15/02/2020 - 20:19

Thầy Mười Cùi - Huyền thoại Hắc Long võ phái 

Một người đàn ông không còn ngón chân và ngón bàn tay trái nào, chỉ trơ trọi một đoạn ngón trỏ và ngón cái của bàn tay phải đủ để kẹp thuốc xỉa, vậy nhưng đã làm nên điều kỳ diệu cho võ học miền Tây. Ông là cố đại võ sư Võ Thành Miêng, biệt danh Mười Cùi, sáng tổ môn phái Hắc Long huyền thoại.

Mới đây, Viện Võ học Việt Nam vừa tổ chức lễ tôn vinh những đóng góp của cố võ sư Mười Cùi và môn phái Hắc Long cho nền võ học dân tộc. Tại đây, các võ sư, võ sĩ và môn sinh của võ sư Mười Cùi đã nhắc đến thầy với những tình cảm kính trọng. Chân dung lão võ sư huyền thoại của miền Tây sông nước cũng được khắc họa.

Cố võ sư Mười Cùi sinh năm 1910, mất năm 1987, thọ 77 tuổi. Ông sinh ra và lớn lên ở Vàm Từ Tải - Khung Trung, nay gọi là Vàm Tắc, thuộc xã Mỹ Hòa, thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long. Vàm Từ Tải ở sông Cái Vồn Lớn, còn có tên gọi khác là Vàm Ông Phò hay Tắc Ông Phò. Nguyên do là hồi xưa, ở vàm sông này có ông Võ Văn Phò, một tay võ nghệ cao cường, săn cọp khét tiếng một vùng. Ông Phò bao lần dùng võ nghệ của mình để đánh cọp, bảo vệ dân làng. Nhớ ơn ông, bà con gọi vàm sông nơi mình sống là Vàm Ông Phò.

Ông Phò chính là thân sinh của lão võ sư Mười Cùi. Vậy nên chẳng có gì lạ khi mà từ lúc mới “nhổ giò”, Võ Thành Miêng đã được cha truyền dạy võ nghệ, sau đó lên đường tầm sư học đạo, thọ giáo dòng võ Võ Lâm Bắc Phái. Sau hơn 10 năm luyện tập võ nghệ, lúc chừng 25 tuổi, võ sư Mười Cùi được sư phụ cho xuất sư, trở về quê nhà. Lúc này, Nam Kỳ lục tỉnh đang bị thực dân Pháp cai trị. Với sự nhiệt huyết và lòng yêu nước, chàng thanh niên Võ Thành Miêng tham gia kháng Pháp. Bị bại lộ, thực dân Pháp tìm bắt Võ Thành Miêng với ý đồ mua chuộc để làm tay sai cho chúng vì biết được võ nghệ xuất chúng của người thanh niên đất Cần Thơ (thời điểm này Bình Minh thuộc quận Trà Ôn, tỉnh Cần Thơ). Rơi vào tay giặc, ông giữ khí tiết của một người học võ. Kết quả, chúng đã tiêm thuốc và chặt ngón tay, chân của ông. Dù giữ được mạng sống nhưng 20 ngón tay chân, ông chỉ giữ được ngón tay cái và mà một đoạn ngón trỏ của bàn tay phải. Biệt danh Mười Cùi ra đời từ đó.

Trở về quê hương Cái Vồn với tấm thân tật nguyền, khiếm khuyết, hoàn cảnh sống cơ cực, lầm than vậy nhưng ông Mười Cùi vẫn cứ lạc quan và sống có ích. Ông mở lò dạy võ, mở Võ đường Hắc Long ở hai nơi: Bình Minh (Vĩnh Long) và khu vực Tham Tướng (Ninh Kiều, Cần Thơ ngày nay) để truyền bá cho các thế hệ thanh niên sở học võ nghệ của mình.

Sau nhiều năm truyền dạy và rèn luyện võ nghệ, Võ đường Hắc Long đã được nhiều người biết đến và ngưỡng mộ với những thế hệ đầu đàn của võ đường như Ba Hoài, Lê Hồng Chương, Thuộc, Đoàn… Nhiều đệ tử võ phái Hắc Long đã làm rạng danh với những lần thượng đài ở các tỉnh miền Tây, như: Lê Hồng Chương, Trương Văn Nghĩa, Huỳnh Như Thủy, Trần Dưỡng, Sáu Trảo, Chế Minh Đức, Quách Hán Kiệt, Lý Kim Quang, Quách Kim Long, Nguyễn Hồng Việt, Nguyễn Việt Hùng…

Lãnh đạo Viện Võ học Việt Nam và Trung tâm Bảo tồn - Truyền bá võ học dân tộc trao Bằng tôn vinh môn phái Hắc Long và Danh nhân võ học - cố võ sư Võ Thành Miêng cho đại diện võ đường Hắc Long - Bình Minh. Ảnh: Quốc Nam

Có thể nhận định, Võ phái Hắc Long được xây dựng trên nền tảng võ học dân tộc, kết hợp giữa truyền thống và khoa học. Võ học của Mười Cùi cương nhu phối triển, phù hợp trong sự khai thác những mặt mạnh và hạn chế của tầm vóc cũng như thể lực của người Việt nói chung, thanh niên vùng ĐBSCL nói riêng. Chương trình truyền dạy Hắc Long võ phái được xây dựng từ thấp đến cao, từ dễ đến khó, nâng cao dần kỹ năng, kỹ xảo của người học võ, những kinh nghiệm thi đấu, mánh lới trong trận mạc, những đòn thế bí truyền, những toa thuốc hữu hiệu xử lý chấn thương… Võ phái Hắc Long hiện còn lưu giữ nhiều bài bản rất đặc sắc với lối đánh, thi triển đầy uy lực và độc hiểm như Mai Hoa, Thủ Thành, Hầu Anh, Nhân Công Thủ Phá Thành, Long Hổ Tranh Hùng, Ngũ Độc Thần Quyền, Roi Thần Đồng, Bài Ghế Đẩu, Ngũ Hổ Cứ Sơn, Độc Dắc, Ngũ Lôi Công Lực, Mê Linh Kiếm, Long Điểu Quyền, Tiên Cô Thám Hải, La Thành Thương, Bát Quái Xà Quyền, Đả Hổ Lưỡng Đầu Côn, Phi Long Bát Tiên Kiếm, Bát Bộ Liên Hoa, Mai Hoa Đoạt Mệnh Đao, Tấn Nội Công…

Cho đến nay sau hơn 50 năm hoạt động, Võ phái Hắc Long đã phát triển mạnh ở nhiều địa bàn như Cần Thơ, Vĩnh Long, Hậu Giang, TP Hồ Chí Minh, đóng góp nhiều cho phong trào võ thuật cổ truyền, thu hút hàng ngàn môn sinh theo học và gắn bó với võ phái. Điểm đáng ghi nhận trong cách dạy võ của lão võ sư Mười Cùi là tài đi đôi với đức, võ nghệ đi đôi với võ đạo. Điều này được các học trò của ông như võ sư Sáu Trảo, Lê Hồng Chương, Quách Hán Kiệt, Ba Hoài… thuật lại với đầy sự ngưỡng mộ. Như võ sư Ba Hoài, nhỏ hơn thầy Mười Cùi chỉ vài tuổi nhưng lại cúi đầu bái sư, gọi Thầy, xưng Con. Với ông Ba Hoài, thầy Mười Cùi thực là một minh sư toàn tâm toàn tài.

Hai danh nhân võ học ĐBSCL đã được tôn vinh

Dù đi vào hoạt động chưa lâu song Viện Võ học Việt Nam đã gầy dựng niềm tin và tập hợp đông đảo võ sư, huấn luyện viên, nhà nghiên cứu… Bên cạnh công tác sưu tầm, nghiên cứu, bảo tồn và quảng bá sâu rộng nguồn tư liệu quý giá về võ học dân tộc, thì công tác đào tạo, huấn luyện nâng cao trình độ võ học cũng được Viện Võ học Việt Nam chú trọng. Đặc biệt, Viện Võ học Việt Nam và các trung tâm trực thuộc còn làm tốt công tác tôn vinh danh nhân võ học cho các cố lão võ sư và lão võ sư có nhiều đóng góp cho nền võ học dân tộc, xét phong tặng huy hiệu truyền thống võ học cho các võ phái và các dòng võ tiêu biểu…

Võ sư Nguyễn Quốc Nam, Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn - Truyền bá võ học dân tộc, trực thuộc Viện Võ học Việt Nam, cho biết: Tại ĐBSCL, hiện đã thực hiện tôn vinh Danh nhân võ học cho cố lão võ sư Đoàn Tâm Ảnh - Sáng tổ Võ phái Võ Lâm Chánh Tông - Côn Lôn Bắc Phái và cố lão võ sư Võ Thành Miêng - Sáng tổ Võ phái Hắc Long. Thời gian tới, Viện Võ học Việt Nam sẽ tiếp tục công tác tôn vinh môn phái và danh nhân võ học trong cả nước, góp phần tích cực trong công cuộc chấn hưng nền võ học cổ truyền Việt Nam, gắn kết các môn đồ kế thừa ở các võ phái.

DUY KHÔI

Chia sẻ bài viết