09/07/2017 - 09:05

Tạo sức hút mới cho chợ nổi Cái Răng

Ngày hội Du lịch Văn hóa chợ nổi Cái Răng (Ngày hội) sẽ kết thúc vào chiều nay, 9-7, với những thành công về xúc tiến du lịch, quảng bá di sản. Nét đẹp văn hóa sông nước Cần Thơ đã được định vị và lan tỏa. Vấn đề làm sao để nâng tầm và tạo sức hút mới cho chợ nổi Cái Răng (CNCR)- thương hiệu du lịch đặc trưng của Cần Thơ- cũng được nhiều người bàn thảo nhân Ngày hội lần này.

Cầu nối tiểu thương, nhà vườn với du khách

Cảnh buôn bán tấp nập của người dân CNCR vốn đã quen thuộc với nhiều du khách khi có dịp về thăm cái chợ nổi tiếng quốc tế của miền Tây. Nếu chỉ đơn giản dừng lại mua vài ba kí trái cây, thưởng thức vài tô bún, hủ tiếu…trong vài phút thì du khách cũng khó có thể hiểu hết về cuộc sống của người dân thương hồ trên CNCR. Và cuộc sống mưu sinh tất bật trên chợ nổi buổi sớm mai cũng khiến các tiểu thương khó có thời gian chia sẻ nhiều với du khách. Vậy mà không gian hoạt động chợ trên sông trong Ngày hội lại là dịp để du khách được tương tác, trò chuyện với người dân chợ nổi. Bà Trịnh Thị Bé (thường gọi là cô Tư)- người dân đã có hơn 32 năm bán đồ ăn sáng trên chợ nổi Cái Răng, chia sẻ: "Trước giờ cô chỉ lo bán hàng sao cho hết trước khi chợ vãn, ít khi nói chuyện nhiều với du khách. Lần này tham gia Ngày hội thấy vui lắm vì cô có dịp chia sẻ nhiều với du khách về cuộc sống, tâm tư nguyện vọng về nơi mình gắn bó, mưu sinh mấy chục năm qua". Du khách Ngọc Diệp (Đà Nẵng), cho biết: "Nghe cô Tư chia sẻ tôi mới hiểu hơn về cuộc sống vất vả của người dân chợ nổi. Hơn 2 giờ rưỡi sáng đã dậy để chuẩn bị mọi thứ cho kịp buổi chợ sáng, bán bưng cực khổ vậy mà vẫn vui, vẫn không chịu bỏ chợ lên bờ. Tôi cho rằng hoạt động chợ trên sông này rất gần gũi, nhưng cần nhiều hơn những chiếc ghe hàng, cũng như ghe để du khách có thể xuống đó, được trải nghiệm trực tiếp trên sông hơn là chỉ đứng ở cầu tàu trao đổi với người dân". Tái hiện chợ trên sông với những nếp sinh hoạt của các tiểu thương trên chợ nổi, buôn bán đủ các loại nông sản, thức uống, đồ ăn sáng… trình diễn hát đối đáp, đờn ca tài tử trên sông, là hoạt động mới có trong Ngày hội năm nay, mục đích để du khách có sự tương tác, hiểu hơn nếp sinh hoạt, văn hóa của người dân sông nước miền Tây Nam bộ.

CNCR nhộn nhịp trong những ngày diễn ra Ngày hội. Ảnh: DUY KHÔI

Trong Ngày hội, các gian hàng trái cây, nông sản sạch thu hút đông đảo du khách tham quan và mua về làm quà. Du khách Hoàng Thảo (Hà Nội) cho biết: "Trái cây miền Tây vốn có tiếng ngon, nên tôi cũng tranh thủ mua về làm quà. Những sản phẩm sạch thế này có xuất xứ rõ ràng, tôi cũng an tâm khi sử dụng. So với năm trước, năm nay trái cây phong phú hơn, như: chanh không hạt, mít không hạt, cam mật, măng cụt, ổi nữ hoàng, cam xoàn, nhãn Ido, quýt đường…đều là những sản phẩm sạch, an toàn được địa phương giới thiệu đến du khách. Bà Lê Thị Bích Trâm, Trưởng phòng kinh doanh, Công ty TNHH Nông sản sạch Đại Thuận Thiên, chia sẻ: "Chúng tôi mang đến 6-7 loại trái cây giới thiệu đến du khách. Đây là các sản phẩm sạch sản xuất theo quy trình sinh học, khép kín nên đảm bảo an toàn. Hiện tại, công ty đã có xuất khẩu trái cây ở nhiều thị trường của châu Âu, Á như: Thụy sĩ, Canada, Trung Quốc…Tham gia Ngày hội, ngoài việc giới thiệu các loại trái cây sạch, chúng tôi còn mong muốn du khách sẽ hiểu rõ về quy trình sinh học làm ra sản phẩm sạch, sẽ cảm thấy an tâm khi sử dụng sản phẩm". Với hoạt động giới thiệu, quảng bá nông sản sạch, Ngày hội là cầu nối giữa các nhà vườn với du khách, xây dựng môi trường tiêu thụ nông sản sạch. Đây cũng là bước đầu hình thành nơi trưng bày và buôn bán các loại nông sản sạch, các sản phẩm quà lưu niệm dành cho du khách khi đến tham quan CNCR- một tiêu chí trong đề án "Bảo tồn và phát triển CNCR" xác định địa điểm tổ chức Ngày hội (số 17/2, đường Võ Tánh) là trạm dừng với nhiều dịch vụ phục vụ du khách.

Du khách mua trái cây sạch tại gian hàng của Công ty TNHH Nông sản sạch Đại Thuận Thiên. Ảnh: Kiều Mai

Ông Vương Công Khanh- Phó Chủ tịch Thường trực UBND quận Cái Răng, Trưởng Ban tổ chức Ngày hội, cho biết: "Ngày hội đã tạo được không khí sôi nổi với nhiều hoạt động phong phú, đậm bản sắc sông nước thu hút sự quan tâm của nhiều du khách trong nước lẫn quốc tế. Qua đó, Ngày hội góp phần quảng bá hình ảnh, nét văn hóa độc đáo của CNCR nói riêng và du lịch Cần Thơ nói chung, tạo điều kiện cho các cơ sở kinh doanh du lịch trong và ngoài quận liên kết hợp tác tour, tuyến với với các đơn vị lữ hành; các đơn vị nhà vườn kết nối được với thị trường tiêu thụ. Địa phương sẽ từng bước nâng chất Ngày hội để sự kiện trở thành một trong những điểm nhấn độc đáo của du lịch Cần Thơ, góp phần tạo nên diện mạo mới cho ngành du lịch thành phố".

Nâng tầm CNCR

Hiệu quả của 2 lần tổ chức Ngày hội vừa qua đã khá rõ. Tuy nhiên, không ít du khách băn khoăn sản phẩm du lịch ở CNCR còn khá đơn điệu, chỉ ngồi khoảng 15 phút ngắm chợ rồi thôi. Chị Nguyễn Thị Tuyết Loan, du khách đến từ Hậu Giang, nói: "Nếu đến CNCR mà chỉ ngồi tàu ngắm cảnh thì không thể níu chân du khách thêm vài lần nữa".

Ngày hội là dịp tôn vinh những nét văn hóa sông nước của CNCR. Trong ảnh là cảnh tái hiện thương hồ bán hoa Tết trên chợ nổi. Ảnh: DUY KHÔI

Quả vậy, chuyện làm sao để CNCR vang xa, vừa bảo tồn di sản vừa phát triển du lịch từng được ngành du lịch Cần Thơ "mổ xẻ" nhưng vẫn chưa có mô hình thật sự hay. Nhà báo, Nhà văn Vũ Thống Nhất, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn TP Cần Thơ, người tâm huyết với CNCR, cho rằng, cần nhìn nhận CNCR không chỉ bó hẹp ở Cái Răng, Cần Thơ mà phải ở tầm tài nguyên du lịch quốc gia. Không nên để cấp quận quản lý chợ mà giao về cấp thành phố, làm sao để CNCR trở thành trung tâm hội tụ văn minh sông nước Nam bộ- điều mà CNCR hoàn toàn xứng đáng. Ông Nhất gợi ý, Cần Thơ nên bố trí một khu trưng bày phương tiện giao thông thủy ở Nam bộ: ghe hầu, ghe chài, ghe cui, xuồng ba lá, tam bản… tại CNCR, kết hợp trưng bày đa phương tiện tư liệu, hình ảnh, hiện vật, phim ảnh về văn hóa sông nước Nam bộ, có thuyết minh. "Làm sao đến CNCR, du khách sẽ có cái nhìn toàn diện về sông nước Nam bộ, hiểu các chợ nổi khác ở đồng bằng"- ông Nhất kỳ vọng và ví von, nếu phát huy tốt, mỗi mét nước ở chợ nổi là tiền triệu, tiền tỉ.

Du khách thích thú với cảm giác bồng bềnh trên CNCR trong những ngày diễn ra Ngày hội. Ảnh: DUY KHÔI

Nhiều chuyên gia du lịch ở Cần Thơ đồng quan điểm rằng, CNCR còn đơn điệu dịch vụ thu hút khách, ngoài chuyện "ngắm". Một chuyên gia gợi ý mô hình kiểu "Một ngày làm thương hồ" ở CNCR. Chợ nổi sẽ có những chiếc tàu dịch vụ, để khách có thể ngủ lại qua đêm. Ban ngày, khách được tìm hiểu cung cách buôn bán, giao tiếp ở chợ nổi. Ban đêm, du khách cùng thương hồ đờn ca hát xướng, "lai rai", nghe thương hồ trải lòng nỗi đời "gạo chợ nước sông", nấu nướng cùng thương hồ. Một bữa cơm đúng chất thương hồ cũng là cách hay. Sự hóa thân ấy chỉn chu từ môi trường sông nước cho đến cả trang phục, đôi dép, cái nón, bộ bà ba…

Soạn giả Nhâm Hùng, nguyên Phó Giám đốc Nhà hát Tây Đô, đánh giá việc ngành văn hóa phục vụ đờn ca tài tử lưu động trên CNCR là nỗ lực lớn, song cần đánh giá tính hiệu quả. Cứ ngồi trên ghe, tài tử ngồi trong mui mà ca, thử hỏi phục vụ được gì cho du khách và thương hồ. Ông Nhâm Hùng gợi ý, ngành chức năng nên chăng bố trí lập ra một sân khấu, có thể là trên mui một chiếc ghe lớn. Tài tử đờn, ca ngồi ngay ngắn, chỉn chu, du khách muốn giao lưu thì tấp tàu lại để nghe, ca. Cách làm này nhiều năm trước, ngành văn hóa Cần Thơ đã từng rất thành công với mô hình "Thuyền văn hóa". Nhiều ý kiến còn đề xuất, cần có một sân khấu nổi tiếp giáp gần CNCR để biểu diễn nghệ thuật phục vụ du lịch. Hai buổi tinh mơ và ban tối, ta sẽ ca đờn ca tài tử, trích đoạn cải lương, hát bộ; hay mở rộng là những loại hình nghệ thuật của các dân tộc ở Cần Thơ, ĐBSCL như: múa Khmer, Dù Kê, múa Hoa, múa Chăm… Làm được điều này, Cần Thơ sẽ chứng tỏ được vị thế trung tâm trong bảo tồn các loại hình di sản văn hóa phi vật thể ở ĐBSCL, góp phần phong phú sản phẩm du lịch. Ngoài ra, việc mở rộng các dịch vụ lưu niệm, ăn uống, trải nghiệm ngay tại CNCR cũng là tài nguyên lớn chưa khai thác hết.

Ái Lam- Vĩnh Lộc

Chia sẻ bài viết