11/11/2013 - 21:40

Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII

Thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2014

* Quốc hội cho ý kiến về các dự án Luật Xây dựng (sửa đổi) và Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi)

(TTXVN)- Tiếp tục Chương trình kỳ họp, sáng 11-11, các đại biểu Quốc hội làm việc tại Hội trường, biểu quyết thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2014; nghe Tờ trình đề nghị Quốc hội phê chuẩn việc miễn nhiệm chức vụ Phó Thủ tướng Chính phủ đối với ông Nguyễn Thiện Nhân và Tờ trình về việc tăng số Phó Thủ tướng Chính phủ.

Đại biểu Quốc hội TP Cần Thơ, Đà Nẵng, tỉnh Hòa Bình, Hưng Yên thảo luận tại tổ. Ảnh: LÂM KHÁNH (TTXVN)

Mở đầu phiên họp, các đại biểu Quốc hội đã biểu quyết với đa số tán thành thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2014. Theo đó mục tiêu tổng quát của năm 2014 là: "Tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát; tăng trưởng hợp lý và nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế trên cơ sở đẩy mạnh thực hiện ba đột phá chiến lược gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu nền kinh tế. Bảo đảm an sinh xã hội và phúc lợi xã hội, cải thiện đời sống nhân dân. Sử dụng hợp lý và có hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu. Đẩy mạnh cải cách hành chính và phòng, chống tham nhũng, lãng phí; cải thiện môi trường kinh doanh. Bảo đảm quốc phòng và an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Mở rộng và nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế".

Các chỉ tiêu chủ yếu được xác định là: Tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng khoảng 5,8%; Kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 10%; Tỷ lệ nhập siêu khoảng 6% kim ngạch xuất khẩu; Tốc độ tăng giá tiêu dùng (CPI) khoảng 7%; Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội khoảng 30% GDP; Tỷ lệ hộ nghèo giảm 1,7%-2%, riêng các huyện nghèo giảm 4%; Tạo việc làm cho khoảng 1,6 triệu lao động; Tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%; Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 52%; Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng giảm xuống dưới 15,5%; Số giường bệnh trên một vạn dân (không tính giường trạm y tế xã) đạt 22,5 giường; Tỷ lệ cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng được xử lý đạt 85%; Tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường đạt 80%; Tỷ lệ che phủ rừng đạt 41,5%.

Nghị quyết đã nêu 7 nhóm giải pháp thực hiện, trong đó nhấn mạnh tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ linh hoạt, chính sách tài khóa chặt chẽ. Điều hành lãi suất phù hợp với mục tiêu kiểm soát lạm phát. Tăng dư nợ tín dụng phù hợp và bảo đảm chất lượng tín dụng. Điều hành hiệu quả tỷ giá, thị trường ngoại hối, bảo đảm giá trị đồng tiền Việt Nam. Kiểm soát chặt chẽ nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài của quốc gia bảo đảm trong giới hạn an toàn... Thực hiện có hiệu quả ba đột phá chiến lược. Tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân. Rà soát, sửa đổi bổ sung hệ thống pháp luật, trước hết là về tổ chức bộ máy nhà nước cho phù hợp với Hiến pháp sửa đổi. Ban hành kịp thời, đầy đủ các văn bản dưới luật và tăng cường giám sát quá trình tổ chức thực thi... Mở rộng mạng lưới và nâng cao chất lượng chính sách an sinh xã hội, đặc biệt là bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế; trợ giúp xã hội đối với người có hoàn cảnh khó khăn, người bị ảnh hưởng bởi thiên tai, lũ lụt. Thực hiện tốt chính sách ưu đãi người có công. Chỉ đạo tốt công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ. Rà soát tổng thể chính sách giảm nghèo để điều chỉnh phù hợp, bảo đảm mục tiêu giảm nghèo bền vững...

Các đại biểu Quốc hội cũng đã nghe Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đọc Tờ trình đề nghị Quốc hội phê chuẩn việc miễn nhiệm chức vụ Phó Thủ tướng Chính phủ đối với ông Nguyễn Thiện Nhân và Tờ trình về việc tăng số Phó Thủ tướng Chính phủ.

Quốc hội đã thảo luận tại Đoàn đại biểu Quốc hội về phê chuẩn việc miễn nhiệm chức vụ Phó Thủ tướng Chính phủ đối với ông Nguyễn Thiện Nhân và việc tăng số Phó Thủ tướng Chính phủ.

* Tiếp tục chương trình kỳ họp, chiều 11-11, các đại biểu Quốc hội làm việc tại tổ, thảo luận về một số nội dung còn nhiều ý kiến khác nhau của dự án Luật Xây dựng (sửa đổi) và dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi).

* Tăng cường giám sát cộng đồng đối với các công trình xây dựng

Liên quan đến nội dung về quy hoạch xây dựng, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho rằng nên quy định nội dung quy hoạch xây dựng trong dự án Luật, nhằm kế thừa được quy định của Luật Xây dựng hiện hành, bảo đảm nguyên tắc quy hoạch xây dựng phải đi trước một bước, tạo cơ sở cho việc lập kế hoạch đầu tư và công cụ quản lý khi luật mới chưa được ban hành.

Tuy nhiên, các đại biểu Lê Trọng Sang, Võ Thị Dung (thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng không nên quy định nội dung quy hoạch xây dựng trong dự án Luật mà đưa nội dung về quy hoạch xây dựng, kết hợp với nội dung Luật quy hoạch đô thị thành một luật mới, có phạm vi điều chỉnh quy hoạch của cả 3 đối tượng gồm vùng, đô thị và nông thôn. Đại biểu Lê Trọng Sang giải thích: Trong các điều khoản quy định về quy hoạch xây dựng không điều chỉnh nội dung nào liên quan đến trách nhiệm của đội ngũ làm quy hoạch hay trách nhiệm các cơ quan lập, thẩm định, xét duyệt quy hoạch... "Trong thực tiễn vừa qua, chính do phạm vi điều chỉnh của Luật Xây dựng không bao phủ dẫn đến chất lượng quy hoạch kém, nhiều đề án quy hoạch không hoàn chỉnh... Hơn nữa, trong phạm vi điều chỉnh không nói đến đối tượng quy hoạch xây dựng, mà chỉ tập trung quy định đối tượng xây dựng. Xây dựng và quy hoạch xây dựng là hai đối tượng điều chỉnh khác nhau, đối tượng phạm vi điều chỉnh quy hoạch xây dựng rộng hơn đối tượng điều chỉnh của xây dựng. Đây cũng là hành lang pháp lý, quy định để ràng buộc các tổ chức liên quan đến quy hoạch xây dựng" - Đại biểu Lê Trọng Sang nhấn mạnh.

Quan tâm đến việc tăng cường sự giám sát của cộng đồng trong lĩnh vực xây dựng, đại biểu Võ Thị Dung (thành phố Hồ Chí Minh) nêu rõ: Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định 80/2005/QĐ-TTg về việc ban hành quy chế giám sát đầu tư của cộng đồng. Quyết định đã có thời gian đủ để đánh giá, tổng kết để từ đó có thể đúc kết, bổ sung vào dự án Luật Xây dựng (sửa đổi) cụ thể hơn. Đại biểu Võ Thị Dung nhận định: Trong thực tế, giám sát trong cộng đồng chỉ giám sát được những công trình địa phương đầu tư, còn các công trình lớn của bộ, ngành Trung ương rất khó để giám sát. Nếu quy định rõ trong luật đầy đủ quy trình công bố, trách nhiệm, quyền hạn của cộng đồng giám sát sẽ góp phần phát huy được sự giám sát của nhân dân ở địa phương, hạn chế được tiêu cực trong quá trình xây dựng.

* Nâng mức xử phạt đối với những hành vi gây ô nhiễm môi trường

Góp ý về nội dung bảo vệ môi trường rừng, đại biểu Huỳnh Minh Thiện (thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng từ ngàn xưa, phát triển của quốc gia dựa vào hai lợi thế rừng và biển. Tuy nhiên, dự án Luật hầu như chỉ nói đến biển đảo, trong khi rừng chiếm một vị trí quan trọng trong phát triển kinh tế, xã hội nhưng không được đề cập đến. Đại biểu đề nghị, dự án Luật cần bổ sung thêm một chương riêng về bảo vệ môi trường rừng bởi nếu không sẽ mất cân xứng, không thể hiện được tầm quan trọng chiến lược của rừng trong phát triển kinh tế - xã hội và quốc phòng an ninh.

Vấn đề quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường, đại biểu Huỳnh Minh Thiện chỉ ra rằng: Hiện nay các hành vi vi phạm môi trường trong phát triển kinh tế - xã hội ngày càng phổ biến. Nguyên nhân không chỉ do buông lỏng quản lý mà còn do văn bản quy phạm pháp luật chưa cụ thể, xử lý chưa nghiêm. Vì vậy, dự án Luật cần bổ sung một chương về xử phạt vi phạm hành chính trong bảo vệ môi trường để đảm bảo sức răn đe, tạo thuận lợi cho việc thực thi áp dụng pháp luật để có hình thức xử lý kịp thời…

Đề cập đến quy định về thanh tra, kiểm tra trong bảo vệ môi trường, theo đại biểu Đoàn Nguyễn Thùy Trang (thành phố Hồ Chí Minh), hiện nay tình trạng ô nhiễm môi trường đô thị và nông thôn đang ảnh hưởng nghiêm trọng tới chất lượng sống của người dân nhưng công tác thanh, kiểm tra trong bảo vệ môi trường vẫn còn nhiều hạn chế. Thời gian qua, các vụ việc gây ô nhiễm môi trường do thanh tra phát hiện còn ít, nhiều vụ việc nghiêm trọng chủ yếu do lực lượng cảnh sát môi trường phát hiện hoặc do người dân phản ánh. Đại biểu Đoàn Nguyễn Thùy Trang đề nghị, ngoài quy định bắt buộc thanh tra định kỳ 2 lần/năm, dự án luật cần bổ sung quy định ít nhất 1 lần thanh tra đột xuất, góp phần nâng cao hiệu quả của hoạt động thanh tra trong việc phát hiện các hành vi vi phạm về môi trường.

Đối với các hành vi bị nghiêm cấm, đại biểu Phạm Văn Gòn (thành phố Hồ Chí Minh) chỉ rõ: Dự án Luật đã đưa chi tiết những hành vi cấm trong quản lý môi trường nhưng chế tài thực hiện còn nhiều hạn chế. Do đó, dự án Luật cần nâng mức xử phạt, "đánh" vào tài chính của doanh nghiệp; đồng thời bổ sung vào Bộ luật Hình sự quy định truy cứu trách nhiệm hình sự đối với những hành vi vi phạm nghiêm trọng ảnh hưởng đến sức khỏe người dân. Đồng quan điểm, đại biểu Nguyễn Văn Phụng (thành phố Hồ Chí Minh) đề xuất ban soạn thảo nghiên cứu thêm về quy định xử phạt trong dự án Luật.

 

Chia sẻ bài viết