26/08/2020 - 19:35

Thủ tướng chủ trì hội nghị trực tuyến về chính phủ điện tử

(CT) - Ngày 26-8, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị trực tuyến với các Ban Chỉ đạo Xây dựng chính phủ điện tử các bộ, ngành và Ban Chỉ đạo chính quyền điện tử 63 tỉnh, thành.

Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Võ Thị Hồng Ánh cùng đại diện một số sở, ngành hữu quan dự tại điểm cầu TP Cần Thơ.

Theo báo cáo của Văn phòng Chính phủ, sau hơn 8 tháng hoạt động, đến nay Cổng Dịch vụ công quốc gia đã tích hợp, cung cấp 1.039 dịch vụ công trực tuyến/6.842 thủ tục hành chính tại 4 cấp chính quyền. Cổng Dịch vụ công quốc gia nhận được sự quan tâm rất lớn của người dân, doanh nghiệp, đã đạt trên 60 triệu lượt truy cập, trên 235.000 tài khoản đăng ký; hơn 15 triệu hồ sơ đồng bộ trạng thái, trên 295.000 hồ sơ thực hiện trực tuyến trên Cổng; tiếp nhận, hỗ trợ trên 24.000 cuộc gọi và 7.800 phản ánh, kiến nghị. Từ tháng 3-2020, hệ thống thanh toán trực tuyến của Cổng Dịch vụ công quốc gia được đưa vào vận hành, đến nay đã có 9.000 giao dịch, riêng trong tháng 8-2020 có trên 3.000 giao dịch với số tiền khoảng 5 tỉ đồng.

Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, tính đến nay, cả nước hoàn thành 62/83 nhiệm vụ Nghị quyết số 17/NQ-CP của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển chính phủ điện tử giai đoạn 2019-2020, định hướng đến 2025. Tính đến tháng 7-2020, tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 trung bình cả nước đạt khoảng 15,91%. Có 9 bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và 11 tỉnh, thành phố đạt tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 trên 30%. Trong đó, Bộ Y tế, Bộ Thông tin và Truyền thông đạt  tỷ lệ 100%. Về chỉ số tổng thể ứng dụng công nghệ thông tin, đối với cấp bộ ngành, Bộ Tài chính giữ vị trí đầu bảng, cuối bảng là Bộ Xây dựng. Ðối với cấp tỉnh, Thừa Thiên - Huế giữ vị trí đầu bảng, cuối bảng là tỉnh Cao Bằng. Riêng TP Cần Thơ giữ vị trí thứ 14.

Hằng năm, địa phương chi ngân sách trung bình khoảng 0,3% dành cho công nghệ thông tin. Bộ Thông tin và Truyền thông đề xuất, con số này phải tăng lên ít nhất 1%.

Tại hội nghị, vấn đề được các đại biểu quan tâm là tìm ra những giải pháp, phương thức hành động để xây dựng chính phủ điện tử, chính quyền điện tử bắt kịp với xu hướng thế giới. Ðơn cử: Chính phủ sớm hoàn thiện và chia sẻ cho địa phương sử dụng các cơ sở dữ liệu quốc gia như dân cư, đất đai; tăng cường hồ sơ dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4; sớm hoàn thiện môi trường pháp lý về chính phủ điện tử…

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, phát triển chính phủ điện tử là vấn đề lớn, cấp thiết đối với sự phát triển của đất nước trong giai đoạn hiện nay. Tuy nhiên, chỉ số xếp hạng của Chính phủ điện tử của Việt Nam so với các nước trên thế giới còn chưa cao. Vì vậy, Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành hữu quan tiếp tục thực hiện, hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ đặt ra về phát triển chính phủ điện tử giai đoạn 2019-2020, định hướng đến 2025; Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Ðồng thời, xúc tiến hoàn thành việc tích hợp, cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu 30% vào năm 2020 và nâng tỷ lệ lên 100% trong năm 2020-2021 về dịch vụ công trực tuyến mức độ 4. Ðối với việc xây dựng nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu, kết nối với nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia phải hoàn thành trước tháng 9-2020. Bộ Công an đẩy nhanh tiến độ triển khai Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để đưa vào khai thác, vận hành trước tháng 7-2021. Bộ Tài nguyên và Môi trường khẩn trương triển khai thực hiện xây dựng Cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia và các văn bản pháp luật, quy định kỹ thuật.

MỸ THANH - ĐỨC TUÂN (Chinhphu.vn)

Chia sẻ bài viết