02/01/2017 - 18:59

Tạo cơ hội cho trẻ khám phá

Để thỏa mãn nhu cầu vui chơi của trẻ, sau thời gian mày mò, cô Công Thị Hoàng Hoanh và cô Trần Ngọc Xuân Sơn, giáo viên Trường mầm non Sơn Ca (quận Bình Thủy) hoàn thành trò chơi "Tìm hình cho bóng". Trò chơi này, trẻ phát triển khả năng quan sát, so sánh, ngôn ngữ, sự khéo léo của đôi bàn tay, đồng thời mở rộng thêm vốn kiến thức về thế giới xung quanh...

Trò chơi "Tìm hình cho bóng" được cô Hoanh và cô Sơn thiết kế thành những quyển sách dễ thương dành cho trẻ ở độ tuổi nhà trẻ và trẻ lớp Mầm. Cách chơi khá đơn giản: Trẻ sử dụng các hình ảnh bên ngoài theo từng chủ đề và so đúng với các bóng hình trong trang sách, sao cho từng nét hình ảnh trùng khớp từng nét vẽ của bóng. Sau khi được cô hướng dẫn, một nhóm gồm 4 trẻ lớp nhà trẻ (25-36 tháng) rủ thi xem ai ghép nhanh đúng nhất, người đó sẽ thắng. Các bé đều tỏ ra thích thú xen lẫn tò mò khi đưa hình "hít" vào bóng có sẵn trang trên trang sách, phần thưởng là tràng pháo tay khích lệ tinh thần của tập thể.

Trẻ được cô Sơn hướng dẫn chơi trò chơi "tìm hình cho bóng".

Sau thời gian ướm thử các hình, củ cà rốt được bé Đặng Khánh Ly cho vào "khuôn hình" vừa khít và còn trả lời chính xác củ và màu của cà rốt… Cứ thế lần lượt với hình ảnh chùm nho, chiếc ô tô, con ong… cô giáo giúp trẻ biết thêm nhiều loại quả, con vật, phương tiện giao thông. Cô Xuân Sơn cho biết: "Tùy theo độ tuổi, qua mỗi hình trên trang sách của trò chơi mà cung cấp kiến thức cần thiết, giúp trẻ mở rộng vốn từ, kinh nghiệm. Cụ thể, đối với độ tuổi nhà trẻ, chúng tôi dừng lại giới thiệu hình dáng màu sắc của sự vật cho trẻ; đối với trẻ lớp mầm có thể đi sâu vào công dụng, chức năng sự vật…".

Theo cô Hoàng Hoanh, bộ trò chơi này giúp trẻ phát triển ngôn ngữ, nhận thức, mạnh dạn, tự tin: trẻ biết gọi tên các đồ vật, con vật… gần gũi trong cuộc sống; phát triển khả năng quan sát, khả năng suy luận xem hình ảnh đó tương ứng với đồ vật nào để lựa chọn phù hợp. Đồng thời, giúp trẻ lứa tuổi nhà trẻ làm quen với sự đa dạng của màu sắc thông qua các hình ảnh trong trò chơi. Rèn sự khéo léo của cơ tay, kết hợp sự nhanh nhẹn tinh mắt, giúp trẻ phán đoán, trao đổi với bạn khi tham gia trò chơi.

Để làm trò chơi, các cô đã sử dụng nguyên vật liệu dễ tìm như: phom; nam châm; keo con chó, keo sữa; bìa đựng hồ sơ cũ; nỉ nhiều màu… Hai cô còn sưu tầm tranh ảnh theo từng chủ đề như: hoa, quả, con vật, đồ vật, phương tiện giao thông. Các cô vẽ lên nỉ các hình ảnh con vật, đồ vật, bông hoa… dùng kéo cắt những hình ảnh trên nỉ thành từng phần nhỏ, ráp hoàn chỉnh, bằng keo sữa. Sau đó, cắt và dán nam châm phía sau hình hoàn chỉnh tạo độ hút khi đặt hình lên trang sách. Kế đến, các cô dùng thước đo cắt phom và thiếc cho vừa vặn tạo thành những trang sách. Phía ngoài trang sách được dán bằng decal màu trắng, đảm bảo an toàn tuyệt đối khi trẻ chơi. Hai cô dùng bút lông viền theo đường bao hình tạo bóng. Để tạo sự hấp dẫn, các cô thêm các chi tiết nhỏ để trang trí trang sách như: thảm cỏ xanh xì, hay xa lộ thẳng tắp…

Suốt 2 tháng, các cô làm ngày đêm, tranh thủ lúc trẻ ngủ trưa; mang về nhà làm buổi tối; thậm chí "bao" luôn cả ngày nghỉ. 30 năm trong nghề, với cô Hoanh, sự thích thú của trẻ khi có đồ chơi mới, chính là động lực để thôi thúc cô sáng tạo thật nhiều đồ chơi. Hầu như ngày nào, cô Hoanh cũng làm 1 món đồ chơi mới giúp trẻ hứng thú hơn trong học tập cũng như thu hút trẻ đến trường.

Cô Phạm Thị Huệ, Hiệu trưởng Trường Mầm non Sơn Ca, cho biết: "Cô Hoanh và cô Sơn luôn phối hợp nhịp nhàng, quan tâm hỗ trợ nhau để hoàn thành tốt bộ trò chơi". Theo tác giả bộ trò chơi "Tìm hình cho bóng", bộ trò chơi có độ bền lâu, màu sắc tươi sáng, thu hút sự chú ý của trẻ, trẻ dễ dàng chơi và học, di chuyển sang mọi góc chơi, không phụ thuộc người lớn. Vừa qua, tại Hội thi và triển lãm đồ dùng, đồ chơi tự làm bậc học mầm non cấp thành phố, bộ trò chơi "Tìm hình cho bóng" của cô Hoanh và cô Sơn đạt giải Nhì.

Ban giám hiệu Trường Mầm non Sơn Ca cho rằng, việc cho trẻ tham gia các hoạt động trên đồ dùng, đồ chơi rất cần thiết. Lứa tuổi mầm non cần kích thích học và chơi, tự tay thao tác để trẻ phát triển toàn diện. Do nhu cầu chơi của trẻ rất lớn nên các cô cố gắng sáng tạo nhiều đồ chơi, tạo điều kiện để trẻ phát triển theo hướng toàn diện. Theo quy định mỗi tháng, các cô sáng tạo ít nhất 2-3 món đồ chơi nhưng hầu hết giáo viên đều làm vượt chỉ tiêu. Hiện đồ chơi tự làm chiếm 60-70% ngân hàng đồ chơi của trường, phục vụ tốt cho việc chơi và học của trẻ.

Bài, ảnh: M.Hoàng

Chia sẻ bài viết