24/05/2009 - 10:10

Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XII:

Tạo cơ sở pháp lý để xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về lý lịch tư pháp

* Cần quy định rõ trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài
* Đoàn Đại biểu Quốc hội TP Cần Thơ đóng góp ý kiến cho Dự án Luật lý lịch tư pháp

Sáng 23-5, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại Hội trường về dự thảo Luật Lý lịch tư pháp.

Đa số ý kiến của các đại biểu nhất trí với sự cần thiết ban hành Luật Lý lịch tư pháp (LLTP). LLTP có ý nghĩa rất quan trọng trong đời sống dân sự của công dân, cũng như trong quản lý nhân sự và hỗ trợ hoạt động tố tụng hình sự. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có cơ sở dữ liệu riêng về LLTP và văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh toàn diện lĩnh vực này. Việc ban hành Luật LLTP sẽ tạo cơ sở pháp lý để xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về LLTP, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước và nhu cầu cấp phiếu LLTP ngày càng tăng của công dân, bảo đảm phù hợp với tiến trình cải cách tư pháp, xây dựng nền hành chính chuyên nghiệp, hiện đại và hội nhập quốc tế; phù hợp với yêu cầu xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật theo Nghị quyết số 48-NQ/TW ngày 24 tháng 5 năm 2005 của Bộ Chính trị...

 

Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan với các đại biểu nữ. Ảnh: THỐNG NHẤT (TTXVN) 

Tham gia đóng góp cho dự án Luật lý lịch tư pháp, ông Lê Văn Tâm (Đại biểu Quốc hội TP Cần Thơ) đề nghị bổ sung thêm là Chính phủ quy định cụ thể về tổ chức của Trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia và tại các Sở tư pháp để đảm bảo sự thống nhất và tất cả là do Chính phủ hướng dẫn, nhằm đảm bảo tính thống nhất trong hệ thống pháp luật và hạn chế việc ban hành các văn bản hướng dẫn của Chính phủ. Đề nghị bỏ quy định sở tư pháp có nhiệm vụ quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp nói chung, vì đây chỉ là nhiệm vụ cung cấp thông tin từ địa phương để nhập vào dữ liệu của Trung tâm quốc gia (nhiệm vụ cung cấp là chỉ cung cấp cho cá nhân khi có yêu cầu và cho các cơ quan tố tụng trong phạm vi, trách nhiệm của địa phương, nếu như các cơ quan tư pháp khác có yêu cầu thì lấy thông tin này từ Trung tâm quản lý lý lịch tư pháp của quốc gia). Đề nghị quy định nhiệm vụ của tòa án trong việc cung cấp thông tin lý lịch tư pháp về án tích. Đề nghị bổ sung quy định: Giám thị trại giam, trại tạm giam có nhiệm vụ gửi giấy chứng nhận người bị kết án tù, được giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù, đã chấp hành xong hình phạt, giấy chứng nhận đặc xá, đại xá cho sở tư pháp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi có trại tạm giam và nơi xét xử sơ thẩm trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày cấp giấy chứng nhận...

Tuy nhiên, đại biểu Danh Út (Kiên Giang) đề nghị cân nhắc về sự cần thiết ban hành luật. Đại biểu đặt câu hỏi tại sao không ban hành pháp lệnh hoặc nghị định điều chỉnh về lý lịch tư pháp.

Đa số ý kiến phát biểu tán thành với dự thảo Luật quy định thành lập Trung tâm LLTP quốc gia và đề nghị không thành lập các trung tâm LLTP cấp tỉnh.

Các đại biểu: Lê Minh Hồng (Hà Nam); Thái Thị An Chung (Nghệ An); Trần Việt Hưng (Hòa Bình) và nhiều đại biểu khác bày tỏ sự nhất trí với dự thảo Luật quy định giao cho Bộ Tư pháp quản lý cơ sở dữ liệu LLTP. Hiện nay, Bộ Tư pháp đang được Chính phủ giao quản lý nhà nước về LLTP, các Sở tư pháp có nhiệm vụ cấp Phiếu LLTP nên việc giao Bộ Tư pháp xây dựng, quản lý cơ sở dữ liệu quốc gia về LLTP là phù hợp, bảo đảm tính kế thừa, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân khi có yêu cầu cấp Phiếu LLTP.

Không tán thành lập luận này, đại biểu Vũ Duy Hòa (Thanh Hóa) cho rằng bản án, quyết định đều do Tòa án ban hành vậy nên giao cho Tòa án quản lý cơ sở dữ liệu là hợp lý, tránh lãng phí. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng việc giao cho cơ quan nào quản lý cơ sở dữ liệu LLTP thì cũng phải có tổ chức bộ máy và xây dựng từ đầu, đồng thời phải có sự phối hợp giữa các cơ quan Tòa án, Viện kiểm sát, Thi hành án, Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng trong việc cung cấp, tiếp nhận, cập nhật, xử lý và trao đổi thông tin về án tích và tình trạng thi hành án. Hơn nữa, đây là lĩnh vực hành chính tư pháp đang do Chính phủ quản lý để phục vụ yêu cầu cấp Phiếu LLTP không chỉ của những người có án tích mà cho tất cả các công dân Việt Nam và người nước ngoài có thời gian cư trú ở Việt Nam. Với chức năng, nhiệm vụ của ngành Tòa án, việc không giao cho Tòa án nhân dân tối cao quản lý cơ sở dữ liệu và cấp Phiếu LLTP để Tòa án tập trung làm tốt chức năng xét xử là phù hợp.

Đại biểu Võ Văn Đủ (Đắk Nông) tán thành với việc thành lập Trung tâm LLTP nhưng đề nghị giao Bộ Công an quản lý để đảm bảo an ninh quốc gia. Về nội dung này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội phân tích nêu rõ: Cơ sở dữ liệu LLTP không đồng nhất và không thay thế hệ thống dữ liệu tàng thư căn cước can phạm do ngành Công an quản lý. Hệ thống tàng thư căn cước can phạm có nhiệm vụ chủ yếu phục vụ trực tiếp công tác điều tra, xử lý tội phạm và các yêu cầu khác của cơ quan tiến hành tố tụng, góp phần bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội, được bảo mật theo quy định của pháp luật. Còn cơ sở dữ liệu LLTP bao gồm các thông tin về án tích, tình trạng thi hành án và thông tin về việc cấm đảm nhiệm chức vụ, không được thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã theo quy định của Luật phá sản, mang tính chất dân sự, có giá trị chứng minh nhân thân tư pháp của cá nhân, vừa bảo đảm tính hợp pháp, vừa bảo đảm tính công khai, minh bạch để người dân có thể tiếp cận những thông tin về LLTP của mình.

Đại biểu Vũ Hồng Anh (Hà Nội); Thái Thị An Chung (Nghệ An)... tán thành với dự thảo luật quy định phạm vi quản lý LLTP bao gồm án tích và tình trạng thi hành án là phù hợp với thực tiễn yêu cầu cấp Phiếu LLTP trong nước và thông lệ quốc tế. LLTP không chỉ góp phần giúp cho cơ quan nhà nước trong việc bảo vệ lợi ích chung, mà còn bảo vệ các quyền lợi hợp pháp về chính trị, dân sự, kinh tế của công dân như xem xét việc xuất cảnh, nhập cảnh, cho nhập, thôi, trở lại quốc tịch, xin con nuôi, cấp chứng chỉ hành nghề, tuyển dụng và quản lý lao động, du học.

Các đại biểu: Lê Thị Mai (Hải Phòng), Lê Minh Hồng (Hà Nam) và nhiều đại biểu khác cho rằng việc quy định thời hạn giải quyết yêu cầu cấp phiếu LLTP theo yêu cầu của cá nhân quy định trong trường hợp bình thường là 15 ngày là quá dài, không phù hợp với tiến trình cải cách thủ tục hành chính hiện nay, gây khó khăn cho người dân... Đại biểu Thái Thị An Chung (Nghệ An) kiến nghị chỉ nên quy định 10 ngày là phù hợp.

Đại biểu Danh Út đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu và bổ sung vào dự án luật quy định thời hạn, giá trị pháp lý của phiếu LLTP là bao nhiêu lâu (đại biểu đề xuất có thể 3 tháng, 6 tháng hay 1 năm). Việc quy định rõ thời hạn sẽ tránh cho công dân phải đi lại xin cấp nhiều lần, lãng phí không cần thiết.

* Chiều 23-5, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài. Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng chủ trì phiên họp.

Đa số các ý kiến đại biểu Quốc hội nhất trí với cách thể hiện lại các điều quy định về tổ chức bộ máy, phạm vi, đối tượng điều chỉnh của Luật; chức năng, nhiệm vụ của cơ quan đại diện...Cụ thể, phần giải thích từ ngữ tại Điều 2 như sau: “Cơ quan đại diện” là Cơ quan đại diện ngoại giao, Cơ quan đại diện lãnh sự, Cơ quan đại diện tại tổ chức quốc tế và được hưởng đầy đủ quyền ưu đãi, miễn trừ tại quốc gia, tổ chức quốc tế tiếp nhận phù hợp với luật pháp quốc tế. “Cơ quan đại diện ngoại giao” là Đại sứ quán. “Cơ quan đại diện lãnh sự” là Tổng Lãnh sự quán và Lãnh sự quán. “Cơ quan đại diện tại tổ chức quốc tế” là Phái đoàn thường trực, Phái đoàn, Phái đoàn quan sát viên thường trực và cơ quan có tên gọi khác thực hiện chức năng đại diện của Nhà nước Việt Nam tại tổ chức quốc tế liên chính phủ.v.v...

Theo đại biểu Nghiêm Vũ Khải (Điện Biên), quy định chức năng của cơ quan đại diện tại Điều 4 còn chung chung, cần phải quy định rõ hơn. Đại biểu Nguyễn Văn Thuyết (Lạng Sơn) đề nghị cần quy định rõ trách nhiệm bảo vệ công dân Việt Nam ở nước sở tại của cơ quan đại diện (Điều 9), trong những tình huống cụ thể phải khẩn trương thực hiện các biện pháp bảo vệ chứ không nên “kiến nghị”... Theo đại biểu Trần Đình Nhã (Bà Rịa-Vũng Tàu), trong cơ quan đại diện chính thức của Nước CHXHCN Việt Nam thì người đứng đầu là đại sứ đặc mệnh toàn quyền, chứ không quy định là đại sứ quán...

Đại biểu Hà Minh Huệ (Bình Thuận) nhất trí với báo cáo giải trình của UBTVQH, nhưng đề nghị quy định rõ hơn về chức năng, nhiệm vụ quyền hạn của cơ quan cơ đại diện, người đứng đầu cơ quan đại diện. Ông đề nghị cơ cấu lại Điều 5 theo hướng: Đưa nhiệm vụ “Thiết lập, duy trì quan hệ ngoại giao... trước cụm từ “Thúc đẩy quan hệ chính trị -xã hội và quốc phòng, an ninh... Tại Điều 12, khoản 2 ông Huệ đề nghị nêu rõ: “Người đứng đầu cơ quan đại diện ngoại giao có thể thực hiện chức năng đại diện của Nhà nước Việt Nam tại một hoặc nhiều quốc gia hoặc tổ chức quốc tế khác. Ở Điều 2, phần giải thích từ ngữ cần bổ sung: Đại diện lâm thời của cơ quan đại diện trong trường hợp đại sứ về nước thì có cử người đại diện lâm thời để giải quyết những nhiệm vụ của cơ quan đại diện trong thời gian đại sứ vắng mặt tại nước sở tại.

Về nhiệm kỳ công tác, đại biểu Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh) và các đại biểu khác đề nghị: nếu quy định nhiệm kỳ công tác ở cơ quan đại diện chỉ có 3 năm thì ngắn, nếu kéo dài thời gian công tác sẽ thuận lợi hơn; đối với vùng lãnh thổ, quốc gia nước ta chưa phát triển mạnh quan hệ kinh tế, hợp tác thì thực hiện chế độ kiêm nhiệm; cần quy định rõ chế độ thuê nhà quy mô trụ sở cơ quan đại diện thống nhất để bảo đảm yêu cầu đối ngoại, tương xứng với vị thế của cơ quan đại diện của quốc gia ở nước ngoài. Người tạm thời đứng đầu cơ quan đại diện cần làm rõ hơn nhiệm vụ, quyền hạn. Tại Điều 26, phần chế độ hiểm y tế.v.v... điều này không phù hợp vì cán bộ cơ quan đại diện ở nước ngoài được thanh toán bảo hiểm theo chế độ trong nước là không phù hợp. Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) bổ sung vào khoản 1 Điều 6 là thêm cụm từ “phát triển khoa học, công nghệ... văn hóa. Bà Khánh cũng đề nghị bổ sung quy định các hình thức tôn vinh kiều bào ta có đóng góp tích cực cho cộng đồng... để khuyến khích Việt kiều hướng về Tổ quốc. Đại biểu Lương Văn Cừ (Đăk Nông) nhấn mạnh: một nhiệm vụ quan trọng của cơ quan đại diện là hỗ trợ các đoàn công tác từ trong nước đến nước sở tại về hợp tác văn hóa, kinh tế, khoa học-kỹ thuật, giáo dục-đào tạo.v.v... Cũng cần bổ sung nhiệm vụ hỗ trợ các hoạt động ngoại giao nhân dân, góp phần thúc đẩy hợp tác quốc tế.

Theo đại biểu Dương Trung Quốc (Đồng Nai) tất cả sứ quán các nước đều treo ảnh nguyên thủ quốc gia, chúng ta nên có quy định nhất quán, Bác Hồ là lãnh tụ tinh thần, còn nguyên thủ hiện tại là ai? chúng ta phải thể hiện với nước sở tại nước ta có nguyên thủ là ai chứ!

Kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng phát biểu: Qua ý kiến của 17 đại biểu, về cơ bản đã tán thành nội dung tiếp thu, giải trình của Ủy ban thường vụ Quốc hội và dự thảo Luật được chỉnh sửa đã thể hiện việc nhất quán đường lối đối ngoại, thống nhất quản lý đối ngoại của Đảng, Nhà nước trong tình hình mới. Những ý kiến thảo luận tập trung vào 8 nhóm vấn đề, Ban soạn thảo xin tiếp thu để chỉnh sửa dự thảo Luật trình ra Quốc hội dự kiến sẽ xem xét, thông qua vào ngày 17-6 tới. Trong đó đề nghị làm rõ một số khái niệm có liên quan đến thẩm quyền của Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ; Nội dung thẩm quyền, nhiệm vụ của cơ quan đại diện; quy định rõ hơn nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao và cơ quan có cán bộ biệt phái; Chính sách cán bộ ngoại giao, biệt phái; Quản lý và phát huy các cơ sở vật chất của cơ quan ngoại giao ở nước ngoài; Nên có các hướng dẫn của Chính phủ về thực hiện luật này, trong đó quy định về tiêu chuẩn người đứng đầu cơ quan đại diện, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan đại diện...

Thứ hai, ngày 25-5, Quốc hội tiếp tục làm việc.

QUỲNH HOA - TRẦN VĂN ĐẠT
- HỒNG QUÂN

QUỲNH HOA - TRẦN VĂN ĐẠT - HỒNG QUÂN

Chia sẻ bài viết