27/09/2015 - 17:21

Thi đua dạy tốt để nâng cao chất lượng đào tạo

Với bề dày 58 năm hình thành và phát triển, Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật (CĐ KT-KT) Cần Thơ không chỉ thay đổi "diện mạo" mà còn xây dựng được lực lượng cán bộ, giảng viên có trình độ chuyên môn cao, từ đó không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo. Đây là thành quả quá trình nỗ lực vượt bậc của lãnh đạo, tập thể cán bộ, giảng viên nhà trường.

* Trưởng thành qua hội thi

Tại Hội thi giáo viên giỏi Trung cấp chuyên nghiệp (TCCN) toàn quốc lần thứ X năm 2015, do Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tổ chức cuối tháng 8-2015, 4/6 thành viên trong Đoàn TP Cần Thơ dự thi là giảng viên Trường CĐ KT-KT Cần Thơ đều đạt giải cao: 1 giải Nhất, 2 giải Nhì và 1 giải Ba. Đây là vinh dự và cũng là thành quả tất yếu sau nhiều năm nỗ lực trui rèn tác phong sư phạm, nghiệp vụ chuyên môn của giáo viên nhà trường. Tiến sĩ Trần Chí Nhân, Phó khoa Công nghệ - thủy sản (đạt giải Nhất), cho biết: "Kết quả đạt được ngoài nỗ lực bản thân còn có sự giúp đỡ của đồng nghiệp ở khoa, lãnh đạo nhà trường tận tình góp ý, chỉnh sửa qua các buổi tổ chức giảng thử. Lãnh đạo trường tạo điều kiện về thời gian, đồng nghiệp ở khoa hỗ trợ công tác, giúp tôi tập trung hoàn thành tốt phần thi của mình".

 Qua các hội thi giáo viên giỏi, đã giúp cán bộ Trường CĐ KT-KT Cần Thơ vận dụng tốt hơn phương pháp giảng dạy, phù hợp từng đối tượng sinh viên, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo.

Tương tự, Thạc sĩ Nguyễn Mỹ Linh, giảng viên Khoa Quản trị kinh doanh (đạt giải Nhì), cho rằng, để tham gia hội thi, giảng viên phải tự tìm tòi, nghiên cứu tài liệu, học hỏi kinh nghiệm của thầy cô tham gia hội thi trước đó; đồng thời vững vàng nghiệp vụ sư phạm để có thể truyền đạt tốt nhất kiến thức đến sinh viên. Là một trong những cán bộ tốt nghiệp thạc sĩ chuyên ngành Marketing từ Đề án Cần Thơ - 150, năm 2011, cô Linh được Sở Nội vụ TP Cần Thơ phân công về trường công tác. Cô Linh bộc bạch: "Tôi yêu thích ngành sư phạm từ nhỏ nên khi đi học về, tôi đăng ký giảng dạy tại trường. Sự hòa đồng, đoàn kết, hỗ trợ nhau trong nghiệp vụ của thầy cô ở khoa, khiến tôi ngày càng gắn bó hơn, xem đây là "ngôi nhà" thứ hai và càng nỗ lực giảng dạy, nghiên cứu khoa học".

Trước khi tham gia Hội thi giáo viên giỏi TCCN toàn quốc, các giảng viên này phải tham gia và đạt giải hội thi cấp cơ sở và thành phố. Lãnh đạo nhà trường luôn quan tâm, phát động phong trào thi đua dạy tốt, học tốt, hội thi giáo viên giỏi… toàn trường. Theo thầy Nhân, hằng năm, trường tổ chức hội thi giáo viên giỏi cấp trường, vừa tạo sân chơi, vừa giúp các thầy cô giao lưu, học hỏi kinh nghiệm giảng dạy để có thể trưởng thành hơn trong chuyên môn, nghiệp vụ và mạnh dạn đưa quan điểm mới, thực tế vào bài giảng, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo. Qua thống kê, trường có 15 giảng viên dạy giỏi cấp toàn quốc, 26 giảng viên dạy giỏi cấp thành phố và 3 Nhà giáo ưu tú. Riêng năm 2015, trường đạt giải nhất toàn đoàn trong Hội thi giáo viên giỏi TCCN cấp thành phố.

* "Nâng tầm" đội ngũ

Không chỉ học tập, nâng cao trình độ từ các hội thi, cán bộ, giảng viên còn được lãnh đạo nhà trường quan tâm tạo điều kiện để theo học các khóa đào tạo ngắn, dài hạn. Cụ thể như, nhà trường tạo điều kiện về thời gian, bố trí lịch nghiên cứu, làm việc, giảng dạy hợp lý, hỗ trợ một phần kinh phí,... cho cán bộ, giảng viên đi học. Trường còn tranh thủ tìm nguồn đào tạo từ một số chương trình, đề án địa phương (Đề án Cần Thơ-150), Trung ương (Đề án 911)… tạo điều kiện cho cán bộ, giảng viên học sau đại học… Hằng năm, trường quy hoạch cụ thể cán bộ, giảng viên ở các chuyên ngành và công khai minh bạch. Sau đó tạo điều kiện để cán bộ học tập nâng cao trình độ ngoại ngữ để có thể học tốt ở bậc sau đại học. Đối với trường hợp đi học tự túc hoặc xin đề án, trường sẽ góp ý đề tài, đề cương để cơ hội trúng tuyển cao;… Thạc sĩ Đỗ Thị Tuyết Nhung, Phó Hiệu trưởng nhà trường, nói: "Trước khi cán bộ đi học, Ban Giám hiệu trường tổ chức họp công bố, trao quyết định đi học cho cán bộ. Mỗi dịp đầu năm, lãnh đạo trường tổ chức buổi gặp gỡ cán bộ, giảng viên để nắm bắt tâm tư, tình cảm, khó khăn. Qua đó, động viên, khuyến khích đội ngũ cán bộ, giảng viên học tập nâng cao trình độ chuyên môn".

Thạc sĩ Nguyễn Mỹ Linh nói: "Tôi chuẩn bị làm đề cương để dự tuyển học nghiên cứu sinh ngoài nước theo Đề án 911. Nhờ lãnh đạo trường tạo điều kiện, đồng nghiệp ở khoa hỗ trợ, tôi tin mình sẽ thành công. Khoa hiện có 5/14 giảng viên chuẩn bị đi học sau đại học". Khoa Công nghệ - Thủy sản có 7/17 cán bộ đang làm nghiên cứu sinh trong và ngoài nước… Đến nay, số giảng viên có trình độ sau đại học của trường chiếm trên 90%; trong đó có 8 tiến sĩ và 26 nghiên cứu sinh. Đội ngũ cán bộ, giảng viên đáp ứng yêu cầu giảng dạy khoảng 6.000 học sinh, sinh viên. Hằng năm, trường có khoảng 1.500 - 2.000 học sinh, sinh viên tốt nghiệp, trong đó trên 72% sau khi tốt nghiệp có việc làm. Với thành tích đạt được, trường vinh dự được UBND TP Cần Thơ tặng Cờ thi đua năm 2015, vì có thành tích tiêu biểu xuất sắc trong phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2011-2015; Bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua năm học 2014-2015;… Đây là nền tảng quan trọng để trường tiếp tục phấn đấu trở thành Trường ĐH Kinh tế - Kỹ thuật Nông nghiệp Cần Thơ trong năm học 2015 - 2016.

Thạc sĩ Đỗ Thị Tuyết Nhung, Phó Hiệu trưởng Trường CĐ KT-KT Cần Thơ, nhấn mạnh: "Bên cạnh quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trường tập trung nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ, giảng viên, xây dựng chương trình đào tạo bậc cao đẳng, TCCN sát với thực tế… Qua đó nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng nhu cầu nhà tuyển dụng cũng như cung ứng lực lượng cán bộ trình độ tay nghề cao, phục vụ phát triển kinh tế- xã hội địa phương".

Bài, ảnh: B.Ngọc

Chia sẻ bài viết