21/02/2020 - 20:58

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc:

Tạo điều kiện thuận lợi cho hộ nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp tăng cường cơ giới hóa trong nông nghiệp và đẩy mạnh chế biến nông sản 

(CT)- Ngày 21-2, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc về thúc đẩy chế biến nông sản và cơ giới hóa nông nghiệp. Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Nguyễn Thanh Dũng... dự họp tại điểm cầu TP Cần Thơ.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị.  Ảnh: VGP/Quang Hiếu

10 năm trở lại đây, công nghiệp chế biến nông sản ở nước ta đã có những bước phát triển đáng kể,  với tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng  công nghiệp chế biến nông sản đạt khoảng 5-7%/năm. Cả nước đã hình thành hệ thống công nghiệp chế biến nông sản có công suất thiết kế chế biến khoảng 120 triệu tấn nguyên liệu nông sản/năm. Hệ thống công nghiệp chế biến bảo quản nông sản với trên 7.500 cơ sở quy mô công nghiệp gắn với xuất khẩu và hàng vạn cơ sở chế biến nông sản nhỏ lẻ, hộ gia đình. Tăng trưởng công nghiệp chế biến nông sản góp phần thúc đẩy quá trình hội nhập kinh tế toàn cầu của ngành nông nghiệp và đóng góp quan trọng nâng cao kim ngạch xuất khẩu nông sản. Nhờ đó, kim ngạch xuất khẩu nông sản tăng mạnh, bình quân tăng khoảng 8-10%/năm, năm 2019 đạt mức 41,3 tỉ USD.  Trong khi đó, cơ giới hóa nông nghiệp ngày càng được áp dụng rộng rãi trong nhiều khâu của chuỗi sản xuất nông nghiệp. Nhờ đó, đã nâng cao được năng suất và giá trị của sản phẩm nông nghiệp, tạo tiền đề quan trọng xây dựng nông nghiệp hiện đại, ứng dụng công nghệ cao, góp phần đáng kể vào tăng trưởng chung của toàn ngành. Năm 2019 so với năm 2011 số lượng máy kéo cả nước tăng khảng 48%, máy gặt đập liên hợp tăng 79%, máy sấy nông sản tăng 29%. Đến nay, trang bị động lực bình quân trong sản xuất nông nghiệp cả nước đạt khoảng 2,4 mã lực/ha canh tác... Theo các đại biểu, lĩnh vực chế biến nông sản và cơ giới hóa nông nghiệp ở nước ta vẫn còn khó khăn. Đó là khả năng chế biến đối với một số ngành hàng còn yếu, nhất là vào cao điểm đối với mùa rau, quả, tổn thất sau thu hoạch còn cao. Sản phẩm chế biến chủ yếu vẫn là sơ chế có giá trị gia tăng thấp. Mức độ cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp chưa toàn diện, trình độ trang bị máy động lực còn lạc hậu. Việc thu hút đầu tư vào chế biến nông sản và cơ giới hóa nông sản cũng còn hạn chế do cơ chế chính sách chưa đủ hấp dẫn... 

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) phấn đấu đến năm 2030 đưa công nghiệp chế biến nông lâm thủy sản Việt Nam “đứng trong số 10 nước hàng đầu thế giới”, là trung tâm chế biến sâu và logistics nông sản toàn cầu, đồng thời có đủ năng lực chế biến, đáp ứng yêu cầu của sản xuất nông nghiệp. Đối với cơ giới hóa, mức độ cơ giới hóa các khâu trong sản xuất nông nghiệp đạt từ 80-100%.

Phát biểu kết luận tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các bộ ngành Trung ương và địa phương cần quan tâm tháo gỡ các khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho hộ nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp  tăng cường cơ giới hóa trong nông nghiệp và đẩy mạnh chế biến nông sản. Tiếp tục áp dụng sâu hơn nữa khoa học công nghệ nhằm nâng cao giá trị và chất lượng sản phẩm nông sản. Thủ tướng giao Bộ NN&PTNT chủ trì phối hợp các bộ ngành liên quan, tiếp thu các ý kiến của đại biểu, sớm nghiên cứu, xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển cơ giới hóa và công nghiệp chế biến nông sản đến năm 2030 và Đề án phát triển 3 ngành chế biến để phấn đấu đứng trong tốp 5 nước hàng đầu thế giới về chế biến rau, củ, quả; thủy, hải sản; gỗ và sản phẩm từ gỗ...

Khánh Trung

Chia sẻ bài viết