09/06/2009 - 08:20

Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XII

Thảo luận Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản

* Đa số ý kiến nhất trí thời hạn thực hiện nghĩa vụ tham gia dân quân, tự vệ nòng cốt là 4 năm

Sáng 8-6, Quốc hội (QH) làm việc tại hội trường dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch QH Nguyễn Đức Kiên, cho ý kiến vào dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản. Dự thảo Luật quy định sửa đổi, bổ sung một số điều liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản được quy định trong Luật Xây dựng, Luật Đấu thầu, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Doanh nghiệp, Luật Đất đai và Luật Nhà ở.

Cho ý kiến vào việc sửa đổi, bổ sung điều 39 (Luật Xây dựng) sửa đổi thẩm quyền quyết định đầu tư các dự án, công trình quan trọng quốc gia theo hướng Thủ tướng Chính phủ chỉ quyết định đầu tư các dự án quan trọng quốc gia sử dụng vốn nhà nước sau khi được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư; Chính phủ quy định thẩm quyền quyết định đầu tư các dự án đầu tư xây dựng công trình còn lại. Các tiêu chí khác gồm quy mô di dân, tác động môi trường, ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh hoặc di tích quốc gia có giá trị đặc biệt quan trọng về lịch sử, văn hóa và cơ chế, chính sách đặc thù. Quốc hội chỉ quyết định chủ trương đầu tư các dự án, công trình quan trọng quốc gia. Sau khi có Nghị quyết của Quốc hội, cần phải có văn bản hành chính nhà nước, cụ thể là quyết định của Thủ tướng Chính phủ thì chủ trương đầu tư mới có thể triển khai thực hiện, thậm chí các dự án, công trình quan trọng quốc gia nếu Chính phủ quy định thẩm quyền quyết định đầu tư cho các Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thì khó khả thi vì dự án, công trình quan trọng quốc gia liên quan đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực.

Đa số đại biểu đề nghị lấy tên của giấy chứng nhận “ sổ hồng” và “ sổ đỏ” là Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất để thể hiện hai nội dung chủ yếu là quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà ở đã được quy định trong Luật đất đai và Luật nhà ở, điều này cũng phù hợp với nội dung của Nghị quyết của QH về vấn đề này.

* Chiều 8-6, các đại biểu thảo luận tại tổ về dự án Luật Dân quân, tự vệ (DQTV). Đa số các đại biểu nhất trí việc ban hành dự án Luật này sẽ khắc phục những hạn chế, bất cập trong quá trình triển khai thực hiện Pháp lệnh Dân quân, tự vệ; phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân nhằm bảo vệ, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở cơ sở; sẵn sàng chiến đấu đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, phòng thủ dân sự ở địa phương trong mọi tình huống.

Cho ý kiến vào một số nội dung cụ thể, nhiều đại biểu băn khoăn về thành phần của lực lượng DQTV, thành phần của lực lượng DQTV nòng cốt; về thời hạn thực hiện nghĩa vụ DQTV; có nên thành lập quỹ quốc phòng- an ninh hay không...Về những vấn đề này, đại biểu Nguyễn Đăng Kính (Hà Nội) nhất trí với quy định của dự thảo Luật tại Khoản 1 Điều 9 là “Thời hạn thực hiện nghĩa vụ tham gia DQTV nòng cốt là 4 năm”. Đại biểu Kính cho rằng với thời hạn 4 năm là bảo đảm đủ thời gian huấn luyện, học tập và hiệu quả hoạt động, đồng thời tạo nguồn lực để vũ trang toàn dân, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong thời bình và thời chiến. Cũng liên quan đến thời hạn thực hiện nghĩa vụ tham gia DQTV nòng cốt, đại biểu Nguyễn Đức Khang (Hà Nội) đồng tình với các đại biểu khác cho rằng dự thảo Luật quy định 4 năm (giảm 1 năm) cơ bản là phù hợp với thực tiễn. Với thời hạn 4 năm là bảo đảm đủ thời gian huấn luyện, học tập và hiệu quả hoạt động. Nếu thời hạn tham gia nghĩa vụ DQTV là 2 đến 3 năm tuy tạo được nguồn nhân lực nhiều hơn, giải quyết được công bằng xã hội, song thời hạn đó chưa đủ để bảo đảm chất lượng xây dựng, huấn luyện, hoạt động của DQTV. Đối với các xã biên giới, thời gian này không quá 6 năm là phù hợp, không nên kéo dài hơn nữa.

Một nội dung khác cũng được nhiều đại biểu quan tâm cho ý kiến trong dự luật này là việc tổ chức lực lượng tự vệ trong doanh nghiệp (DN). Theo đề xuất của Chính phủ, đối với DN có tổ chức Đảng Cộng sản Việt Nam đã hoạt động ổn định từ 12 tháng trở lên, quy mô lao động phù hợp thì phải tổ chức lực lượng tự vệ ; DN chưa có tổ chức Đảng Cộng sản Việt Nam, đã hoạt động ổn định từ 12 tháng trở lên, quy mô lao động phù hợp, có yêu cầu nhiệm vụ quốc phòng, an ninh theo kế hoạch của cơ quan quân sự địa phương thì được tổ chức lực lượng tự vệ do Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định; còn DN chưa có tổ chức tự vệ, người đứng đầu DN có trách nhiệm bố trí thời gian và kinh phí bảo đảm cho người lao động của DN mình thực hiện nghĩa vụ tham gia DQTV ở địa phương nơi họ cư trú.

BÍCH THỦY-LƯU THỊ THOAN (TTXVN)

Chia sẻ bài viết