25/12/2008 - 09:19

Ủy ban thường vụ Quốc hội

Tăng thẩm quyền xét xử về hình sự và dân sự cho Tòa án nhân dân cấp huyện

Sáng 24-12, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến vào dự thảo Pháp lệnh án phí, lệ phí Tòa án và xem xét, quyết định việc tăng thẩm quyền xét xử cho Tòa án nhân dân cấp huyện.

* Không nên thu án phí hình sự

Đó là ý kiến của đa số Ủy viên UBTVQH khi đóng góp ý kiến vào dự thảo Pháp lệnh án phí, lệ phí Tòa án. Quan điểm của Ban soạn thảo Pháp lệnh về việc cần thiết phải thu án phí trong vụ án hình sự bao gồm: án phí hình sự sơ thẩm; phúc thẩm; án phí dân sự sơ thẩm đối với các trường hợp có giải quyết về bồi thường thiệt hại; án phí dân sự phúc thẩm trong trường hợp có kháng cáo về phần bồi thường thiệt hại. Trước quan điểm này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH Nguyễn Văn Thuận, Chủ nhiệm UB Tài chính ngân sách của QH Phùng Quốc Hiển và Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của QH Lê Thị Thu Ba đều cho rằng việc truy cứu trách nhiệm hình sự người phạm tội là trách nhiệm của Nhà nước, người bị kết án phải chịu hậu quả pháp lý nghiêm khắc do Nhà nước áp dụng. Bên cạnh đó, thực tế việc thu án phí của người bị kết án cũng rất khó khăn do người nộp án phí hình sự đã bị kết án và đang thi hành án. Vì vậy, việc buộc người bị kết án vừa phải chịu hình phạt do Tòa án tuyên, vừa phải nộp tiền án phí hình sự là chưa phù hợp.

Về vấn đề này, Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu cho rằng, thực tế nhiều năm qua cho thấy việc thu án phí hình sự đối với người bị kết án hầu như không thực hiện được và quy định này vẫn chỉ là hình thức. Tuy nhiên cũng không nên bỏ vì sẽ trái với quy định của pháp luật hiện hành...

Các ủy viên UB cũng đề nghị làm rõ khái niệm án phí, lệ phí; xác định đúng bản chất của án phí là gì và đề nghị cần nghiên cứu đầy đủ các quy định hiện hành liên quan đến vấn đề này. Về mức án phí và lệ phí, các UVUB cho rằng việc UBTVQH ban hành Pháp lệnh án phí, lệ phí Tòa án là cần thiết và cần quy định cụ thể mức án phí, lệ phí trong Pháp lệnh chứ không nên giao Chính phủ quy định.

Về đề nghị tăng mức án phí gấp 4 lần so với trước đây, Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu đề nghị Ban soạn thảo xem xét về khung, mức tối thiểu, tối đa và phối hợp cùng Bộ Tài chính rà soát cho hợp lý...

* Quyết định tăng thẩm quyền xét xử về hình sự và dân sự cho 120 Tòa án cấp huyện

Các UV UBTVQH đã nhất trí tăng thẩm quyền xét xử mới về hình sự và dân sự theo quy định tại khoản 1 điều 170 Bộ luật tố tụng hình sự và điều 33 Bộ luật Tố tụng dân sự cho 120 Tòa án cấp huyện. Đây là những đơn vị Tòa án có từ 3 thẩm phán trở lên, số lượng Thư ký Tòa án và cán bộ khác đều đảm bảo cơ cấu, đảm bảo đáp ứng yêu cầu.Về trình độ, thẩm phán tại các Tòa án nhân dân cấp huyện được đề nghị tăng thẩm quyền đều đảm bảo đáp ứng được yêu cầu công tác xét xử theo thẩm quyền mới. Như vậy, đến thời điểm này, cả nước có 606 Tòa án nhân dân cấp huyện được tăng thẩm quyền xét xử về hình sự và dân sự và 17 Tòa án quân sự khu vực được tăng thẩm quyền xét xử về hình sự.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của QH Lê Thị Thu Ba, quy định tại Nghị quyết số 24 ngày 26-11-2003 và Nghị quyết số 32 ngày 15-6-2004 của QH thì đến ngày 1-7-2009 tất cả các đơn vị Tòa án cấp huyện trong cả nước thực hiện thống nhất thẩm quyền xét xử mới. Vì vậy, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao cần có giải pháp cụ thể, hữu hiệu tiếp tục tăng cường đội ngũ cán bộ (đặc biệt là cán bộ có chức danh tư pháp), đầu tư cơ sở vật chất, các điều kiện về bổ trợ tư pháp cho các cơ quan tư pháp cấp huyện chưa được tăng thẩm quyền xét xử về hình sự và dân sự để đủ điều kiện trình UBTVQH ra Nghị quyết tăng thẩm quyền cho những đơn vị này trước ngày 1-7-2009.

BÍCH THỦY (TTXVN)

Chia sẻ bài viết