12/11/2019 - 21:06

Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV

Thảo luận về dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1 

(TTXVN)- Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, sáng 12-11, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) thảo luận tại hội trường về Báo cáo nghiên cứu khả thi về dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1; chủ trương đầu tư Dự án hồ chứa nước Ka Pet, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận.

Kỳ họp thứ 8 Quốc hội Khoá XIV, ngày 12/11/2019

Theo báo cáo, tổng mức đầu tư dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành khoảng 4,779 tỉ USD (khoảng 111.689 tỉ đồng). Nguồn vốn thực hiện là từ doanh nghiệp hàng không và các loại vốn khác. Chính phủ đề xuất giao Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) đầu tư các hạng mục chính giai đoạn 1 dự án sân bay Long Thành. Ước tính để làm dự án này ACV sẽ phải huy động gần 2,63 tỉ USD bên cạnh hơn 1 tỉ USD đã có.

Cho ý kiến tại phiên họp, nhiều ĐBQH lo ngại rằng một số vấn đề như diện tích thu hồi đất, số vốn mà ACV huy động ảnh hưởng đến nợ công, tiến độ thực hiện và giải ngân dự án…

Báo cáo nghiên cứu khả thi về dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể khẳng định: Không có một sân bay nào hiệu quả tốt như sân bay Long Thành, nhất là trong giai đoạn 1, giai đoạn 2. Bộ trưởng cho biết, khi sân bay này vừa hoàn thành có thể đạt ngay 20 - 25 triệu khách/năm. Đến 2030, con số này sẽ là 85 triệu khách/năm. Bộ trưởng cam kết sẽ cố gắng tối đa để đảm bảo tiến độ, chất lượng dự án. Bộ sẽ làm việc với ACV xin cơ chế thuê chuyên gia, tổ chức quốc tế để tăng cường công tác hỗ trợ cho ACV, tăng cường kiểm tra giám sát, đảm bảo chất lượng công trình tốt nhất.

Về dự án hồ Ka Pét, đa số đại biểu nhất trí cho rằng dự án đủ điều kiện cần thiết trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư tại kỳ họp thứ 8 này.

Trong phiên họp chiều, các ĐBQH biểu quyết thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2020. Sau đó, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội.

Luật Tổ chức Quốc hội được ban hành năm 2014 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2016 tạo cơ sở pháp lý cho việc tổ chức và hoạt động của Quốc hội. Sau hơn ba năm thi hành, Luật đã đem lại những kết quả tích cực, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, ĐBQH trong lĩnh vực lập pháp, giám sát, quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước. Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức thực hiện Luật đã phát sinh một số vướng mắc, bất cập cần sửa đổi, bổ sung kịp thời. Theo dự kiến, Luật này sẽ được Quốc hội xem xét, thông qua theo quy trình tại một kỳ họp và có hiệu lực từ ngày 1-6-2021 để bắt đầu triển khai thực hiện cho nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV.

PV

Chia sẻ bài viết