14/02/2008 - 22:38

Thảm kịch lấy chồng nước ngoài

Ngày 6-2-2008, thêm một nạn nhân ở TP Cần Thơ lấy chồng Hàn Quốc bị tử nạn, bỏ thây nơi xứ người. Chuyến xuất ngoại vỏn vẹn 25 ngày vào đầu năm 2008 cũng là chuyến đi định mệnh, kết thúc cuộc đời của cô gái vắn số tên Trần Thanh Lan, vừa tròn 22 tuổi.

Bà ngoại Thanh Lan khóc tức tưởi khi xem hình đám cưới của đứa cháu vắn số. Ảnh: Kiều Chinh

Chúng tôi đến nhà nạn nhân Trần Thanh Lan ở số 126/5 khu vực Yên Bình, phường Lê Bình, quận Cái Răng, TP Cần Thơ, cô gái lấy chồng Hàn Quốc vừa bị tử nạn vào ngày 30 Tết Nguyên đán. Ngôi nhà vắng hoe, chỉ còn bà ngoại Lan đã 83 tuổi, thất thần ngồi bó gối, nghe ai hỏi thăm đến cháu ngoại cũng khóc. Theo lời người thân của Lan và bà con lối xóm, Lan là một cô gái rất dễ thương, đẹp, hiền lành, chí thú làm ăn. Cha mẹ chia tay nhau khi Lan còn nhỏ, nhà nghèo nên Lan nghỉ học sớm, vất vả mưu sinh để lo cho mẹ và ngoại. Lan làm bánh kẹp ngon nổi tiếng ở chợ An Bình. Ngày nghe tin Lan lấy chồng nước ngoài, ai cũng mừng, mong cho cô gái nhỏ được đổi đời. Nhưng không ngờ, sau khi xuất ngoại vào ngày 12-1-2008, mới 25 ngày sau, theo thông tin từ nhà chồng, Lan đã nhảy lầu từ tầng 14 để tự tử và chết ngay sau đó. Theo ý kiến từ nhà chồng của Lan, do bất đồng ngôn ngữ và không thích ứng được nếp sống mới nên Lan đã bức bối tìm đến cái chết.

Bà ngoại của Lan nói trong nước mắt: “Trước Tết, Lan đi đám tiệc ở Hậu Giang, người ta thấy nó nghèo mà đẹp nên khuyên lấy chồng nước ngoài, sẽ được sung sướng. Mẹ nó nhận lời, vài ngày sau cho nó theo bà mai lên TP Hồ Chí Minh thi tuyển. Nó buồn, khóc dữ lắm, không muốn đi, vì lo cho tui bên này già yếu không ai coi sóc. Hiếu đâu chưa trả mà bị mất mạng. Trời ơi sao mà để cháu tôi chết thảm vầy nè!”, rồi bà vật ra đất, tức tưởi.

Theo lời bà ngoại Lan, sau khi lên Sài Gòn, cô được bà mai nuôi ăn ở, học tiếng Hàn với nhiều cô gái khác. Đợt coi mắt lần đầu, Lan được giới thiệu một ông già. Lan khóc, không chịu, đòi về thì bà mai ép ở lại. Lần sau, Lan được gặp một người đàn ông 36 tuổi. Theo lời chàng rể thì anh ta là kỹ sư, làm quản lý ở một công ty lớn. Nhưng đến khi làm thủ tục đăng ký kết hôn thì khai là nhân viên bán xăng dầu. Ngày lên máy bay, Lan khóc hết nước mắt, không chịu đi thì bị bà mai và chàng rể dọa nếu không đi sẽ phải đền bù số tiền rất lớn làm chi phí đám cưới, ăn ở..., bán nhà trả cũng không nổi. Lan liều mình nhắm mắt đưa chân, phó thác cuộc đời mình cho may rủi. Trong đợt lấy chồng này, Lan đi cùng 4 người bạn, cả 4 đều được chọn. Đám cưới làm tập thể. 3 cô gái kia số phận chưa biết ra sao, còn Lan hạnh phúc chưa tròn thì vắn số. Lối xóm ai cũng tiếc cho Lan, bà ngoại Lan nhớ cháu cứ đem hình đám cưới ra coi hoài rồi khóc.

Bà Huỳnh Thị Kim Anh, mẹ Lan hiện không có nhà, bà đã lên TP Hồ Chí Minh từ mùng 3 Tết để nghe ngóng tin tức con. Bà không tin con chết nên chưa chịu để di ảnh Lan lên bàn thờ. Bà Anh kể qua điện thoại: “10 ngày sau khi qua Hàn Quốc, Lan gọi điện về khóc với tôi dữ lắm, nói nhớ mẹ, muốn về nhà. Quần áo Lan đưa sang bị chồng bắt bỏ hết, mua đồ mới mặc. Từ đó bặt vô âm tín, gia đình có gọi điện sang nhưng bên nhà chồng không ai bắt máy”. Theo thỏa thuận, khi cưới Lan được chú rể cho một đôi bông, một chiếc nhẫn và sợi dây chuyền. Sau đám cưới, gia đình Lan còn được 2 triệu đồng và mấy hộp trà Lipton con rể mua cho, đến khi làm giấy tờ để Lan theo chồng xuất ngoại thì số tiền đó cũng hết. Tới ngày 30 Tết, mẹ Lan đi bán bánh về, vừa trả xong nợ mà cô đã vay mượn trước để mua cà phê biếu mẹ chồng thì nghe tin con gái từ trần. Cả nhà bàng hoàng, không thiết tha gì đến Tết. Mẹ Lan mong đó là tin thất thiệt, nhưng khi gọi điện qua Hàn Quốc thì bên nhà chồng Lan cũng xác nhận Lan nhảy lầu tự tử, hứa đợi làm thủ tục xong sẽ thiêu xác, gởi tro về. Mấy ngày nay, bà Kim Anh như người mất hồn, không thiết ăn uống. Bà Kim Anh không chịu về và mấy ngày Tết cứ chạy tới chạy lui làm đơn nhờ Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc điều tra về cái chết của con mình.

Bà ngoại Lan buồn rầu nói: “Năm nay nhà tôi không có Tết, bao hy vọng đổ dồn vào Lan, giờ tan tành theo mây khói”. Ước mơ vỡ vụn, đau thương chồng chất. Vì thương mẹ, Lan hứa sẽ cố gắng lao động kiếm tiền gởi về cho mẹ mua nhà, vì căn nhà đang ở đã thế chấp, sợ mai mốt người ta lấy lại rồi, ngoại và mẹ không biết tá túc ở đâu?

Tiếp xúc với chúng tôi, bà Lê Thị Tám, Chủ tịch Hội LHPN phường Lê Bình, cho biết bà chưa nghe thông tin về cái chết lẫn cuộc hôn nhân của Thanh Lan vì gia đình không báo với chính quyền địa phương. Riêng ông Trần Thanh Tùng, cán bộ hộ tịch phường Lê Bình thừa nhận có làm giấy xác nhận tình trạng độc thân cho Lan và sau đó ông có nhận được giấy thông báo Lan đã kết hôn với người nước ngoài. Theo số liệu ông Tùng cung cấp, trong năm 2006 phường Lê Bình có 7 trường hợp phụ nữ kết hôn với người nước ngoài, riêng năm 2007 lên tới 10 trường hợp. Số phận những cô gái này ra sao chưa ai biết chắc.

Giây phút hạnh phúc ngắn ngủi của Thanh Lan. Ảnh: Văn Đức

Ngoài số phận bi đát của Thanh Lan, rất nhiều cô gái miền Tây lấy chồng nước ngoài cũng chịu chung thảm kịch. Giữa năm 2007, chị L.N.H. ở một ấp vùng sâu của huyện Thốt Nốt sau thời gian lấy chồng Hàn Quốc bị ngược đãi chịu không nổi phải trốn về Việt Nam. Chị H. cay đắng kể lại quãng đời bất hạnh của mình khi quá tin bà mai là “chồng đẹp trai, hiền lành, thương vợ”, đến Hàn Quốc chị mới biết chồng là một người mắc bệnh thần kinh. Suốt ngày chị H. bị nhốt trong nhà làm ô sin, mỗi khi chồng lên cơn thường lôi chị ra đánh đập tàn nhẫn, bắt trói không cho ăn uống. Trong lúc phẫn uất chị H. lao ra cửa sổ, nhảy xuống con sông gần nhà tự vẫn, bị mảnh chai cắt đứt gân bàn chân, máu tuôn dầm dề, may nhờ cảnh sát cứu được, giúp chị làm thủ tục ly hôn và cho tiền mua vé máy bay về nước. Một năm sau khi xuất ngoại, chị H. trở về với thân xác đầy thương tích, tinh thần hoảng loạn hay lo sợ vô cớ. Giờ được sống trong vòng tay thương yêu của người thân, chị mới nở được nụ cười.

Một trường hợp thương tâm khác là cô N.T.D., 24 tuổi, ở Thới An, Ô Môn, cũng vì lấy chồng nước ngoài mà thành điên dại. D. là một cô gái đẹp nết đẹp người, vì muốn có tiền trả nợ cho mẹ mà D. chấp nhận lấy chồng Đài Loan là con trai một, chủ hãng trà, giàu có. Sau khi sinh con, D. bắt đầu bị chồng hắt hủi, hành hạ, ngay cả quyền làm mẹ cũng không được thực hiện. Từ một cô gái yêu đời, D. trở nên trầm cảm và hiện nay đã chuyển sang trạng thái tâm thần. Gia đình đưa D. về quê trị bệnh, bệnh thuyên giảm D. lại đòi qua Đài Loan thăm con. Bị chồng đối xử không tốt, bệnh D. lại trở nặng, suốt ngày ngồi bó gối, miệng lảm nhảm, không thiết gì ăn uống. Đêm đến cô cứ ngồi tắt, mở đèn liên tục, trong khi chồng cô thì ngả ngớn trong vòng tay các cô gái trẻ ở các quán nhậu, mát xa. Điều đó càng làm cho tinh thần D. thêm sa sút. Cả năm nay, mẹ D. phải bỏ công ăn việc làm đi nuôi con gái ở Đài Loan. D. đã tự tử 2 lần nhưng cứu kịp. Giờ gia đình D. lâm nợ nần vì phải vay mượn tiền tới lui Đài Loan lo cho con gái, trong khi chồng D. tuyên bố cho cô về hẳn Việt Nam, giữ lại đứa con thì cô lại không chịu, đòi phải về Việt Nam với con mình, không được thì cô quyên sinh.

Những câu chuyện trên đây là một trong số hàng trăm trường hợp có chồng Đài Loan, Hàn Quốc gặp chuyện bi thương nơi xứ người, có thông tin được công bố, nhưng cũng có thông tin bị giấu nhẹm, chỉ có người trong cuộc mới thấm thía hết nỗi đau. Theo các cơ quan báo đài, trong vòng chưa đầy 1 năm mà có tới 3 cô gái miền Tây thiệt mạng từ những cuộc hôn nhân với người Đài Loan, Hàn Quốc. Đó chỉ là bề nổi, còn bao nhiêu thân phận má hồng bị vùi dập, đọa đày không ai hay biết. Biết bao tủi nhục, đớn đau mà các cô phải gánh chịu. Nói ra sợ mọi người cười chê, sợ người thân buồn nên nhiều cô âm thầm chịu đựng dẫn đến bị tâm thần, sống không ra sống. Lấy chồng ngoại, cái giá phải trả quá đắt nhưng nhiều cô vẫn lao vào, bất chấp tất cả, không biết cái gì đang đợi mình ở phía trước. Theo bà Cao Hồng Vân, Trưởng ban Gia đình xã hội (Hội LHPN Việt Nam), chỉ 50-60% cô gái lấy chong Hàn Quốc có hạnh phúc, phần lớn gặp khó khăn về kinh tế, bị chồng hắt hủi và chịu nhiều bất hạnh.

Qua tiếp xúc với nhiều gia đình có con gái lấy chồng ngoại, chúng tôi thấy phần lớn các cô gái là nạn nhân của sự lừa mị, dụ dỗ. Bị sa vào cảnh đó do nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân chính có lẽ là thiếu sự giáo dục của gia đình và xã hội để tự biết bảo vệ mình. Đời sống cơ cực, không có việc làm, chưa tìm thấy lối thoát trong sự đói nghèo, bế tắc đã đưa đẩy họ đến những “cái bẫy” hôn nhân oan nghiệt. Nhiều bậc cha mẹ nông nổi tự đẩy con mình vào bước đường cùng, khi sự đã rồi thì ăn năn đã muộn. Thiết nghĩ các cơ quan chức năng ngoài tăng cường công tác dạy nghề và giải quyết việc làm, còn phải xây dựng, quản lý các hoạt động môi giới kết hôn, tăng cường bảo vệ quyền lợi của người phụ nữ. Sắp tới UBND TP Cần Thơ sẽ chỉ đạo Hội LHPN phối hợp với Sở Tư pháp tiến hành thành lập Trung tâm hỗ trợ kết hôn giữa công dân Việt Nam và người nước ngoài. Hy vọng với những nỗ lực này sẽ góp phần cung cấp những thông tin cần thiết giúp chị em phụ nữ suy nghĩ, cân nhắc cẩn thận trước khi quyết định lấy chồng nước ngoài.

KIỀU CHINH

Chia sẻ bài viết