* Quốc hội thảo luận chủ trương sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992
(TTXVN)- Tiếp tục kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XIII, sáng 4-8, các đại biểu Quốc hội thảo luận ở tổ về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội và ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm 2011; các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và ngân sách nhà nước 6 tháng cuối năm 2011; quyết toán ngân sách nhà nước năm 2009.
Thảo luận về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội và ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm 2011, nhiều đại biểu cho rằng, sau 4 tháng triển khai thực hiện Kết luận của Bộ Chính trị, các nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ, với quyết tâm cao cùng với việc tổ chức triển khai đồng bộ, thống nhất và quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, các bộ ngành Trung ương; sự cố gắng tích cực của các địa phương, các doanh nghiệp và sự đồng thuận của toàn xã hội, tình hình kinh tế- xã hội những tháng gần đây đã có một số chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, tình hình kinh tế xã hội cũng nổi lên nhiều khó khăn, thách thức cần được phân tích kỹ, đánh giá, làm rõ nguyên nhân để tập trung chỉ đạo sát sao hơn.
Các đại biểu đã tập trung thảo luận và cho ý kiến về 8 nhóm giải pháp chủ yếu phát triển kinh tế-xã hội 6 tháng cuối năm nhằm hoàn thành các chỉ tiêu năm 2011 ở mức cao nhất. Các đoàn đại biểu đều nhất trí với đánh giá tình hình kinh tế xã hội 6 tháng cuối năm và nhóm giải pháp Chính phủ đưa ra trong những tháng cuối năm.
* “Hiến pháp năm 1992 là Hiến pháp của thời kỳ đầu đổi mới đất nước. Đến nay, đất nước ta đã có nhiều thay đổi trong bối cảnh quốc tế đang có những diễn biến to lớn, phức tạp và sâu sắc. Việc nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992 cho phù hợp với tình hình mới là rất cần thiết”. Tại phiên họp toàn thể buổi chiều 4-8 do Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu chủ trì, các đại biểu đều thống nhất với đề xuất trên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Theo Tờ trình do Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý trình bày, căn cứ vào các văn kiện của Đảng và tình hình thực tiễn của đất nước, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị 7 định hướng lớn sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992 về: chế độ chính trị; chế độ kinh tế; văn hóa, giáo dục, khoa học và công nghệ; bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN; quyền con người, quyền và nghĩa vụ công dân; tổ chức bộ máy nhà nước; kỹ thuật trình bày các quy định của Hiến pháp. Theo đó, về chế độ chính trị, khẳng định sự lãnh đạo toàn diện của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với Nhà nước và xã hội đã được nhân dân ta, mà đại diện cao nhất là Quốc hội thừa nhận và ghi vào Hiến pháp. Khẳng định nhà nước ta là Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân; tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân. Về vấn đề này, cần phải làm rõ cách thức sử dụng quyền lực nhà nước của nhân dân thông qua cơ chế dân chủ đại diện và cơ chế dân chủ trực tiếp. Việc sửa đổi cũng dựa trên quan điểm quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp để mỗi cơ quan thực thi có hiệu quả chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, phối hợp chặt chẽ tạo nên sức mạnh tổng hợp của quyền lực nhà nước. Theo đó, Hiến pháp phải phân định rõ thẩm quyền, trách nhiệm, cơ chế phối hợp và kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp.
Các đại biểu cho rằng Hiến pháp là nền tảng bảo đảm cho tiến trình xây dựng nhà nước pháp quyền. Việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp cần quan tâm đến tính hệ thống, tính nhất quán, ổn định lâu dài của Hiến pháp. “Để bảo đảm Hiến pháp có chất lượng tốt, có hệ thống, tính nhất quán cao thì phải tổng kết, hệ thống hóa pháp luật” - đại biểu Hồ Trọng Ngũ (Vĩnh Long) nói.
Tiếp thu ý kiến của các đại biểu, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết việc nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Hiến pháp sẽ được thuyết minh giải trình trong phiên họp bế mạc trước khi Quốc hội biểu quyết thông qua. Trong quá trình nghiên cứu triển khai, phải tiến hành tổng kết việc thi hành Hiến pháp, các nghị quyết liên quan của Đảng mới có thể biết được nội hàm phạm vi sửa đổi toàn diện hay không. Theo kế hoạch sơ bộ, tổng kết việc thi hành Hiến pháp năm 1992 sẽ được triển khai từ tháng 8/2011 - 3/2012. Dự thảo Hiến pháp sửa đổi sẽ được trình Quốc hội thông qua vào tháng 10-2013.
Cuối buổi chiều, Quốc hội nghe báo cáo về tình hình Biển Đông.