16/11/2010 - 08:43

KỲ HỌP THỨ 8 QUỐC HỘI KHÓA XII:

Thông qua 3 Luật và Nghị quyết về phân bổ ngân sách Trung ương năm 2011

* Dành 27.000 tỉ đồng chi điều chỉnh tiền lương

(TTXVN)- Sáng 15-11, Quốc hội đã thông qua Luật thuế bảo vệ môi trường, Luật thanh tra (sửa đổi), Luật viên chức và Nghị quyết về phân bổ ngân sách trung ương năm 2011 với đa số đại biểu tán thành.

Với đa số đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua Luật thanh tra (sửa đổi) gồm 7 chương, 78 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2011. Luật thanh tra số 22/2004/QH10 hết hiệu lực kể từ ngày Luật thanh tra (sửa đổi) có hiệu lực thi hành.

Theo đó, cơ quan thực hiện chức năng thanh tra gồm cơ quan thanh tra nhà nước (Thanh tra Chính phủ; Thanh tra bộ, cơ quan ngang bộ; Thanh tra tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Thanh tra sở; Thanh tra huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh) và cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành.

Luật Viên chức gồm 6 chương 62 điều, đã được Quốc hội thông qua và có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2012. Theo quy định của Luật, người có quốc tịch Việt Nam và cư trú tại Việt Nam, từ đủ 18 tuổi (trừ một số lĩnh vực đặc thù), có đủ sức khỏe để thực hiện công việc, đáp ứng các điều kiện theo yêu cầu của vị trí việc làm do đơn vị sự nghiệp công lập xác định nhưng không trái với quy định của pháp luật, không phân biệt dân tộc, nam nữ, thành phần xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo... đều được đăng ký dự tuyển viên chức.

Trước những lo ngại về việc chuyển từ trả lương theo hệ thống ngạch bậc, chức danh nghề nghiệp sang trả lương theo vị trí việc làm sẽ gây tác động lớn trong các đơn vị sự nghiệp công lập hiện nay của các đại biểu, Quốc hội đã thống nhất Luật chưa quy định cứng việc xác định việc làm là căn cứ để trả lương. Theo điều 7, vị trí việc làm là công việc hoặc nhiệm vụ gắn với chức danh nghề nghiệp hoặc chức vụ quản lý tương ứng, là căn cứ xác định số lượng người làm việc, cơ cấu viên chức để thực hiện việc tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức trong đơn vị sự nghiệp công lập. Chính phủ quy định nguyên tắc, phương pháp xác định vị trí việc làm, thẩm quyền, trình tự, thủ tục quyết định số lượng, cơ cấu vị trí việc làm trong đơn vị sự nghiệp công lập.

Điều 59 quy định viên chức được tuyển dụng trước ngày 1-7-2003 có các quyền, nghĩa vụ và được quản lý như viên chức làm việc theo hợp đồng làm việc không xác định thời hạn theo quy định của Luật. Đơn vị sự nghiệp công lập có trách nhiệm hoàn tất các thủ tục để bảo đảm các quyền lợi, chế độ, chính sách về ổn định việc làm, chế độ tiền lương và các quyền lợi khác mà viên chức đang hưởng. Viên chức được tuyển dụng từ ngày 1-7-2003 đến ngày Luật có hiệu lực tiếp tục thực hiện hợp đồng làm việc đã ký kết với đơn vị sự nghiệp công lập, có các quyền, nghĩa vụ và được quản lý theo quy định của Luật.

Về Luật thuế bảo vệ môi trường, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng trong bối cảnh hiện nay chưa thể quy định mọi sản phẩm gây ô nhiễm đều thuộc diện chịu thuế, do vậy, đối tượng chịu thuế (điều 3) sẽ vẫn giữ nguyên như dự thảo Luật, gồm 5 nhóm hàng hóa là xăng, dầu, mỡ nhờn; than đá; dung dịch HCFC; túi nilon và thuốc bảo vệ thực vật thuộc nhóm hạn chế sử dụng. Trường hợp cần thiết phải bổ sung đối tượng chịu thuế khác cho phù hợp với từng thời kỳ thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quy định.

Theo quy định tại điều 8, mức thuế tuyệt đối đối với mặt hàng xăng, dầu sẽ từ 300 - 4.000 đồng/lít, với than đá là từ 10.000 - 50.000 đồng/tấn, dung dịch HCFC là 1.000 - 5.000 đồng/kg, túi nilon thuộc diện chịu thuế là 30.000 - 50.000 đồng/kg. Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định mức thuế cụ thể đối với từng loại hàng hóa chịu thuế, đảm bảo nguyên tắc mức thuế được xác định theo mức độ gây tác động xấu đến môi trường của hàng hóa, phù hợp với chính sách phát triển kinh tế - xã hội của Nhà nước trong từng thời kỳ.

Luật thuế bảo vệ môi trường gồm 4 chương, 13 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2012.

“Chính phủ chủ động sắp xếp chi thường xuyên trên tinh thần triệt để tiết kiệm chi, chống lãng phí; ưu tiên bố trí thực hiện các nhiệm vụ chính trị quan trọng, bảo đảm nguồn lực thực hiện chính sách an sinh xã hội và tiền lương”. Đây là quy định tại điều 4, Nghị quyết về phân bổ ngân sách Trung ương năm 2011 đã được các đại biểu Quốc hội thông qua.

Theo Nghị quyết, tổng số thu cân đối ngân sách Trung ương năm 2011 là 398.679 tỉ đồng, tổng số thu cân đối ngân sách địa phương là 206.321 tỉ đồng. Tổng số chi cân đối ngân sách Trung ương năm 2011 là 519.279 tỉ đồng, bao gồm cả 126.208 tỉ đồng bổ sung cân đối, bổ sung có mục tiêu từ ngân sách Trung ương. Trong số này, chi cho đầu tư phát triển là 78.800 tỉ đồng, chi trả nợ và viện trợ 86.000 tỉ đồng, chi phát triển các sự nghiệp kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý hành chính 224.300 tỉ đồng, chi điều chỉnh tiền lương 27.000 tỉ đồng.

Đối với việc hỗ trợ đầu tư các dự án, công trình cấp bách của địa phương, Ngân sách Trung ương chỉ hỗ trợ một phần vốn đầu tư tập trung chủ yếu cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn trong thời gian không quá 2 năm đối với các tỉnh có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn, chỉ cân đối được ngân sách địa phương từ 50% trở xuống, ưu tiên các tỉnh Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ. Thời kỳ ổn định ngân sách địa phương là 5 năm, từ năm ngân sách 2011 đến hết năm ngân sách 2015.

w Chiều 15-11, thảo luận tại hội trường về dự án Luật khiếu nại, các đại biểu đều tán thành quan điểm: Nguyên tắc quan trọng trong việc xây dựng Luật này là nhằm góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.

Các đại biểu cơ bản nhất trí phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng của dự thảo Luật (được xây dựng trên cơ sở kế thừa quy định hiện hành của Luật khiếu nại, tố cáo), quy định khiếu nại và giải quyết khiếu nại đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan hành chính nhà nước, của người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước. Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) và một số đại biểu đề nghị cần làm rõ hơn việc dự thảo Luật quy định “Khiếu nại, giải quyết khiếu nại của đơn vị sự nghiệp công lập được áp dụng theo quy định của Luật này”, vì các tổ chức sự nghiệp công lập không phải là các cơ quan hành chính nhà nước, trong quan hệ với công dân không có quyết định hành chính, hành vi hành chính vì vậy cần phải làm rõ việc áp dụng Luật khiếu nại để giải quyết đối với loại khiếu nại nào? Bên cạnh đó, một số ý kiến như của đại biểu Bùi Sĩ Lợi (Thanh Hóa) đề nghị nên mở rộng phạm vi điều chỉnh của Luật, không chỉ giới hạn việc khiếu nại và giải quyết khiếu nại đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính để phù hợp với phạm vi quyền khiếu nại của công dân được quy định tại Điều 74 của Hiến pháp.

Đề cập vấn đề khiếu nại đông người, các đại biểu Trần Thị Phương Hoa (Nam Định), Phan Văn Tường (Thái Nguyên), Lê Dũng (Tiền Giang), Bùi Sỹ Lợi (Thanh Hóa)... cho rằng, trên thực tế, tình trạng này vẫn diễn ra ở nhiều nơi với tính chất phức tạp và thường liên quan đến lĩnh vực đất đai, nhà ở, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư, môi trường, tức là liên quan đến quyền lợi của người dân... Đây là một thực tế không thể né tránh, đòi hỏi các cơ quan nhà nước phải xem xét. Nếu không tạo được một hành lang pháp lý, một cơ chế giải quyết thấu đáo, kẻ xấu có thể lợi dụng, kích động, gây bùng phát tại những thời điểm nhạy cảm... Các đại biểu đề nghị cần nghiên cứu để quy định trong Luật này việc giải quyết khiếu nại đông người, để có những quy định phù hợp. Đối với trình tự, thủ tục có thể giao Chính phủ quy định. Đại biểu Trần Thị Phương Hoa đề nghị bổ sung thêm qui định về khiếu nại đông người và tách ra làm hai trường hợp cụ thể. Đối với việc khiếu nại mà nhiều người cùng khiếu nại về một nội dung thì hướng dẫn công dân làm chung một đơn khiếu nại và cử người đại diện tham gia trong quá trình giải quyết khiếu nại. Đối với việc khiếu nại đông người nhưng mỗi người khiếu nại một nội dung thì hướng dẫn từng người làm đơn riêng và thụ lý riêng từng trường hợp để giải quyết.

Chia sẻ bài viết