Trà Vinh một năm mới nhiều thành công, vui tươi, an lành, hạnh phúc.

Thu tuong du le ky niem 120 nam thanh lap tinh Tra Vinh hinh anh 2

Chương trình văn nghệ kỷ niệm 120 năm thành lập tỉnh Trà Vinh (1900-2020). (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Phúc Sơn (TTXVN/Vietnam+)

Chia sẻ bài viết