03/02/2013 - 20:05

Tết ở làng nghề dưa cải muối chua ấp Tân Định

Ngoài xóm nghề sản xuất nước chấm, huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long còn có làng nghề truyền thống dưa cải muối chua ấp Tân Định, xã Tân Lược khá nổi tiếng. Cũng như mọi năm, vào những ngày giáp Tết, bà con làng nghề dưa cải luôn bận rộn với công việc sản xuất, làm ra nhiều sản phẩm dưa cải muối chua phục vụ nhu cầu người tiêu dùng gần xa.  

Nghề sản xuất dưa cải muối chua ở ấp Tân Định, xã Tân Lược đã hình thành hàng chục năm nay. Cũng như các cơ sở sản xuất khác tại địa phương, cơ sở của anh Trần Minh Hùng, Phó Chủ tịch Hội Ngành nghề dưa cải muối chua ấp Tân Định, Tân Lược (Bình Tân)- nằm cặp theo tuyến sông Lồng Ống, chạy ra sông Hậu. Dù trời đã khá trưa nhưng gần chục người thợ của cơ sở vẫn đang làm việc cật lực để kịp chuyến hàng ngày mai xuất bán về tận Cà Mau. Theo anh Trần Minh Kha- con trai lớn của anh Hùng, các công đoạn chế biến từ cây cải tùa- sại ban đầu đến thành thực phẩm dưa cải muối chua dùng được là khá đơn giản: “Cải làm dưa mình chặt ngoài ruộng đem về nhà lặt lại cho sạch. Sau đó, bỏ vào lò trụng chín rồi đem ra phân loại, nhận vào bao bì với nước muối pha sẵn, tiến hành đóng bao bì bằng máy hút chân không để xuất bán ra thị trường”.

Tuy vậy, nghề làm dưa cải cũng khá công phu, vất vả, đòi hỏi người sản xuất- nhất là thợ chính “đứng lò”- phải có sức khỏe và đôi tay dẻo dai, khéo léo; đồng thời, còn phải biết cách pha chế phẩm màu, độ mặn nước muối sao cho vừa phải để ủ cải lên men thành sản phẩm dùng được. 

Trong quá trình sản xuất, việc phân loại chất lượng nguyên liệu là cần thiết, bởi nhu cầu thưởng thức món ăn này của người tiêu dùng hiện nay khá cao. Sản phẩm làm ra vừa đạt về mặt chất lượng- khi ăn vào cảm nhận được độ dai, giòn, vị chua nồng đặc trưng riêng; vừa phải hợp vệ sinh, hợp khẩu vị. Ngày nay, dưa cải muối chua vẫn được xem là “món ăn kèm” độc đáo, rất được ưa chuộng trong các bữa ăn của bà con dịp Tết. Anh Trần Minh Hùng, Phó Chủ tịch Hội ngành nghề dưa cải muối chua ấp Tân Định- Tân Lược (Bình Tân), cho biết thêm: “Ngày thường mỗi hộ làm từ 5- 7 ngày/chuyến, cận Tết có khi chỉ mới 3 ngày mình đã phải xoay vòng. Tranh thủ làm hàng hóa nhiều hơn để giao cho bà con làm đại lý tận Cà Mau, Rạch Giá… Đợt Tết này ai cũng làm với sản lượng gấp đôi, gấp ba ngày thường mới kịp đủ số lượng cung ứng.”

Hiện nay, ấp Tân Định có 20 hộ theo nghề truyền thống, với 95 lao động tham gia làm nghề. Thời gian qua, nhờ được sự quan tâm, đầu tư của chính quyền địa phương và ngành chức năng, như: Thành lập được Hội ngành nghề, công nhận làng nghề truyền thống, được chuyển giao máy hút chân không đóng gói sản phẩm đạt chất lượng tiêu chuẩn quốc tế…, bà con làm nghề thuận lợi hơn trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Giờ đây, thị trường tiêu thụ không còn bó hẹp tại địa phương, tại các chợ lớn mà đã len lỏi vào sâu tận xóm ấp khắp vùng sông nước miền Tây. Trong năm qua, các hộ làm nghề đã xuất bán ra thị trường trên 4.000 tấn sản phẩm, đạt tổng doanh thu trên 30 tỉ đồng. Nhờ vậy, đời sống của bà con ngày thêm khấm khá. 

Anh Nguyễn Thành Kiến, Chủ tịch Hội ngành nghề dưa cải muối chua ấp Tân Định- Tân Lược (Bình Tân), cho biết: “Từ ngày vô hội tới giờ, anh em mần ăn phát triển hơn trước đó, người nào cũng cất được nhà cửa khang trang, tươm tất lắm! Mong sau này, anh em nào làm nghề của mình cũng đều vào tổ chức. Có đoàn kết như vậy, chính quyền mới dễ dàng quan tâm, giúp đỡ”.

Ông Phạm Văn Chuyến, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Lược, cho biết: “ Định hướng, giải pháp của địa phương thực hiện thời gian tới sẽ hỗ trợ, vận động bà con sản xuất phải theo nề nếp, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Sau khi được công nhận là làng nghề dưa cải muối chua Tân Định, địa phương cùng cơ quan chức năng đã và đang tiếp tục xây dựng nhãn hiệu hàng hóa nhằm quảng bá, giới thiệu sản phẩm của bà con đến với các siêu thị không chỉ ở các tỉnh ĐBSCL mà còn ra phía Bắc, xuất khẩu ra nước ngoài”.

 CÔNG PHÚC 

Chia sẻ bài viết