14/03/2018 - 22:15

Tạo động lực tái cơ cấu doanh nghiệp ngành cơ khí 

Trong tiến trình công nghiệp hóa hiện đại hóa, ngành cơ khí đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ, thúc đẩy các ngành công nghiệp khác phát triển. Đối với ngành cơ khí của TP Cần Thơ, mặc dù có nhiều tiềm năng song sự phát triển của ngành còn chưa tương xứng, khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp còn hạn chế. Do đó, cần định hướng tái cơ cấu doanh nghiệp ngành cơ khí theo hướng nâng dần quy mô sản xuất, đa dạng sản phẩm, đáp ứng sự đòi hỏi ngày càng đa dạng của thị trường cơ khí cả vùng ĐBSCL và chủ động hội nhập quốc tế.

Thách thức

TP Cần Thơ có nhiều tiềm năng phát triển ngành cơ khí với các sản phẩm phục vụ canh tác nông nghiệp, chế biến nông - thủy sản, đóng ghe, tàu... Tuy nhiên, những tiềm năng của ngành chưa được khai thác tốt, quy mô ngành nhỏ cả về giá trị lẫn số lượng doanh nghiệp.

Dây chuyền sản xuất sơ mi xi lanh của DNTN Cơ khí Sông Hậu. Ảnh: MINH HUYỀN
Dây chuyền sản xuất sơ mi xi lanh của DNTN Cơ khí Sông Hậu. Ảnh: MINH HUYỀN

Ông Trần Văn Tư, Chủ tịch Hội Khoa học Xã hội và Nhân văn TP Cần Thơ, phân tích: Phần lớn doanh nghiệp ngành cơ khí TP Cần Thơ có bề dày hoạt động và tồn tại trên 30 năm, có doanh nghiệp có bề dày hoạt động trên 50 năm. Đơn cử như DNTN Cơ khí Sông Hậu đúc luyện kim, tạo phôi, sản xuất ra sản phẩm sơ mi xi lanh với độ chính xác cao phục vụ cho ngành sản xuất máy nông nghiệp và vận tải thủy. Một số doanh nghiệp cơ khí như Công ty TNHH Cơ khí Dược Trung Việt, Công ty TNHH Cơ khí Thế Dân chế tạo các loại máy tự động chế biến thuốc viên, chả cá, máy tự động sàng lọc phân đạm nhiều kích cỡ… theo yêu cầu của khách hàng. Tuy nhiên, doanh nghiệp ngành cơ khí phải tự nỗ lực vươn lên bằng sức mình là chính và phải đối mặt với hàng loạt khó khăn do thiếu thông tin, thiếu vốn, thiếu mặt bằng, thiếu kết nối…

Theo số liệu của Cục Thống kê TP Cần Thơ, đến năm 2016, thành phố có 764 doanh nghiệp công nghiệp đang hoạt động, trong đó có 176 doanh nghiệp cơ khí, chiếm 23% số doanh nghiệp trong toàn ngành công nghiệp. Ông Nguyễn Minh Toại,  Giám đốc Sở Công thương TP Cần Thơ, cho biết: "Qua điều tra cho thấy, tỷ lệ lao động trình độ cao đẳng trở lên tại các doanh nghiệp cơ khí của thành phố chỉ chiếm khoảng 16,4% trên tổng số lao động, trong khi tỷ lệ này tại các doanh nghiệp cơ khí của cả nước là 35,2%. Tỷ lệ lao động chưa qua đào tạo hoặc đào tạo ngắn hạn chiếm tới 65,5% tổng số lao động, cao hơn so với tỷ lệ chung của doanh nghiệp cơ khí cả nước. Nguồn nhân lực cơ khí không những không đáp ứng được yêu cầu phát triển của ngành mà còn có nguy cơ bị mai một dần do tính chất công việc nặng nhọc hơn nhiều nghề khác nhưng thu nhập lại không ổn định".

Theo ông Nguyễn Minh Toại, sắp tới đây, doanh nghiệp Việt Nam nói chung và doanh nghiệp ngành cơ khí nói riêng sẽ phải đối đầu với nhiều thách thức khi Việt Nam hoàn tất lộ trình tham gia vào AFTA và WTO cũng như thực hiện các hiệp định thương mại song phương, đa phương; phải cạnh tranh với nền công nghiệp cơ khí của các nước phát triển. Nếu không có chiến lược phát triển kịp thời, ngành cơ khí của thành phố sẽ không đủ sức cạnh tranh trong điều kiện bình đẳng với các nước trong khu vực và thế giới.

Nỗ lực từ nhiều phía

 Để tập trung phát triển ngành cơ khí, UBND TP Cần Thơ đã phê duyệt Quy hoạch phát triển ngành cơ khí TP Cần Thơ đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 nhằm khai thác tiềm năng và huy động mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển ngành cơ khí, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Ông Tăng Hồng, Giám đốc DNTN Cơ khí Sông Hậu, đề xuất: Để doanh nghiệp cơ khí của thành phố phát triển và tự vươn lên, thành phố cần có quỹ đất từ 10-20ha để quy hoạch dành riêng cho doanh nghiệp cơ khí vào hoạt động. Thành phố có thể kích thích các nhà làm cơ khí vào đầu tư, mở rộng sản xuất với giá thuê mềm cùng có chính sách ưu đãi về thuế, phí. Đồng thời, nên xem xét quy hoạch một nơi để xây dựng Trung tâm Cơ khí nhằm hội tụ các doanh nghiệp cơ khí và chọn từ 10-20 các doanh nghiệp tiêu biểu để xây dựng "Mô hình doanh nghiệp cơ khí TP Cần Thơ phát triển bền vững". Địa phương sẽ tham gia hỗ trợ tài chính để xây dựng đầu tàu này nhằm lôi kéo các doanh nghiệp trong ngành cơ khí cùng phát triển bền vững.

Trong xu hướng cạnh tranh toàn cầu và cuộc cách mạng khoa học công nghệ 4.0 trên thế giới, để phát triển đất nước cần phải xem chất lượng nguồn nhân lực là yếu tố then chốt, quyết định. Tiến sĩ Dương Thái Công, Hiệu trưởng Trường Đại học Kỹ thuật - Công nghệ TP Cần Thơ, chia sẻ: Thành phố cần có chính sách rõ ràng trong việc cải thiện chất lượng đào tạo nguồn nhân lực thông qua nâng cao tri thức và kỹ năng làm việc để có thể tận dụng cơ hội của cách mạng công nghiệp 4.0 mang lại. Khuyến khích doanh nghiệp đầu tư hơn nữa trong việc đào tạo nguồn nhân lực có trình độ kỹ thuật cao, có khả năng lĩnh hội và khai thác các thiết bị máy móc hiện đại trong sản xuất. Bên cạnh đó, cần khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào ngành cơ khí chế tạo theo hướng lựa chọn áp dụng công nghệ 3.0 và 4.0 để chế tạo các sản phẩm có chất lượng cao, giá thành hợp lý để thay thế cho nhập khẩu, tăng sức cạnh tranh hàng hóa. Việc nội địa hóa trong trong sản xuất thiết bị, máy móc hết sức quan trọng; xuất phát từ sản phẩm lắp ráp, chế biến tiến sâu vào sản phẩm trung gian để tạo ra giá trị gia tăng và tạo thêm việc làm thông qua việc phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ.

Theo ông Nguyễn Minh Toại,  Giám đốc Sở Công thương TP Cần Thơ, TP Cần Thơ cần quy hoạch phát triển ngành cơ khí nhằm có các định hướng chiến lược, chính sách phát triển đồng bộ, mạnh mẽ hơn nữa với sự hỗ trợ cho ngành từ các cơ quan nhà nước cấp Trung ương và địa phương. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cơ khí trên địa bàn phải chủ động, tích cực hợp tác đầu tư, đổi mới thiết bị công nghệ tiên tiến, giúp nâng cao năng suất, giảm chi phí, đảm bảo chất lượng, độ chính xác cho sản phẩm, nâng dần tỷ lệ nội địa hóa, mở rộng thị trường; góp phần phát triển nhanh và bền vững ngành cơ khí nói riêng và cả ngành công nghiệp nói chung.

MINH HUYỀN

Chia sẻ bài viết