10/05/2018 - 21:21

Hội nghị Trung ương 7 khóa XII:

Thảo luận Đề án cải cách chính sách bảo hiểm xã hội 

Tiếp tục chương trình làm việc Hội nghị lần thứ bảy, chiều 10-5, Ban Chấp hành Trung ương khóa XII thảo luận tại hội trường về Đề án cải cách chính sách bảo hiểm xã hội.

Đồng chí Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư thay mặt Bộ Chính trị điều hành phiên thảo luận.

Phát biểu tại Hội nghị, các đồng chí Ủy viên Trung ương đánh giá cao việc chuẩn bị Đề án cải cách chính sách bảo hiểm xã hội được chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng, khoa học, toàn diện, khách quan, các giải pháp có tính khả thi cao. Đa số ý kiến phát biểu nhấn mạnh sự cần thiết cải cách để chính sách bảo hiểm xã hội thực sự là một trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội, từng bước mở rộng, tiến tới thực hiện bảo hiểm xã hội toàn dân; phát triển hệ thống bảo hiểm xã hội linh hoạt, đa dạng, đa tầng, hiện đại và hội nhập quốc tế theo nguyên tắc đóng - hưởng, công bằng, bình đẳng, chia sẻ và bền vững, qua đó nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội tinh gọn, chuyên nghiệp, hiện đại, hiệu quả, tin cậy và minh bạch.

Đồng chí Phùng Quốc Hiển, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội phát biểu. Ảnh: PHƯƠNG HOA (TTXVN)

Các ý kiến phát biểu tại Hội nghị cơ bản nhất trí với mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp cải cách chính sách bảo hiểm xã hội được xác định trong Đề án; thống nhất ban hành Nghị quyết của Trung ương về vấn đề này; đồng thời đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, xác đáng về các nội dung Bộ Chính trị trình xin ý kiến Trung ương.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển bày tỏ băn khoăn, khi sửa đổi điều kiện hưởng chế độ hưu trí theo hướng giảm số năm đóng bảo hiểm Xã hội tối thiểu từ 20 năm tham gia bảo hiểm xã hội xuống còn 10 năm. Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, kinh nghiệm ở các nước xung quanh thiết kế tối đa là 20 năm, thông thường là từ 10-15 năm và có thể cho phép linh hoạt. Nhưng đương nhiên, thời gian đóng ngắn thì mức hưởng sẽ tương xứng, bảo đảm nguyên tắc công bằng, đóng - hưởng.

Nhiều đại biểu đóng góp ý kiến về vấn đề điều chỉnh tuổi nghỉ hưu, bởi đây là vấn đề dư luận xã hội, đặc biệt là người lao động rất quan tâm. Làm rõ thêm vấn đề này, đại biểu Đào Ngọc Dung nhấn mạnh: Đây là xu thế chung và Việt Nam nằm trong xu thế này. Điều chỉnh tuổi hưu bình quân phụ thuộc vào nhiều yếu tố, đặt ra nhiều mục tiêu: Đối phó với già hóa dân số; sự biến đổi của thị trường lao động; bình đẳng giới; cân đối quỹ trong dài hạn.

Cùng quan điểm cần thiết phải tăng tuổi nghỉ hưu trong bối cảnh kinh tế-xã hội, dân số nước ta đã có nhiều thay đổi, với các lý do về tăng tuổi thọ, già hóa dân số, về khả năng làm việc, về quỹ bảo hiểm xã hội, đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà thấy rằng cần có lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu để bảo đảm không có sự thay đổi quá nhanh, đột ngột và dẫn đến nhiều hệ lụy. Bên cạnh đó, đại biểu đề nghị cần phải nghiên cứu để xem xét các quy định nghỉ hưu phù hợp với đối tượng, trong đó cần tính đến các đối tượng do đặc thù nghề nghiệp, lao động độc hại.

Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc đề nghị cần tách bạch bảo hiểm xã hội tự nguyện và bảo hiểm xã hội bắt buộc và hoạch toán độc lập riêng như bảo hiểm nhân thọ.

Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hà nêu một trong những nguyên nhân mà số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện vẫn còn ít là do hiện nay bảo hiểm xã hội tự nguyện mới chỉ chế độ hưu trí và tử tuất. Đánh giá Đề án có những bước tiến bộ khi xác định bảo hiểm xã hội tự nguyện trong thời gian tới sẽ từng bước mở rộng sang các chế độ khác, đại biểu đồng tình cần có các gói bảo hiểm xã hội tự nguyện linh hoạt và đề nghị cần triển khai sớm gói này, đặc biệt là cần bổ sung chế độ thai sản.

NGUYỄN SỰ- QUỲNH HOA (TTXVN)

Ông Trần Quốc Phẩm, Chủ tịch Hội cựu thanh niên xung phong TP Cần Thơ: Xây dựng chính sách tiền lương tương xứng với sức lao động

Qua tìm hiểu, tôi được biết, Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, đang diễn ra, tập trung thảo luận về các đề án quan trọng: Đề án Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ (CB) các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ năng lực, phẩm chất và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; Đề án Cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC), lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp; Đề án Cải cách chính sách bảo hiểm xã hội. Trong 3 đề án này, tôi quan tâm nhất đến đề án Tập trung xây dựng đội ngũ  CB các cấp và cải cách chính sách tiền lương.

Qua theo dõi, tôi thấy thời gian qua công tác CB từng lúc, từng nơi còn khuyết điểm, tồn tại, cần tiếp tục xem xét nghiêm túc, kỹ lưỡng. Cụ thể, một số CB, đảng viên thiếu rèn luyện, tu dưỡng, giữ gìn và phát huy phẩm chất của người chiến sĩ cộng sản, một bộ phận không nhỏ bị tha hóa nghiêm trọng; đáng quan tâm là có nhiều CB cấp cao, CB lãnh đạo một số tỉnh, thành vi phạm kỷ luật... Tôi kỳ vọng, tại Hội nghị lần này, những vấn đề này sẽ được giải quyết triệt để và chọn được người CB có tâm, có tầm để lãnh đạo xây dựng đất nước; đồng thời, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm nhằm răn đe, phòng ngừa tham nhũng, tạo niềm tin của nhân dân đối với Đảng. Bên cạnh đó, Đảng và Nhà nước cần quan tâm, tạo cơ hội để những CB trẻ năng động, có phẩm chất đạo đức tốt, có trình độ cao phấn đấu, trưởng thành...

Về vấn đề cải cách chính sách tiền lương, tôi mong muốn tại Hội nghị sẽ để tìm ra phương thức tháo gỡ những điểm bất cập, tạo được động lực để nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả làm việc của người lao động. Bộ máy hành chính nhà nước cần được sắp xếp lại theo hướng gọn nhẹ, nhằm giảm bớt nhân lực dư thừa, góp phần tạo thêm nguồn tài chính để trả lương cho CBCCVC tương xứng với giá trị sức lao động. Việc tăng lương cần theo lộ trình, phù hợp với tình hình phát triển của đất nước, song phải đảm bảo mục tiêu đạt được là đáp ứng mức sống tối thiểu của CBCCVC. Có vậy, CBCCVC mới yên tâm công tác, tạo động lực lực lượng này nâng cao năng lực để thực thi công vụ hiệu quả hơn, giảm thiểu tham nhũng. Chính sách tiền lương cần chú ý đến đối tượng nghỉ hưu, trong đó cần nghiên cứu nâng tỷ lệ tăng lương cho đối tượng nghỉ hưu từng tham gia kháng chiến cao hơn đối tượng nghỉ hưu trong thời bình, không tạo sự chênh lệch về tiền lương.

Việc cải cách chính sách tiền lương cũng cần khuyến khích lực lượng thanh niên có trình độ chuyên môn, khoa học- kỹ thuật cao. Hiện nay, chế độ tiền lương chưa phản ánh được trình độ, chất lượng đáp ứng công việc hoặc chức vụ đảm nhận. Sau khi tốt nghiệp đại học dù đạt loại xuất sắc khi được nhận vào làm ở cơ quan nhà nước, họ chỉ nhận được đồng lương quá eo hẹp, nhất là đối với bộ phận lao động ký hợp đồng. Vì vậy, tôi cho rằng tiền lương của CBCCVC cần được điều chỉnh để thu hút nhân tài vào các cơ quan Đảng- Nhà nước, để CBCCVC tận tâm và có trách nhiệm trong công việc.

Q. THÁI (lược ghi)

 

Đồng chí Nguyễn Xuân Linh, Bí thư chi bộ khu vực 7, phường Bình Thủy, quận Bình Thủy: Nhiều điểm mới có tính khả thi cao

Những ngày qua, theo dõi diễn tiến của Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, nhất là bài phát biểu khai mạc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, cùng các bài phân tích, bình luận của các đại biểu, chuyên gia, tôi rất tin tưởng và đặt nhiều kỳ vọng vào những điểm mới xoay quanh 3 Đề án lớn, quan trọng và cấp bách trong bối cảnh đất nước hiện nay.

Trong đó, vấn đề tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ đã được đề cập nhiều lần ở những lần hội nghị trước. Tuy nhiên, kết quả đạt được thời gian qua chưa như mong muốn. Tôi tin tưởng ở lần hội nghị này sẽ có chuyển biến tích cực hơn, bởi có sự vào cuộc, quyết tâm của cả hệ thống chính trị, cùng với những kết quả bước đầu của cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng thời gian gần đây, như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói “lò đã nóng lên…”. Tôi hy vọng rằng “sức nóng” ấy tiếp tục lan tỏa và duy trì lâu dài, để tạo động lực của sự đổi mới, phát triển. Liên quan đến việc bố trí bí thư cấp ủy cấp tỉnh, huyện không phải là người địa phương, tôi cho đây là điểm mới rất đáng hoan nghênh. Đồng thời là biện pháp hữu hiệu để kiểm soát quyền lực; khắc phục tình trạng nể nang, né tránh, bổ nhiệm người nhà, người thân trong dòng họ; chống tình trạng chạy chức, chạy quyền…

Tại Hội nghị lần này, Ban Chấp hành Trung ương Đảng cũng thảo luận, cho ý kiến về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp và cải cách chính sách bảo hiểm xã hội. Đây là hai vấn đề lớn có liên quan trực tiếp đến quyền lợi người lao động và có liên quan với nhau. Đặc biệt, có liên quan rất nhiều đến các nghị quyết về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; tổ chức và quản lý đơn vị sự nghiệp công lập vừa được triển khai. Đây là yêu cầu bắt buộc, bởi chỉ có giải pháp sắp xếp, tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế mới có thể tính đến chuyện tăng lương. Thời gian qua, từng cấp, từng ngành, từng địa phương đã tập trung triển khai thực hiện vấn đề này và đã đạt những kết quả nhất định. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện cũng phải rất cân nhắc, thận trọng để không bỏ sót người tài, đi đôi với quan tâm công tác đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, bổ nhiệm cán bộ thích hợp, tránh tình trạng nơi thừa, nơi thiếu…

Song song đó, những vấn đề liên quan đến cải cách chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH), như: điều chỉnh tuổi nghỉ hưu phù hợp với bối cảnh, tình hình mới; rút ngắn điều kiện thời gian tham gia BHXH để được hưởng lương hưu... theo tôi là rất thỏa đáng, bởi tuổi thọ trung bình của người dân Việt Nam ngày càng được nâng cao, việc tăng tuổi nghỉ hưu cũng là yêu cầu tất yếu. Tuy nhiên, vấn đề này phải được thực hiện theo lộ trình và vận dụng linh hoạt tùy theo từng vị trí việc làm, ngành nghề cụ thể… Qua đó, nhằm phát huy sức cống hiến, năng lực, sở trường và tạo động lực nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả công việc trong toàn xã hội.

Quỳnh Lam (lược ghi)

Chia sẻ bài viết