15/01/2011 - 10:21

Theo chồng... giữ nước

* Ký HỮU TÙNG

Mỗi lần ra thăm Hòn Khoai (cụm đảo thuộc huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau), cảm xúc về người lính biển trong tôi lại trào dâng mãnh liệt. Ở đó, có những người lính ngày đêm bám dân, bám biển… để bảo vệ sự bình yên cho quê hương, đất nước. Cũng tại nơi đó, có sự hy sinh thầm lặng của những người vợ, người mẹ… làm “hậu phương” vững chắc để những người lính thêm “chắc tay súng, vững tay chèo” nơi đầu sóng ngọn gió. Trong những người phụ nữ ấy, tôi cảm phục đức hy sinh của chị Nguyễn Thị Hòa, vợ của Thượng tá Phạm Xuân Thịnh, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Đảo Hòn Khoai.

Tốt nghiệp Trường sĩ quan Biên phòng với quân hàm Trung úy vào năm 1984, chàng trai trẻ xứ Nghệ - Phạm Xuân Thịnh khoác ba lô vào tỉnh Minh Hải (cũ) theo lệnh điều động của cấp trên. Với vùng đất “muỗi kêu như sáo thổi” này, Thịnh chỉ mường tượng qua lời kể, qua sách vở, giờ mới có dịp đặt chân đến. Dù biết cuộc sống bộn bề gian khó nhưng vì nhiệm vụ thiêng liêng mà Đảng và nhân dân giao phó, Thịnh gạt đi tất cả để theo tiếng gọi của quê hương. Ngày lên đường vào vùng đất mới, Thịnh “thề non, hẹn biển” với người con gái trẻ nết na cùng quê là Nguyễn Thị Hòa: sau 2 năm trở về làm đám cưới. Ước nguyện ấy thành hiện thực. “Đời lính bôn ba khắp nơi, đối mặt với nhiều hiểm nguy, gian khó... nhưng vì quá yêu tôi, vợ tôi “gạt nước mắt” từ biệt gia đình cùng tôi vào Minh Hải. Ngày đi, gia đình bên vợ không ai cầm được nước mắt”- Thịnh kể.

Chị Hòa và đứa cháu ruột trước cổng đồn biên phòng Hòn Khoai. Ảnh: HỮU TÙNG. 

Có chuyên môn vững vàng, được đào tạo bài bản nên Trung úy Thịnh được Bộ chỉ huy Biên phòng Cà Mau phân công đảm nhiệm công tác huấn luyện. Tại đại đội huấn luyện, vợ chồng anh được đơn vị bố trí một căn phòng nhỏ làm bằng cây, lá tạm. Hằng ngày, Thịnh lên thao trường huấn luyện chiến sĩ mới, chị Hòa ở nhà cuốc đất trồng rau, chăn nuôi gia súc, gia cầm và buôn bán nhỏ. Cuộc sống tuy vất vả nhưng bước đầu, đôi vợ chồng trẻ này đã tạo được một mái ấm đơn sơ, bình dị mà hạnh phúc! Hạnh phúc được nhân lên khi chị Hòa sinh cô con gái đầu lòng. Thịnh đặt tên con gái là Minh Hải như lời cảm ơn vùng đất mới đã cho mình cuộc sống đầm ấm sum vầy.

Năm 1993, Thịnh được cấp trên phân công đảm nhận trọng trách mới tại Đồn Biên phòng 676 Rạch Gốc (nay thuộc huyện Ngọc Hiển) - vùng đất mang tên người thầy giáo anh hùng yêu nước ở Cà Mau, cũng là vùng đất huyền thoại về đường Hồ Chí Minh trên biển với đoàn tàu 962 không số. Nhắc đến chuyện chồng chuyển công tác về cơ sở, chị Hòa kể: “Thời đó, Rạch Gốc còn hoang vắng, không có nước ngọt, điện, đường... gì cả. Đi lại chủ yếu bằng xuồng, ghe. Ăn cơm chiều phải chong đèn dầu, mắc mùng vì muỗi, bù mắc rất nhiều. Bà con ai cũng sống được thì vợ người lính như tôi càng phải thích nghi tốt hơn”.

Để tạo dựng cuộc sống mới, anh Thịnh mượn khu đất hoang cất căn nhà nhỏ gần cơ quan để vợ con trú mưa, che nắng. Hàng ngày, anh đi nắm tình hình ở địa bàn. Thương chồng quên mình vì việc nước, chị Hòa cũng cố gắng làm lụng để phụ chồng nuôi con. “Tại cửa biển, ghe tàu nhiều nên tôi mua cá, con tôm nhỏ của ngư dân khai thác về phơi khô để làm cá phân. Nhờ chăm chỉ, chi tiêu vén khéo nên từ đồng vốn nhỏ, tôi dành dụm đủ tiền để mở tiệm thu mua các mặt hàng thủy hải sản, rồi mở thêm dịch vụ bán xăng, dầu nhớt. Nhờ đó, cuộc sống bước đầu tạm ổn”- chị Hòa tâm sự.

Cuộc sống vừa tạm ổn, chị Hòa sanh thêm đứa con trai. Nhưng chẳng lâu sau, anh Thịnh một lần nữa được rút về công tác ở Bộ chỉ huy Biên phòng tỉnh. Việc nước đặt lên hàng đầu, Thịnh bùi ngùi xa vợ. Chị Hòa ở lại Rạch Gốc gồng gánh, chăm lo con cái. Hai năm sau đó, anh Thịnh được đơn vị luân chuyển công tác về Đồn Biên phòng Tiểu Dừa, nay thuộc địa bàn xã Khánh Tiến, huyện U Minh. Một lần nữa, chị Hòa bỏ hết cơ ngơi đã gầy dựng, dắt con theo chồng sang dựng nhà lá ở vùng đất nhiễm phèn U Minh. Tại vùng đất mới, với vốn liếng tích góp được ở Rạch Gốc bao năm, chị thuê 25 công ruộng trồng lúa kết hợp nuôi cá đồng, nấu rượu, chăn nuôi gia súc, gia cầm. Mô hình mà chị thực hiện như một trang trại nhỏ khép kín, không chỉ có đủ lúa để ăn và phục vụ chăn nuôi mà trong nhà lúc nào cũng có heo bầy, vịt đàn, cho thu hoạch theo kiểu “gối đầu, cuốn chiếu”... “Vừa ổn định chỗ nơi làm ăn thì đùng một cái, đầu năm 2007 ảnh có lệnh điều động của cơ quan ra đảo Hòn Khoai nhận nhiệm vụ mới. Dù rất buồn nhưng tôi cũng phải thu gom để theo ảnh ra đó. Cái gì bán được thì bán, cái gì không mang theo được thì để lại cho bà con lối xóm”- chị Hòa nhớ lại.

Ở đảo nhỏ Hòn Khoai, từ xưa đến nay không có dân sinh sống nên rất hoang vu, buồn tẻ, quanh năm chỉ có anh em bộ đội biên phòng, hải quân, ra-đa. Không chỉ vậy, thiên nhiên vùng đất đồi núi giữa biển trời Tây Nam này khắc nghiệt, đất đai ít màu mỡ, không thuận lợi cho việc tăng gia sản xuất. Thế nhưng chị Hòa vẫn mạnh dạn đầu tư nuôi 10 con dê, 3 con heo thịt và hàng trăm con gà, vịt. Đàn dê lúc đầu chưa quen nước, chị Hòa phải chăm bẵm từng con, kể cả đút nước tận miệng cho dê uống, lựa từng loại lá cây cho dê ăn. Nhờ vậy mà bầy dê sống khỏe mạnh, đến nay sinh sản phát triển thành đàn gần 40 con.

Trên chuyến tàu 190109 của Bộ đội Biên phòng Cà Mau ra thăm đảo Hòn Khoai dịp đầu năm mới 2011, tôi được trò chuyện cùng con, em gái và chị gái của chị Hòa nên được nghe nhiều chuyện kể về vợ chồng anh Thịnh - chị Hòa. Chị Nguyễn Thị Bảy - chị ruột chị Hòa, kể: “Thường thì mỗi tháng, Hòa vượt hàng chục hải lý đường biển vào Rạch Gốc thăm 2 cô con gái, còn cậu con trai nối nghiệp cha đang theo học năm thứ 2 tại Học viện Biên phòng. Lần này, tôi dẫn con cái ra thăm 2 vợ chồng nó. Em rể tôi cứ đi công tác, lăn lộn ở địa bàn, tất cả việc nhà và chăm sóc con cái đều khoán trắng cho Hòa. Nhọc nhằn, khổ cực là vậy nhưng Hòa lúc nào cũng vui, vì Hòa hiểu được công việc, sự vất vả của người lính biên phòng, chấp nhận, cảm thông và hy sinh vì chồng”.

Trên tuyến biên giới biển của tỉnh Cà Mau hiện nay đã có hàng chục gia đình biên phòng, là người ở miền Trung, miền Bắc, đời sống còn nhiều vất vả. Yêu chồng, cảm thông và chia sẻ công việc của chồng nên vợ của lính biên phòng chấp nhận xa quê hương, xa người thân... để chăm lo cho chồng, tiếp sức cùng chồng gìn giữ quê hương, đất nước. “Sự có mặt của các chị đã giúp người lính thêm vững lòng, chắc tay súng trên mọi nẻo đường tuần tra”, Đại tá Lưu Văn Sơn, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Bộ chỉ huy Biên phòng tỉnh Cà Mau, cảm động nói.

Chia sẻ bài viết