26/10/2011 - 10:03

KỲ HỌP THỨ HAI, QUỐC HỘI KHÓA XIII

Thảo luận Dự thảo Luật Tố cáo: Phải đảm bảo an toàn cho người tố cáo

Sáng 25-10, Quốc hội thảo luận toàn thể tại Hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Tố cáo.

Dự án Luật Tố cáo đã được trình Quốc hội khóa XII thảo luận, cho ý kiến. Trên cơ sở ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội và Đoàn đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật đã được chỉnh lý, hoàn thiện để trình Quốc hội khóa XIII xem xét, thông qua tại kỳ họp này. Các nội dung chính được tiếp thu, chỉnh lý là về phạm vi điều chỉnh; chủ thể tố cáo; quyền và nghĩa vụ của người tố cáo, người bị tố cáo và người giải quyết tố cáo; hình thức tố cáo; tố cáo tiếp; bảo vệ người tố cáo; giám sát công tác giải quyết tố cáo; trách nhiệm của các cơ quan thông tin, báo chí. Trong đó, công tác bảo vệ người tố cáo và hình thức tố cáo là những nội dung được nhiều đại biểu quan tâm.

Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nhằm cụ thể hóa một bước các nội dung bảo vệ người tố cáo, dự thảo đã chỉnh lý, bổ sung các quy định về phạm vi, đối tượng, thời hạn bảo vệ; quyền và trách nhiệm của người tố cáo được bảo vệ, trong đó có bổ sung quy định về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước đối với thiệt hại về vật chất và tổn hại về tinh thần xảy ra trong trường hợp người tố cáo có yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền áp dụng các biện pháp cần thiết để bảo vệ mình mà các cơ quan, tổ chức, cá nhân đó không áp dụng hoặc áp dụng không đúng quy định của pháp luật; về bảo vệ bí mật thông tin về người tố cáo. Dự thảo luật quy định về bảo vệ người tố cáo tại nơi công tác, làm việc, trong đó có quy định về sự tham gia của tổ chức công đoàn cơ sở, cơ quan quản lý lao động địa phương trong việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người tố cáo trong trường hợp người tố cáo bị phân biệt đối xử về việc làm; trách nhiệm của chính quyền địa phương trong việc bảo vệ người tố cáo không bị phân biệt đối xử, trả thù, trù dập tại nơi cư trú. Ngoài quy định về quyền được giữ bí mật các thông tin cá nhân của người tố cáo, trong dự thảo Luật còn có quy định về việc người giải quyết tố cáo phải có trách nhiệm bảo vệ bí mật, an toàn cho người tố cáo như áp dụng các biện pháp cần thiết để bảo vệ bí mật, bảo đảm an toàn cho người tố cáo; việc gửi kết luận nội dung tố cáo, công khai kết luận nội dung tố cáo, quyết định xử lý hành vi vi phạm bị tố cáo phải bảo đảm không tiết lộ thông tin về người tố cáo; bảo vệ bí mật thông tin về người tố cáo. Dự thảo Luật cũng bổ sung quy định về một số biện pháp mà các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền có thể áp dụng để bảo vệ người tố cáo và người thân thích của người tố cáo trong trường hợp họ bị nguy hại đến tính mạng, sức khỏe hoặc bị xâm hại đến danh dự, nhân phẩm, tài sản, đồng thời giao Chính phủ quy định chi tiết chương này để bảo đảm tính khả thi.

Chiều 25-10, QH đã nghe các báo cáo: Công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm; công tác của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; công tác của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; công tác thi hành án và công tác đặc xá; Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp về các nội dung trên.

THANH HÒA-P.V (TTXVN)

Chia sẻ bài viết