21/02/2017 - 21:00

Kiên Giang

Thiếu nguồn nhân lực phục vụ du lịch

Đến cuối năm 2016, tỉnh Kiên Giang thu hút hơn 270 dự án đầu tư du lịch, trong đó huyện Phú Quốc nhiều nhất, trên 220 dự án, với diện tích 6.300 ha, tổng vốn đầu tư là 222 ngàn tỉ đồng, trong đó có 30 dự án đưa vào hoạt động. Dự kiến trong năm 2017, ngành du lịch ở huyện đảo này cần đến 2.000 lao động. Tuy nhiên, bài toán về nguồn nhân lực vẫn luôn làm đau đầu các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn.

Phú Quốc đang mở rộng diện tích xây dựng nhà hàng, khách sạn.

Đáp ứng sự phát triển nhanh của ngành du lịch Kiên Giang, nguồn nhân lực trong lĩnh vực này cũng tăng đáng kể. Tuy nhiên, chất lượng nguồn nhân lực còn yếu chưa đáp ứng được nhu cầu, đội ngũ cán bộ quản lý kinh doanh du lịch thiếu, chất lượng nghiệp vụ lao động còn nhiều hạn chế. Theo ông Hồ Minh Triết, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kinh tế kỹ thuật Kiên Giang, qua kết quả khảo sát của trường theo nhu cầu của các doanh nghiệp thì nhu cầu lao động của Kiên Giang có 5 thiếu. Đó là: thiếu về số lượng qua đào tạo; thiếu kỹ năng nghề, đặc biệt là kỹ năng nghề sâu; thiếu trình độ ở cấp trung gian, nhất là vị trí quản đốc, tổ trưởng thiếu trầm trọng; thiếu bền vững do lao động "nhảy việc", bỏ việc trong những ngày lễ, tết; thiếu quy hoạch, quy hoạch không hợp lý, dẫn đến tuyển sinh đào tạo không phù hợp, không đồng bộ.

Ông Hồ Minh Triết cho biết, nguyên nhân dẫn đến thiếu hụt nguồn nhân lực có nhiều, nhưng có thể dễ dàng nhận thấy, ngành du lịch Kiên Giang vướng vào hoàn cảnh "thừa thầy, thiếu thợ". Các doanh nghiệp mới liên tục ra đời khiến tình trạng thiếu nhân lực vốn đã khó khăn càng trở nên trầm trọng hơn. Không chỉ thiếu hụt nguồn nhân lực có chất lượng tốt, trong lĩnh vực du lịch, tình trạng "nhảy việc" của nhân viên quản lý lành nghề; tình trạng chèo kéo nhân viên không lành mạnh giữa các doanh nghiệp cũng khiến bài toán nhân lực càng nan giải.

 Du lịch Kiên Giang đang thiếu nguồn nhân lực phục vụ.

Theo ông Đặng Hồng Sơn, Giám đốc Sở Lao động- Thương binh và Xã hội tỉnh Kiên Giang, thực trạng yếu và thiếu nhân lực trong ngành du lịch Kiên Giang còn bắt nguồn từ nguyên nhân lao động không thích nghi được với sự phát triển. Nguồn nhân lực trẻ về du lịch qua đào tạo không ít, nhưng vấn đề là chất lượng đào tạo. Đặc biệt là vấn đề ngoại ngữ- một trong những yêu cầu quan trọng đối với lao động làm việc trong ngành du lịch, nhưng chưa đáp ứng nhu cầu.

Phú Quốc đang phát triển mạnh, nhất là lĩnh vực du lịch. Do đó đòi hỏi nguồn nhân lực rất lớn trên tất cả các lĩnh vực: từ du lịch, công nghiệp cho đến nông nghiệp, giao thông vận tải... Nhu cầu tập trung vào đối tượng có kỹ năng nghề, chuyên sâu cao. Lao động có thể không cần qua đại học, nhưng phải có kỹ năng nghề tốt, có thái độ- phẩm chất nghề nghiệp phù hợp, đáp ứng yêu cầu làm việc với áp lực cao của ngành du lịch. Ông Đặng Hồng Sơn cho biết, chỉ qua khảo sát tại 5 doanh nghiệp du lịch ở Phú Quốc, năm 2017, 5 doanh nghiệp này có nhu cầu đến 2.000 lao động, và trong những năm tiếp theo, nhu cầu còn tăng cao. Dù các doanh nghiệp đã đến tận cơ sở đào tạo tuyển dụng nhưng tuyển được không đến 10%. Nguyên nhân chủ yếu là lao động không đáp ứng được yêu cầu về ngoại ngữ.

Theo dự báo phát triển du lịch trong năm 2017, Kiên Giang đón 5,8 triệu lượng khách đến tham quan, nghỉ dưỡng, tăng 7,6% so với năm qua; đón khách quốc tế 360 ngàn lượt, tăng 12,8%. Do vậy, để đáp ứng nguồn nhân lực phục vụ phát triển ngành du lịch, cần nâng cao chất lượng chuyên môn cho người lao động. Đào tạo, huấn luyện tại chỗ cần được quan tâm phát huy bởi đây là giải pháp hiệu quả. Ông Đặng Hồng Sơn, Giám đốc Sở Lao động- Thương binh và Xã hội tỉnh Kiên Giang cho rằng, cần xúc tiến chương trình khuyến nghề, phát huy chính sách của nhà nước về khuyến khích học nghề... Bên cạnh đó, Sở Lao động- Thương binh và Xã hội tỉnh Kiên Giang tiếp tục nghiên cứu bổ sung thêm những hình thức đào tạo hợp lý, như đào tạo theo địa chỉ, đào tạo theo gói dự án, đơn vị tự đào tạo. Đồng thời, phối hợp với Sở Du lịch tranh thủ công tác đào tạo của Tổng cục Du lịch và các dự án đào tạo quốc tế nhằm cải thiện nhanh số lượng, đạt chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng nhu cầu phát triển du lịch của tỉnh.

PHƯƠNG ANH

Chia sẻ bài viết