Hỏi:
Vợ chồng tôi xin được một đứa con nuôi 20 tháng tuổi. Chúng tôi muốn thay đổi toàn bộ họ tên của con; thay đổi họ tên cha mẹ trong giấy khai sinh từ cha mẹ đẻ sang cha mẹ nuôi để xem như vợ chồng tôi là cha mẹ ruột của cháu luôn. Xin hỏi có được không? Pháp luật có cho phép không?
Nguyễn Kiều Liên (Huyện Thốt Nốt)
Trả lời:
Câu hỏi của bạn Nguyễn Kiều Liên được Luật sư Ngô Công Minh (cộng tác viên của Trung tâm trợ giúp pháp lý TP Cần Thơ) trả lời như sau:
Việc nhận nuôi con nuôi phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền đăng ký và ghi vào sổ hộ tịch. Thủ tục đăng ký việc nuôi con nuôi, giao nhận con nuôi được thực hiện theo quy định của pháp luật về hộ tịch (Điều 72 Luật HNGĐ)
Như vậy, người nhận nuôi con nuôi phải lập hồ sơ đăng ký việc nuôi con nuôi theo mẫu quy định, gồm: Giấy thỏa thuận về việc cho và nhận con nuôi do chính cha, mẹ đẻ và người nhận con nuôi lập; giấy khai sinh của người được nhận làm con nuôi, biên bản xác nhận tình trạng trẻ bị bỏ rơi, nếu người được nhận làm con nuôi là trẻ bị bỏ rơi (Điều 26 NĐ158/2005 ngày 27-12-2005 của Chính phủ về đăng ký và quản lý hộ tịch).
Khi có đủ hồ sơ, người nhận con nuôi thực hiện việc đăng ký nuôi con nuôi tại UBND cấp xã nơi cư trú của mình (Điều 25 NĐ158/2005 ngày 27-12-2005 của Chính phủ). Sau khi đã được cán bộ Tư pháp hộ tịch kiểm tra, xác minh trong thời hạn luật định, thấy rằng việc cho và nhận nuôi con nuôi có đủ điều kiện theo quy định của Luật Hôn nhân Gia đình thì UBND cấp xã đăng ký việc nuôi con nuôi. Cán bộ Tư pháp hộ tịch ghi vào sổ đăng ký và Chủ tịch UBND cấp xã ký quyết định công nhận việc nuôi con nuôi cấp cho các bên. Theo đó, bên cho con nuôi có trách nhiệm giao cho cha, mẹ nuôi bản chính giấy khai sinh của đứa bé (Điều 27 NĐ158/2005 ngày 27-12-2005 của Chính phủ).
Trong trường hợp giữa cha, mẹ đẻ và cha, mẹ nuôi có sự thỏa thuận về việc thay đổi phần khai về cha, mẹ từ cha, mẹ đẻ sang cha, mẹ nuôi trong giấy khai sinh và sổ đăng ký khai sinh của con nuôi thì UBND cấp xã, nơi đã đăng ký khai sinh cho con nuôi, đăng ký khai sinh lại theo những nội dung thay đổi đó. Trong cột ghi chú của sổ đăng ký khai sinh phải ghi rõ “cha, mẹ nuôi”. Việc đăng ký khai sinh lại phải được ghi rõ trong cột ghi chú của sổ đăng ký khai sinh trước đây. Bản chính và bản sao giấy khai sinh của con nuôi được cấp theo nội dung mới, giấy khai sinh cũ phải được thu hồi. Việc thay đổi phần kê khai về cha, mẹ nói tại Khoản 2 điều này phải được sự đồng ý của con nuôi, nếu con nuôi từ đủ 9 tuổi trở lên (Khoản 2 Điều 28 NĐ158/2005 ngày 27-12-2005 của Chính phủ).
Như vậy, việc thay đổi họ, tên của người con nuôi thì cha, mẹ nuôi có thể “tự quyết” theo nguyện vọng của mình. Nhưng đối với yêu cầu thay đổi họ, tên cha, mẹ trong giấy khai sinh, bắt buộc phải có sự đồng ý bằng văn bản của cha, mẹ đẻ. Và trong sổ đăng ký khai sinh phải ghi chú là cha, mẹ nuôi để trẻ vẫn còn “gốc” của mình.
THÙY TRANG (Thực hiện)