04/11/2011 - 08:35

KỲ HỌP THỨ HAI, QUỐC HỘI KHÓA XIII

Thảo luận dự thảo Luật bảo hiểm tiền gửi và Luật Tài nguyên nước sửa đổi

Sáng 3-11, Quốc hội làm việc tại tổ, thảo luận về Dự án Luật bảo hiểm tiền gửi.

Đề cập đối tượng điều chỉnh của Luật, hầu hết các đại biểu nhất trí quy định chỉ bảo hiểm tiền gửi của cá nhân, không bảo hiểm tiền gửi của tổ chức bởi mục tiêu lớn nhất của bảo hiểm tiền gửi là bảo vệ số đông người gửi tiền nhỏ lẻ, không có điều kiện tham gia sản xuất - kinh doanh, không có điều kiện tiếp cận thông tin tham gia gửi tiền tại các tổ chức tín dụng. Chính sách bảo hiểm tiền gửi nên hướng tới bảo vệ số đông người gửi tiền nhỏ lẻ, trường hợp tổ chức tín dụng gặp rủi ro thì họ vẫn nhận được một khoản tiền gửi tối thiểu. Tuy nhiên, đại biểu Trần Quốc Tuấn (Trà Vinh) đề nghị xem xét đưa vào 3 đối tượng được bảo hiểm tiền gửi: Cá nhân; tổ hợp tác và doanh nghiệp siêu nhỏ (có số lao động dưới 10 người). Quy định vai trò, vị trí của tổ chức bảo hiểm tiền gửi như thế nào để có một vị thế độc lập tương đối, có đủ thẩm quyền và năng lực tài chính để thực hiện chính sách bảo hiểm tiền gửi hiệu quả, minh bạch, khách quan, phù hợp với cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Cũng trong sáng 3-11, đại biểu Quốc hội các tổ đã thảo luận về Dự án Luật tài nguyên nước (sửa đổi); cơ bản nhất trí với việc ban hành nhằm khắc phục những tồn tại, vướng mắc và bổ sung những quy định để đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về tài nguyên nước.

Chiều 3-11, Quốc hội làm việc tại hội trường, nghe Tờ trình của Chính phủ về các dự án: Luật Quảng cáo; Luật Giá; Luật Giám định tư pháp; Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Việc xây dựng Luật Giá nhằm tạo ra cơ chế để giá cả phát huy những tác động tích cực của nó đối với nền kinh tế như: kích thích sản xuất phát triển, đổi mới công nghệ, tiến bộ kỹ thuật, đổi mới quản lý, tăng năng suất, hạ giá thành sản phẩm, phân bổ và sử dụng có hiệu quả nguồn lực của đất nước... Đồng thời, khắc phục, hạn chế những khuyết tật, tác động bất lợi của nó đến nền kinh tế.

Luật bảo đảm được sự can thiệp của Nhà nước về giá phù hợp với vai trò, chức năng của Nhà nước trong cơ chế kinh tế thị trường, cụ thể là: Nhà nước thực hiện quản lý nhà nước về giá bằng pháp luật, giảm tối đa sự can thiệp hành chính vào hoạt động về giá của thị trường và các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh. Nhà nước tôn trọng quyền tự định giá của các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh; thực hiện việc can thiệp vào thị trường chủ yếu bằng các biện pháp kinh tế để tác động vào sự hình thành và vận động của giá cả. Nhà nước chỉ định giá đối với: hàng hóa, dịch vụ thuộc lĩnh vực độc quyền nhà nước sản xuất kinh doanh; hàng hóa, dịch vụ thuộc doanh nghiệp có vị thế độc quyền sản xuất kinh doanh; hàng hóa, dịch vụ thiết yếu thuộc doanh nghiệp, nhóm doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh thị trường sản xuất kinh doanh; tài nguyên quan trọng; sản phẩm, dịch vụ công ích và dịch vụ sự nghiệp công được cơ quan nhà nước có thẩm quyền đặt hàng, giao kế hoạch để khắc phục những khuyết tật của cơ chế giá thị trường.

Tờ trình của Chính phủ nêu rõ: Việc ban hành Luật xử lý vi phạm hành chính (XLVPHC) nhằm góp phần khắc phục những hạn chế, bất cập trong việc thực hiện Pháp lệnh XLVPHC, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước.

Theo chương trình, sáng 4-11, Quốc hội làm việc tại Tổ, thảo luận về các dự án: Luật Quảng cáo và Luật Giáo dục đại học.

NHÓM PV TTXVN

Chia sẻ bài viết