03/10/2012 - 20:47

Thị trường viết bài đánh giá sản phẩm giả bùng nổ ở Úc

 

Trước khi mua một ứng dụng, quyển sách, đĩa phim hay tìm một khách sạn hoặc nhà hàng phù hợp nhu cầu, người mua thường tìm kiếm những bài đánh giá (review) cho sản phẩm để tham khảo. Chính vì thế, một thị trường viết bài đánh giá giả đang nở rộ ở Úc.

Một khảo sát mới đây của công ty nghiên cứu thị trường Nielsen cho biết, 71% người dùng ở Úc tham khảo các bài đánh giá trên Internet của những người khác trên các trang như Google Local, Urban Spoon, Yelp, TripAdvisor và Amazon, trước khi quyết định mua sản phẩm. Tuy nhiên, họ không thể ngờ rằng có không ít bài đánh giá được viết theo "đơn đặt hàng", trong một số trường hợp, người viết không hề được tận mắt nhìn thấy sản phẩm hay sử dụng nó trước khi đánh giá.

Thỏa thuận giữa người bán sản phẩm và người viết bài đánh giá sản phẩm được thực hiện một cách công khai trên các trang việc làm tại nhà như Fiverr.com và Freelancer.com. Rất nhiều khách sạn và công ty lớn đã tìm đến những trang web này để tìm người viết bài đánh giá sản phẩm giả.

Reharn Morris, một người chuyên viết bài đánh giá tay cầm điều khiển máy chơi game Xbox và sách điện tử ở bang Tasmania (Úc), tiết lộ: "Các bài đánh giá phải được viết như thể bạn là một người dùng thực sự. Bạn sẽ được cung cấp mọi thông tin về sản phẩm. Tuy nhiên, chỉ viết những điểm tốt, trong khi bạn thực sự chưa bao giờ tận mắt nhìn thấy sản phẩm".

Bing Liu, một chuyên gia thu thập dữ liệu ở Đại học Illinois, công bố trên tờ New York Times mới đây rằng 1/3 số bài viết đánh giá sản phẩm trên web là giả. Hãng nghiên cứu thị trường Gartner cũng dự báo sẽ có từ 10-15% số bài đánh giá sản phẩm sẽ được các công ty trả tiền vào năm 2014.

Các bài đánh giá có tầm quan trọng rất lớn đến quyết định của người dùng. Các nhà kinh tế học tại Đại học California (Mỹ), chỉ ra rằng khi mức xếp hạng của một nhà hàng nào đó trên trang Yelp.com chỉ cần tăng ½ sao (khung xếp hạng 1-5 sao), khả năng hết chỗ ngồi lúc 7 giờ tối của nhà hàng đó tăng lên từ 30-49%.

Luke, một thanh niên 18 tuổi ở Melbourne chuyên viết bài đánh giá ứng dụng iPhone hay iPad với giá 5 USD trên cửa hàng trực tuyến iTunes của Úc, cho biết thêm, cậu hỏi tác giả ứng dụng muốn được mấy sao, nếu muốn 4 sao, cậu sẽ cho nó 4 sao. Sau đó, cậu chủ yếu viết về các ưu điểm để dụ dỗ người dùng tải về ứng dụng đó.

Các nhà nghiên cứu của Đại học Cornell (Mỹ) khuyến cáo các bài viết đánh giá sản phẩm giả rất khó phát hiện. Chính vì thế, người dùng chỉ còn cách là nên chọn những nguồn thông tin uy tín để tránh những sai lầm đáng tiếc.

Lê Phi (Theo SMH, Vernoncraig)

Chia sẻ bài viết