Tại cuộc họp báo Công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về Đề án giá điện 2009 và chủ trương thực hiện giá điện theo cơ chế thị trường của Chính phủ do Bộ Công Thương phối hợp với các Bộ: Tài chính, Thông tin và Truyền thông tổ chức ngày 17-2 tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải khẳng định: Chính phủ tăng giá điện vào thời điểm này không mâu thuẫn với mục tiêu chống suy giảm kinh tế. Việc tăng giá điện lần này chưa giải quyết được các vấn đề cùng một lúc, như tăng tốc đầu tư cho ngành điện mà chỉ giải quyết được vấn đề thu hút đầu tư vào ngành điện. Theo Phó Thủ tướng, việc điều chỉnh giá điện theo hướng thị trường tạo điều kiện đưa ngành điện vào cạnh tranh minh bạch và hiệu quả hơn, đồng thời đòi hỏi doanh nghiệp và người tiêu dùng phải chủ động tính toán để thay đổi công nghệ, cách thức sử dụng năng lượng tiết kiệm.
Trả lời câu hỏi của báo chí xung quanh vấn đề tăng giá điện, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Hữu Hào nhấn mạnh: mục tiêu chính của việc điều chỉnh giá điện từ 1-3-2009 là từng bước làm cho giá điện phản ánh đúng chi phí của quá trình sản xuất kinh doanh, nâng cao chất lượng điện đối với sản xuất và tiêu dùng, làm lành mạnh hóa về tài chính, cũng như tăng năng suất lao động của ngành điện. Giá điện năm 2009 và thành phần chi phí của các khâu phát điện, truyền tải, phân phối bán lẻ điện, dịch vụ phụ trợ và quản lý ngành sẽ là cơ sở để xây dựng giá cho các năm sau.
Theo cơ chế mới, giá bán điện được xem xét và điều chỉnh hàng năm theo các biến động của các yếu tố đầu vào hình thành giá, đảm bảo cho các đơn vị điện lực và toàn ngành điện luôn duy trì được các chỉ tiêu tài chính ở mức chấp nhận được theo các yêu cầu của các định chế tài chính, từ đó nâng cao khả năng huy động vốn cho đầu tư phát triển nguồn và lưới điện.
“Với cơ chế tài chính trong sạch hơn sẽ khiến các tổ chức tài chính mạnh dạn cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vay vốn đầu tư các dự án điện cũng như thúc đẩy các nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư phát triển ngành điện”, Thứ trưởng Đỗ Hữu Hào nói. Mặt khác, giá điện từng bước được điều chỉnh theo giá thị trường sẽ đảm bảo cân bằng cung cầu hệ thống điện với dự phòng ở mức hợp lý, đáp ứng được tốc độ tăng nhu cầu điện và đảm bảo an ninh cung cấp điện lâu dài.
Đặc biệt, cơ chế điều tiết giá mới đảm bảo tính minh bạch trong hạch toán kinh doanh của ngành điện, tách bạch được chi phí cho từng khâu phát điện, truyền tải điện, phân phối bán lẻ điện, điều độ vận hành hệ thống điện, thị trường điện và quản lý ngành, tiến tới áp dụng cơ chế điều chỉnh giá cho từng thành phần theo cơ chế thị trường.
Với việc áp dụng thống nhất biểu giá điện sinh hoạt bậc thang trong toàn quốc, cho cả nông thôn và thành thị, chính sách bù giá điện cho người nghèo, đảm bảo cho người dân nông thôn được hưởng giá điện một cách công bằng, xóa bỏ tình trạng chỉ mang lại lợi nhuận cho các tổ chức kinh doanh bán lẻ điện nông thôn. Cơ chế giá mới còn có lộ trình bù giá hợp lý giữa các nhóm khách hàng để từng bước xóa bỏ dần bù chéo giữa giá điện sản xuất và giá điện sinh hoạt.
Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Văn Hiếu, bên cạnh góp phần kích thích tiết kiệm trong tiêu dùng điện, nâng cao hiệu quả kinh tế của những đơn vị sử dụng điện, nhìn về mặt kinh tế, ảnh hưởng do tăng giá điện là không nhiều.
Tính toán cho thấy việc tăng giá điện sẽ làm giảm tốc độ tăng GDP năm 2009 khoảng 0,05-0,06%, trực tiếp làm tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) khoảng 0,25-0,3%. Do vậy, tác động của tăng giá điện đến toàn bộ nền kinh tế là tương đối nhỏ, tổng số tiền chênh lệch do tăng giá điện trong năm 2009 (khoảng 6.400 tỉ đồng) bằng khoảng 0,35% GDP dự kiến cho năm 2009. Bên cạnh đó, giá điện cho sản xuất tăng khoảng 6-7,5% (tùy theo cấp điện áp và đối tượng sử dụng) khiến các ngành sản xuất chỉ phải trả thêm khoảng 2.300 tỉ đồng tiền điện trong năm 2009, bằng khoảng 0,35% giá trị gia tăng của sản xuất công nghiệp năm 2009. Một số ngành công nghiệp sản xuất 3 ca với chi phí tiền điện chiếm từ 40-50% giá thành sản xuất như cấp nước, điện phân... thì giá thành sản phẩm sẽ tăng thêm tối đa từ 3-4%; các ngành sản xuất phổ biến như cán thép, xi măng, giá thành sẽ tăng thêm khoảng 0,35-0,4%, từ 5.000-7.000 đ/tấn sản phẩm.
Đối với đời sống, giá điện bình quân cho sinh hoạt dự kiến tăng khoảng 13% sẽ làm tăng tiêu dùng cuối cùng của cá nhân năm 2009 khoảng 0,3-0,35%, làm tăng chi tiêu của các hộ gia đình thêm khoảng 3%. Do giá điện cho 50kWh đầu tiên vẫn được giữ ở giá thấp để thực hiện chính sách bù giá nên tất cả các hộ nghèo và hộ có thu nhập thấp có mức sử dụng điện dưới 50kWh/tháng, tiền điện hàng tháng chí trả tăng thêm tối đa là 2.500 đ/tháng, bằng 0,21% thu nhập của một hộ dân có thu nhập thấp nhất. Các hộ sử dụng dưới 100kWh, tiền điện phải trả thêm tối đa là 18.000 đồng/tháng, bằng 0,85% thu nhập của một hộ dân có thu nhập dưới trung bình. Đối với các hộ sử dụng 300kWh/tháng, tiền điện phải trả thêm vào khoảng 28.000 đồng/tháng, bằng khoảng 0,68% thu nhập hàng tháng của một hộ dân có thu nhập cao. Các hộ sử dụng 400kWh/tháng, tiền điện phải trả thêm là 32.000 đồng/tháng.
Tỷ trọng chi phí tiền điện trong giá thành các hàng hóa thiết yếu cho sinh hoạt hàng ngày như thực phẩm, hàng may mặc, nhiên liệu xăng dầu... cũng rất nhỏ, do đó, tỷ lệ tăng giá các mặt hàng này do điều chỉnh giá điện là không đáng kể. Tuy nhiên, kinh nghiệm những đợt điều chỉnh giá điện trước kia cho thấy, nhiều cơ sở buôn bán thường lợi dụng việc điều chỉnh giá điện để tăng giá các mặt hàng thiết yếu nhằm thu lợi nhuận, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chỉ đạo các Bộ Tài chính, Công Thương theo dõi biến động về giá để xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân lợi dụng tăng giá điện để tăng giá các mặt hàng thiết yếu.
Theo Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, việc cải cách ngành điện đã được thể hiện trong Nghị quyết Đại hội X của Đảng theo hướng cạnh tranh lành mạnh, minh bạch và hiệu quả. Ngành điện là ngành thu hút vốn đầu tư lớn nhất trong các ngành kinh tế quốc dân, do đó, cải cách ngành điện phải giải quyết được khâu đầu tư, vốn, trả nợ và giá điện; bảo đảm cung cấp điện đầy đủ và ổn định chứ không lấy thị trường, cạnh tranh làm mục tiêu. Việc tái cơ cấu ngành điện sẽ theo xu hướng trước mắt tách các nhà máy điện ra khỏi EVN (đây là khâu dễ thu hút đầu tư nhất), sau đó mới tách truyền tải và phân phối. Khi thị trường bán lẻ điện cạnh tranh được hình thành vào năm 2024, lúc đó chúng ta mới có một thị trường điện hoàn hảo.
MAI PHƯƠNG (TTXVN)