08/02/2018 - 18:21

Tập trung vào những vấn đề, lĩnh vực “nóng” và có giải pháp đột phá 

Đó là chỉ đạo của đồng chí Trương Hòa Bình, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo Chương trình quốc gia phòng, chống tội phạm của Chính phủ (BCĐ 138/CP) và Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (BCĐ 389/QG) tại  hội nghị trực tuyến tổng kết công tác năm 2017 và phương hướng năm 2018 của 2 Ban Chỉ đạo này. Phó Thủ tướng nhấn mạnh: Xử lý nghiêm, luân chuyển cán bộ có biểu hiện bao che. Ngăn chặn tình trạng câu kết lợi ích nhóm, tiếp tay cho các vụ việc có dấu hiệu vi phạm...

Siết chặt quản lý thị trường

Theo BCĐ 389/QG, năm 2017, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên các tuyến, địa bàn cả nước diễn biến phức tạp. Các đối tượng buôn lậu ngày càng tinh vi, có tổ chức và manh động hơn nhằm đưa hàng lậu vào nội địa tiêu thụ. Tuyến biên giới như địa bàn tỉnh Lạng Sơn, Quảng Ninh, Lào Cai, An Giang, Đồng Tháp,... tình hình buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa mặc dù có dấu hiệu giảm, nhưng vào thời điểm các tháng cuối năm, khi áp lực hàng hóa gia tăng, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại bùng phát trở lại. Chẳng hạn, tại địa bàn Lạng Sơn, tại nhiều thời điểm, các đối tượng ngang nhiên mang vác hàng, vận chuyển hàng lậu qua đường mòn biên giới, khi bị phát hiện thì liều lĩnh chống trả lực lượng chức năng gây thương tích, thậm chí hy sinh. Tại tuyến biên giới Tây Nam bộ, tình hình buôn lậu phức tạp, mặt hàng chính là thuốc lá và đường cát trắng.

Lực lượng quản lý thị trường TP Cần Thơ đang kiểm tra xuất xứ hàng hóa tại điểm trung chuyển hàng hóa trên địa bàn quận Ninh Kiều. Ảnh: KHÁNH NAM

Lực lượng quản lý thị trường TP Cần Thơ đang kiểm tra xuất xứ hàng hóa tại điểm trung chuyển hàng hóa trên địa bàn quận Ninh Kiều. Ảnh: KHÁNH NAM

Theo các BCĐ 389 địa phương, công tác quản lý khó khăn do hệ thống văn bản pháp luật ban hành chưa đồng bộ, còn chồng chéo, sau thời gian áp dụng đã bộc lộ nhiều bất cập không thể xử lý hình sự nên không đủ sức răn đe. Do đó, tại khu vực Tây Nam, hoạt động buôn lậu thuốc lá có sự gia tăng cả về quy mô, số lượng, phương thức hoạt động. Trước đây, các đối tượng buôn lậu còn dè chừng vận chuyển với số lượng ít, nay biết không bị xử phạt nặng nên các đối tượng buôn hàng với số lượng lớn, từ 10.000 - 40.000 bao/chuyến. Với mặt hàng đường cát trắng, các đối tượng vẫn sử dụng phương thức dùng bao bì của các doanh nghiệp đường trong nước, đưa sang biên giới Campuchia đóng gói, chờ đêm tối vận chuyển qua biên giới vào nội địa nước ta.

Tuyến biển, cửa khẩu cảng biển, cảng sông quốc tế các mặt hàng chủ yếu là xăng, dầu, gỗ, khoáng sản, động thực vật hoang dã; rác thải, phế liệu, thiết bị điện tử, điện lạnh, gia dụng đã qua sử dụng; hàng tiêu dùng, thực phẩm, thực phẩm chức năng, gia súc, gia cầm, đường cát, thuốc lá, hàng hóa ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng,... Đối tượng là thuyền trưởng, thuyền viên tàu viễn dương, kể cả tàu nội địa thường xuyên ra vào cảng và tàu thuyền hoạt động kinh doanh,... Phương thức thủ đoạn thường là khai báo sai về tên hàng, mã số thuế, xuất xứ, số lượng, chất lượng, trị giá, sửa chữa, giả mạo hồ sơ, chứng từ; “chọn luồng” để thông quan hàng hóa bằng cách hủy tờ khai nếu hệ thống phân luồng đỏ; tìm cơ hội ủy thác cho doanh nghiệp chưa bị phát hiện, mượn tên công ty đầu tư, gia công là những doanh nghiệp trước đó chấp hành tốt pháp luật hải quan để làm thủ tục thông quan hàng hóa.

Hiện nay, nổi cộm lên là tình trạng kinh doanh xăng dầu  kém chất lượng, kết quả giám định tại một số tỉnh, thành phố như: Hà Nội, Hòa Bình, Bắc Giang, Bắc Ninh, Nghệ An, TPHCM, Lâm Đồng, Cần Thơ,… nhiều cơ sở có chỉ số Octan (Ron) trong xăng pha chế thấp (có mẫu thử dưới 70% chỉ số theo quy chuẩn kỹ thuật). Gần đây nhất, đầu tháng 1-2018, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an TP Cần Thơ đã bắt quả tang một doanh nghiệp pha chế xăng trái phép và một doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu không đủ tiêu chuẩn về chất lượng. Việc làm giả, sản xuất sản phẩm kém chất lượng đối với các mặt hàng mỹ phẩm, thuốc bảo vệ thực vật,... vẫn còn nhiều.

Phòng chống tội phạm công nghệ cao

Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương cho biết: Trong năm qua vẫn tiếp tục phát hiện nhiều sai phạm. Tội phạm kinh tế, xảy ra ở nhiều lĩnh vực, nhiều ngành, chủ yếu trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, quản lý đất đai, tài nguyên, khoáng sản, đấu thầu dự án..., với hành vi ngày càng tinh vi. Tội phạm mua bán, sử dụng hóa đơn giá trị gia tăng để trốn thuế, buôn lậu, buôn bán hàng cấm, vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới vẫn diễn biến phức tạp. Đáng chú ý đã phát hiện một số vụ mua bán thuốc điều trị ung thư giả, sữa cho trẻ em và phụ nữ mang thai quá hạn sử dụng. Hoạt động của tội phạm núp bóng doanh nghiệp, các băng, nhóm tội phạm ở một số địa phương có biểu hiện “lộng hành”, sử dụng vũ khí, hung khí. Các băng, nhóm tội phạm có sự gắn kết, đan xen giữa tội phạm hình sự với tội phạm kinh tế và ma túy.  Tội phạm giết người giảm 2,54% về số vụ so với năm 2016, nhưng tính chất, hành vi phạm tội dã man, tàn bạo.

Theo BCĐ 138/CP, hoạt động của tội phạm sử dụng công nghệ cao rất tinh vi, chủ yếu là trộm cắp thông tin tài khoản ngân hàng, thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản của các chủ thẻ hoặc sử dụng thẻ ngân hàng giả để rút tiền tại các trụ ATM. Thực hiện đánh bạc, tổ chức đánh bạc qua mạng, có vụ lên đến hàng ngàn tỉ đồng. Huy động vốn trái phép và bán hàng đa cấp; tin tặc tấn công các loại vi rút, mã độc qua ứng dụng phần mềm... Tội phạm về ma túy sử dụng vũ khí tiếp tục diễn biến phức tạp trên các tuyến, địa bàn trọng điểm; lượng ma túy từ Lào, Trung Quốc thẩm lậu vào nước ta rất lớn, có vụ hàng tạ hêrôin, hàng chục kg ma túy tổng hợp.Mặc dù các lực lượng chức năng từ Trung ương đến địa phương đã có nhiều nỗ lực chỉ đạo triển khai công tác đấu tranh chống tội phạm, song tình hình tội phạm và tệ nạn xã hội vẫn diễn ra phức tạp... Nhìn nhận thực tế, nhiều doanh nghiệp trong nước phần lớn có quy mô nhỏ và vừa, nhiều đơn vị chưa thực sự quan tâm đến phòng chống hàng gian, hàng giả nên công tác phối hợp đấu tranh còn nhiều hạn chế. Trong khi đó, nhiều người tiêu dùng do điều kiện kinh tế hạn hẹp hoặc ham rẻ nên mặc dù biết hàng giả nhưng vẫn mua và sử dụng. Vẫn còn không ít người bán hàng ngoại, đặc biệt hàng kém chất lượng xuất xứ từ nước ngoài, đã lợi dụng Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, làm giả thành hàng Việt Nam để dễ tiêu thụ.

Thứ trưởng Lê Quý Vương, nhấn mạnh, để đẩy mạnh công tác phòng, chống tội phạm, lực lượng xây dựng các nhiệm vụ, giải pháp như: xác định rõ cụ thể của từng cấp, ngành gắn với trách nhiệm của người đứng đầu. Tổ chức thực hiện có hiệu quả 11 đề án thuộc Chương trình phòng, chống tội phạm đến năm 2020. Thường xuyên kiểm tra, rà soát, khắc phục những sơ hở, bất cập, thiếu sót để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về kinh tế - xã hội và an ninh trật tự. Chỉ đạo các lực lượng chức năng tiếp tục mở các cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm, tăng cường các biện pháp phòng, chống. Tăng cường sự phối hợp liên ngành, đồng thời mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế trong đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật. Thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật tới người dân, phát huy vai trò của các cơ quan thông tin, báo chí, nhất là thông tin mạng trong việc đấu tranh, phê phán các hành vi vi phạm pháp luật...

KHÁNH NAM

Chia sẻ bài viết