14/06/2008 - 07:56

Thu hút các nguồn lực, phát huy tiềm năng thế mạnh của biển Việt Nam

(Cổng TTĐT Chính phủ)- Hợp tác quốc tế về biển nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh của Việt Nam, khai thác biển có hiệu quả và phát triển bền vững biển; đồng thời xây dựng vùng biển hòa bình, hợp tác, hữu nghị. Đó là một trong những quan điểm hợp tác quốc tế về biển trong Đề án “Hợp tác quốc tế về biển đến năm 2020” được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng phê duyệt ngày 13-6-2008 tại Quyết định 80/2008/QĐ-TTg.

Đề án nhằm mục tiêu thu hút các nguồn lực từ bên ngoài để phát huy tốt hơn tiềm năng, thế mạnh của biển Việt Nam, nâng cao thu nhập, đời sống cho ngư dân ven biển, thúc đẩy hình thành một số tập đoàn kinh tế lớn, xây dựng một số công trình kết cấu hạ tầng biển và ven biển trọng điểm, hình thành một số cơ sở dự báo thiên tai, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn, phát triển tiềm lực khoa học - công nghệ biển, xây dựng các cơ sở đào tạo nhân lực để phát triển các lĩnh vực liên quan đến biển. Đề án cũng nêu rõ 12 nhóm nhiệm vụ hợp tác quốc tế về biển, trong đó có những nhiệm hàng đầu là hợp tác trong lĩnh vực dầu khí; kinh tế hàng hải; du lịch biển và kinh tế đảo; hải sản; sản xuất muối biển; hợp tác phát triển khu kinh tế, khu công nghiệp và khu chế xuất; bảo vệ tài nguyên môi trường biển; bảo đảm an ninh, an toàn trên biển; thăm dò tài nguyên và phát triển khoa học công nghệ biển.

Bộ Tài nguyên và Môi trường là cơ quan đầu mối, quản lý tổng hợp hoạt động hợp tác quốc tế về biển; các Bộ, ngành, tập đoàn kinh tế lớn có liên quan đến hoạt động quốc tế về biển lập kế hoạch hợp tác quốc tế về biển, có trách nhiệm định kỳ báo cáo, đánh giá tình hình hoạt động hợp tác quốc tế về biển của cơ quan mình và gửi về Bộ Tài nguyên và Môi trường để tổng hợp trình Chính phủ; Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có biển trực tiếp chỉ đạo xây dựng các dự án cụ thể của địa phương để thực hiện Đề án; trên cơ sở đó cụ thể hóa thành các nhiệm vụ trong kế hoạch công tác hàng năm.

VĂN HIẾN

Chia sẻ bài viết