|
Cầu Thiên Sinh bắc qua khe núi là nơi phân định biên giới với Cột mốc 87. |
Cầu Thiên Sinh nằm ở cuối thôn Lao Chải, cách trung tâm xã Y Tý, huyện Bát Xát (tỉnh Lào Cai) gần chục cây số. Nhiều người đến Lào Cai muốn đặt chân đến đây một lần để thưởng ngoạn thiên nhiên mênh mang ở vùng biên giới phía Bắc, đặc biệt là để bước chân trên chiếc cầu nhỏ bắc qua khe suối sâu cả trăm mét để "đi hết đất nước mình".
Theo tiếng dân tộc Hà Nhì, cầu Thiên Sinh có tên là Thiên Sân Shù, dịch nghĩa là "trời sinh". Đây là cây cầu rất đặc biệt. Cầu chỉ ngắn chừng 1 mét, trước đây là một tảng đá tự nhiên bắc qua khe sâu hun hút, dưới là dòng suối Lũng Pô gầm gào tung bọt trắng xóa. Đây cũng là biên giới giữa hai nước Việt Nam - Trung Quốc. Theo thời gian, hòn đá bắc qua khe sâu cứ mòn lõm dần đi, người dân bắc những thanh gỗ làm cầu rồi xây cầu bê tông như bây giờ.
Muốn đến được cầu Thiên Sinh, từ TP Lào Cai phải vượt khoảng 80 cây số đường đèo dốc đúng nghĩa "lên chín tầng mây". Có đi trên con đường này mới thấu hiểu được con đường gian nan đến dường nào. Đường đầy ổ gà, ổ voi. Hiếm hoi lắm mới có một đoạn đường nhựa. Đi trên đường phải cảnh giác cao độ vì nhiều cua ngoặt bất thường và cả những đoạn gồ ghề có thể xuất hiện bất cứ lúc nào
Càng đến gần cầu Thiên Sinh, đường càng xấu. Xe chúng tôi nhích từng chút một vì đường toàn đá lổn nhổn và nhiều khúc ngoặt nguy hiểm. Khoảng mười cây số, tính từ trung tâm xã Y Tý đi cầu Thiên Sinh, nhưng chúng tôi phải thắt ruột gan không biết bao nhiêu lần, mất cả giờ mới đi hết con đường. Bù lại, cảnh quan thiên nhiên nơi đây đủ để "đổi" lấy những khó khăn, vất vả. Trước mắt, nhiều đồi núi cùng với những thửa ruộng bậc thang tít tắp nối tiếp và chất chồng lên nhau. Thỉnh thoảng những con suối đẹp luồn lách qua những sườn đồi, mang nước đến bản làng, ruộng nương của đồng bào. Có những lúc, vách núi như một bức tường thành chắn giữa, ngăn một bên là trời xanh, một bên là ruộng bậc thang.
Dừng lại trạm biên phòng để làm một số thủ tục đơn giản đi biên giới, chúng tôi được các anh biên phòng dặn dò kỹ: đó là biên giới của hai quốc gia nên chỉ được đặt chân đến cột mốc, tham quan cầu Thiên Sinh. Tuyệt nhiên không được đi xa hơn. Cầu Thiên Sinh hiện ra trước mắt chúng tôi giữa núi rừng hoang vu, chỉ toàn tiếng gió rít qua vách núi, rừng cây, tiếng suối ào ạt chảy mạnh bên dưới.
Đứng trên cầu nhìn xuống, người thần kinh vững mấy cũng có cảm giác chóng mặt, bởi dưới vực đá sâu là dòng suối Lũng Pô ngày đêm gầm vang tiếng sóng nước xô vào ghềnh đá. Từ dưới nhìn lên thấy vách đá dựng đứng gần trăm mét, giữa khe sâu dòng nước như con ngựa bất kham hí vang, tung vó, "bờm sóng" đổ xuống ào ạt. Những tảng đá lớn, nhỏ được dòng nước mài giũa nhẵn bóng đủ các hình thù tầng tầng, lớp lớp. Chính vì sự hùng vĩ này mà dòng suối có tên gọi Lũng Pô, tức là Rồng bố, rồng thiêng trên thượng nguồn "cửa thác" Bát Xát.
Khu vực quanh cầu Thiên Sinh, núi chỉ toàn đá khối. Nhìn sang bên kia nước bạn, con đường hun hút như một tấm vải lụa vắt ngang đồi núi. Xa xa, những công trình kiến trúc mọc lên giữa sườn núi chênh vênh. Bên đây, ngay dưới chân mình là con suối len lỏi qua những khe đá, đổ mạnh qua vách núi phía bên kia rồi hình thành dòng chảy đổ vào nước bạn. Người ta ví âm thanh ấy như tiếng gào thét của một con rồng, ì ầm lách mình qua khe núi để tỏa sức tung hoành khi được thoát thân ra khỏi cái khe hẹp ấy.
Thiên Sinh xa nên những tour du lịch của các doanh nghiệp lữ hành khó mà đưa khách đặt chân đến đây. Chỉ có những người ưa du lịch bằng xe gắn máy hoặc đi ô tô 7 chỗ thì mới đi hết con đường này. Mùa này, khu vực cầu Thiên Sinh lạnh buốt da. Thế nhưng, chúng tôi vẫn cảm thấy "đã" khi chân đứng chạm mây và tay với lên tận trời. Thú vị hơn là đặt chân đến vùng biên cương với địa thế hiểm trở. Khe núi độc đáo và có lẽ là duy nhất ở Việt Nam là điểm mà nhiều người sẽ còn phải đến để tận mắt nhìn thấy sự phân định biên giới rõ ràng và sự kỳ thú của thiên nhiên.
Chỉ có cầu Thiên Sinh và cột mốc biên giới nhưng ai nấy cũng dừng chân lại khá lâu trước khi trở lại Y Tý để bắt đầu cung đường chinh phục khác. Nơi đây có quá nhiều thứ để ghi lại kỷ niệm một lần đặt chân đến và sẽ phải trở lại khi đến Bát Xát hay Y Tý.
Bài, ảnh: NGUYỄN ĐỨC