UBND TP Cần Thơ vừa tổ chức Hội nghị triển khai Kế hoạch số 82/KH-UBND của thành phố về thực hiện Quyết định số 54/2012/QĐ-TTg ngày 4-12-2012 của Thủ tướng Chính phủ (gọi tắt là Quyết định số 54) về Ban hành chính sách cho vay vốn phát triển sản xuất đối với hộ dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn, giai đoạn 2012-2015. Theo số liệu thống kê bước đầu của các ngành chức năng và địa phương, thành phố có khoảng 138 hộ đồng bào dân tộc sống tại 2 xã Thới Xuân và Thới Đông (huyện Cờ Đỏ) có cơ hội vay vốn với lãi suất ưu đãi theo Quyết định 54.
Cơ hội vay vốn lãi suất ưu đãi
Theo Quyết định số 54, các hộ đồng bào dân tộc thiểu số (kể cả các hộ có vợ hoặc chồng là người dân tộc) sống ở các xã, phường, thị trấn thuộc vùng khó khăn, mức thu nhập bình quân đầu người hằng tháng từ 50% trở xuống (so với tiêu chuẩn hộ nghèo theo quy định hiện hành) và có phương án sản xuất nhưng thiếu, không có vốn sản xuất sẽ được vay vốn với lãi suất ưu đãi (1,2%/năm) để phát triển sản xuất. Hộ vay vốn không dùng tài sản để bảo đảm tiền vay và được miễn lệ phí làm thủ tục hành chính trong việc vay vốn. Các hộ dân có thể vay một hoặc nhiều lần; tổng mức vay không quá 8 triệu đồng/hộ, thời hạn vay được căn cứ vào chu kỳ sản xuất, kinh doanh và khả năng trả nợ của hộ vay vốn, nhưng tối đa không quá 5 năm. Việc cho vay vốn được thực hiện theo nguyên tắc công khai, dân chủ, đúng đối tượng và dựa trên các phương án sử dụng vốn vay và cam kết của từng hộ. Hằng năm, các ngành chức năng sẽ rà soát để bổ sung và đưa ra những hộ không còn thuộc diện đặc biệt khó khăn. Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện việc cho vay và có thể ủy thác từng phần cho các tổ chức chính trị, xã hội tại cấp xã trong việc cho vay vốn và thu hồi nợ. Nguồn vốn để thực hiện, đối với các địa phương chưa tự cân đối ngân sách thì Trung ương cấp vốn cho Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện, các địa phương cân đối được ngân sách thì kinh phí thực hiện được tính vào ngân sách địa phương. Hằng năm, UBND các cấp bố trí khoản kinh phí này trong dự toán ngân sách địa phương, trình HĐND phê duyệt và chuyển cho Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện.
|
Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Cần Thơ Lê Hùng Dũng phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị triển khai
Kế hoạch số 82/KH-UBND của thành phố về thực hiện Quyết định số 54. |
Để thực hiện tốt Quyết định số 54, ngày 28-8-2013, UBND TP Cần Thơ đã ban hành Kế hoạch số 82/KH-UBND, trong năm 2013, các địa phương vùng khó khăn có đối tượng hộ đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn theo quy định sẽ khảo sát đối tượng thụ hưởng, tổng hợp nhu cầu báo về UBND thành phố. Theo đó, thành phố có kế hoạch bố trí vốn, hướng dẫn thủ tục vay vào đầu năm 2014.
TP Cần Thơ có xã Thới Đông và Thới Xuân (huyện Cờ Đỏ) thuộc diện thụ hưởng Quyết định số 54. Theo Kế hoạch số 82/KH-UBND của UBND TP Cần Thơ, các hộ đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn cư trú tại 2 xã trên, nếu đáp ứng các điều kiện theo Quyết định số 54 sẽ được vay vốn. Trong đó, các hộ thuộc đối tượng thụ hưởng chính sách này, nếu chưa được vay vốn theo chính sách cho vay hộ nghèo, thì được xét cho vay với mức cao hơn. Số tiền vay tăng thêm so với định mức tối đa sẽ áp dụng mức lãi suất theo chính sách cho vay đối với hộ nghèo. Các hộ thuộc đối tượng thụ hưởng chính sách, nhưng đã vay vốn theo chính sách hộ nghèo mà đã trả nợ một phần hoặc chưa trả do khó khăn tài chính tạm thời, nếu có nhu cầu vẫn được xét cho vay với lãi suất ưu đãi.
Tạo điều kiện cho đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên
Theo thống kê bước đầu của 2 xã Thới Đông và Thới Xuân, có ít nhất khoảng 150 hộ đồng bào dân tộc Khmer là đối tượng thụ hưởng chính sách vay vốn với lãi suất ưu đãi theo Quyết định số 54. Cụ thể, xã Thới Xuân có 178 hộ dân tộc nghèo, trong số này khoảng 2/3 hộ dân và xã Thới Đông khoảng 20/66 hộ đủ điều kiện vay vốn.
Tại hội nghị triển khai Kế hoạch số 82/KH-UBND của UBND TP Cần Thơ, nhiều đại biểu cho rằng, Quyết định số 54 thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước trong việc tạo điều kiện cho đồng bào dân tộc thiểu số phát triển sản xuất, ổn định đời sống, thoát nghèo bền vững. Các nội dung trong Quyết định, Thông tư hướng dẫn và Kế hoạch triển khai thực hiện của UBND TP Cần Thơ khá rõ. Vấn đề còn lại là phải triển khai thực hiện chặt chẽ, nhanh chóng để các đối tượng trong quy định được thụ hưởng chính sách một cách kịp thời và đầy đủ. Ông Hồ Phước Tân, Phó Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam Chi nhánh TP Cần Thơ, cho biết: "Trên địa bàn 2 xã Thới Đông và Thới Xuân đã có 30 tổ tiết kiệm vay vốn thuộc hệ thống Ngân hàng Chính sách xã hội. Đây là điều kiện thuận lợi để xét cho vay vốn và trợ giúp thực hiện các thủ tục vay đối với các hộ đồng bào dân tộc được thụ hưởng chính sách. Nhìn chung, các thủ tục vay vốn theo Quyết định số 54 đơn giản và hiện Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam đã ban hành văn bản hướng dẫn. Vấn đề cần làm ngay là phải thông tin kịp thời cho người dân biết và liên hệ với chính quyền, các Tổ tiết kiệm vay vốn ở gần nhà để họ hướng dẫn làm hồ sơ".
Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Cần Thơ Lê Hùng Dũng yêu cầu các cấp, các ngành chức năng thành phố và địa phương phải tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các hộ đồng bào dân tộc được thụ hưởng chính sách này. Đặc biệt, UBND huyện Cờ Đỏ và chính quyền tại 2 xã Thới Đông và Thới Xuân phải kịp thời tuyên truyền, triển khai đến các ấp có đồng bào dân tộc sinh sống. Đồng thời, thực hiện bình xét cho vay vốn một cách công bằng, linh động, tạo đồng thuận trong chính quyền và nhân dân. Cần vận động bà con khi có tiền và đến hạn trả nợ phải làm tốt nghĩa vụ trả nợ, tạo điều kiện cho các hộ khó khăn hơn có nguồn vốn để vay.
Bài, ảnh: KHÁNH TRUNG