26/10/2012 - 09:42

Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIII

Thảo luận dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Quản lý thuế

Sáng 25-10, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế.

Sau khi nghe Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển trình bày Báo cáo của Ủy ban thường vụ Quốc hội giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật quản lý thuế, đa số các đại biểu đều đồng ý với nội dung của báo cáo. Tuy nhiên, để hoàn thiện Luật quản lý thuế vẫn còn một số nội dung các đại biểu băn khoăn, thảo luận.

Tại buổi thảo luận, đại biểu Điêu K’Rứ (Đắk Nông) cho rằng: Về nội dung kê khai thuế, Điều 21, quy định hiện nay các đối tượng nộp thuế GTGT trừ đối tượng khai theo từng lần phát sinh thì đều thực hiện kê khai thuế theo tháng. Hiện Chính phủ đang cải cách hành chính, tạo điều kiện cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tập trung đầu tư, do đó cần quy định rõ trong luật quản lý thuế được khai thuế theo tháng hay quý bằng việc dựa vào số thuế phát sinh, số phải nộp và số còn được khấu trừ của doanh nghiệp để giảm bớt phiền hà cho doanh nghiệp. Đại biểu K’Rứ cho rằng, đối với vấn đề quản lý vi phạm trong lĩnh vực thuế, Điều 106, Điều 107, thuế GTGT là loại thuế gián thu và người tiêu dùng phải chịu. Như vậy, doanh nghiệp chỉ là người nộp thay cho người tiêu dùng nên việc công ty, doanh nghiệp nợ thuế GTGT không thể coi là chậm nộp thuế mà nên đưa vào hành vi chiếm dụng thuế để xử lý. Đại biểu Trần Quang Chiểu (Nam Định) cũng đồng ý với quan điểm này về việc xử lý nghiêm hành vi chiếm dụng thuế.

Đại biểu Đỗ Thị Thu Hằng (Đồng Nai) đã nêu các vấn đề cần trao đổi về dự thảo sửa đổi, bổ sung Luật Quản lý thuế như: Về trách nhiệm của cơ quan thuế trong giải quyết hồ sơ hoàn thuế, đại biểu đề nghị điều chỉnh một số nội dung dự thảo luật đối với vấn đề bổ sung giá trị hoàn thuế và đối tượng kiểm tra trong một thời gian nhất định và không quá 3 năm kể từ ngày có quyết định. Đại biểu kiến nghị điều chỉnh thời gian vì để thời gian dài tới 10 năm thì sẽ gây ra tình trạng khó khăn do số lượng hồ sơ ngày càng nhiều, cán bộ quản lý thuế luân chuyển... sẽ khó khăn trong việc khắc phục sai sót. Đối với doanh nghiệp bị tuyên bố phá sản, đại biểu đề nghị bổ sung quy định giải quyết xóa nợ thuế, tiền phạt thuế cho doanh nghiệp cho phù hợp với quy định của pháp luật về phá sản. Theo đại biểu hiện nay theo Luật phá sản, khi doanh nghiệp tuyên bố phá sản thì doanh nghiệp không còn tồn tại và không còn tư cách pháp nhân để giải quyết bất kỳ thủ tục nào, không thể sử dụng dấu của doanh nghiệp sau khi doanh nghiệp tuyên bố phá sản và cũng không thể nhân danh cá nhân đứng ra giải quyết vấn đề thuế.

Cơ bản đồng ý với dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung, đại biểu Lê Minh Hiền (Khánh Hòa) kiến nghị, dự thảo có bổ sung trường hợp cưỡng chế đối với người nộp thuế được cơ quan quản lý thuế quyết định cho phép nộp dần tiền nợ thuế trong thời gian không quá 12 tháng, tuy nhiên đi kèm theo điều kiện phải có bảo lãnh của tổ chức tín dụng, việc này gây khó khăn cho người nộp thuế. Đại biểu đề nghị cần nghiên cứu lại điều này.

Tiếp tục chương trình làm việc, chiều 25-10, Quốc hội họp toàn thể tại Hội trường, thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật hợp tác xã (sửa đổi). Phó Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân chủ trì phiên họp. Các đại biểu cơ bản đồng tình với Báo cáo giải trình, tiếp thu chỉnh lý đồng thời tập trung cho ý kiến về: Bản chất của hợp tác xã (HTX); tổ chức liên minh HTX; chính sách hỗ trợ, ưu đãi của Nhà nước; quyền của HTX được thành lập công ty; phân phối thu nhập của HTX...

Theo chương trình, sáng 26-10, Quốc hội làm việc tại Hội trường, nghe trình bày: Tờ trình và báo cáo thẩm tra các dự án: Luật Khoa học và Công nghệ (sửa đổi); Luật Thủ đô; Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân và Báo cáo tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại. Buổi chiều, Quốc hội thảo luận tại tổ về: Công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm; về công tác của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; về công tác thi hành án; công tác phòng, chống tham nhũng năm 2012.

THU HÀ -THANH HÒA (TTXVN)

Chia sẻ bài viết