21/10/2020 - 19:25

Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV

Thảo luận dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi) và Luật Biên phòng Việt Nam 

Tiếp tục chương trình Kỳ họp 10, ngày 21-10, trong phiên làm việc sáng, Quốc hội nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi) và thảo luận trực tuyến về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật.

Quốc hội thảo luận trực tuyến về dự án Luật Cư trú (sửa đổi) và nghe Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm báo cáo, giải trình làm rõ một số vấn đề 

Dự án Luật này đã được các đại biểu Quốc hội thảo luận, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV; Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại Phiên họp thứ 47. Sau khi tiếp thu, chỉnh lý, dự thảo Luật gồm 7 chương và 38 điều. Về phạm vi điều chỉnh của Luật, Ðiều 1 của dự thảo Luật đã được chỉnh lý theo hướng khẳng định rõ Luật Cư trú chỉ điều chỉnh đối với công dân Việt Nam, còn việc cư trú của người có quốc tịch nước ngoài, người không có quốc tịch được điều chỉnh bởi Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.

Về điều kiện đăng ký thường trú, dự thảo Luật không quy định điều kiện đăng ký thường trú áp dụng riêng đối với thành phố trực thuộc trung ương như Luật hiện hành, bởi việc đặt ra các điều kiện riêng này sẽ làm hạn chế quyền tự do cư trú của công dân; tác động đến quyền, lợi ích hợp pháp của một bộ phận công dân đang sinh sống, làm việc tại các thành phố lớn nhưng không đủ điều kiện đăng ký thường trú. 

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm báo cáo, giải trình làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm

Về điều khoản thi hành, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí thời điểm Luật Cư trú (sửa đổi) có hiệu lực thi hành là từ ngày 1-7-2021 như đề xuất của Chính phủ. Về một số quy định có tính chất chuyển tiếp phù hợp để bảo đảm sự thích ứng kịp thời của các cơ quan nhà nước có liên quan, tránh làm phát sinh thêm thủ tục, giấy tờ cho người dân, dự thảo Luật đề xuất hai phương án. Phương án 1: Có quy định chuyển tiếp, theo đó, kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành, Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú đã được cấp vẫn được sử dụng và có giá trị như giấy tờ xác nhận về cư trú theo quy định của Luật này cho đến hết ngày 31-12-2022; thông tin về cư trú trong Cơ sở dữ liệu về cư trú là thông tin gốc, cơ quan đăng ký cư trú sẽ không cấp mới, cấp lại Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú. Phương án 2: Giữ như nội dung Chính phủ đã trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 9 là: Các loại giấy tờ có giá trị pháp lý đã phát hành có sử dụng thông tin từ Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú vẫn có nguyên hiệu lực pháp luật. Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú không có giá trị sử dụng trong các giao dịch, quan hệ pháp luật được xác lập mới kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành.

Trong phiên họp chiều, Quốc hội nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Biên phòng Việt Nam và thảo luận trực tuyến về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật.

PV (TTXVN)

 

 

Chia sẻ bài viết