28/12/2017 - 22:09

Tăng cường quản lý thị trường khu vực Tây Nam bộ 

Theo BCĐ 389QG, năm 2017, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tại các tỉnh, thành phố khu vực Tây Nam bộ vẫn còn diễn biến phức tạp với phương thức thủ đoạn hoạt động tinh vi, có tổ chức và thay đổi nhanh theo tình hình. Các đối tượng buôn lậu bất chấp hậu quả, răn đe của pháp luật để tìm mọi phương cách vận chuyển hàng hóa qua biên giới, đi sâu vào nội địa tiêu thụ,… Mặt hàng nhập lậu chủ yếu tại khu vực là thuốc lá, đường cát, xăng dầu và các mặt hàng: quần áo cũ, vải khúc, mỹ phẩm, bánh kẹo, rượu, bia, phụ tùng xe ô tô, hàng điện tử và điện lạnh đã qua sử dụng, gỗ,... Hiện nay, tình hình thuốc lá lậu đang có chiều hướng gia tăng . Nếu như trước, để “lách luật” các đối tượng buôn lậu vận chuyển 490 gói/lần/xe  thì hiện nay họ vận chuyển số lượng nhiều hơn với mức phổ biến là 1.500 gói/lần/xe...

Hoạt động phức tạp, tinh vi

Cán bộ Chi cục QLTT TP Cần Thơ xử lý vụ vận chuyển thuốc lá ngoại nhập lậu.

Hàng lậu được tập kết sát biên giới để chờ thời cơ thuận lợi (lúc trời tối, sáng sớm,...), sau đó sử dụng các xe môtô, ghe, xuồng máy có tốc độ cao hoặc thuê nhiều người đai vác lén lút vận chuyển qua biên giới theo các đường mòn, kênh rạch. Sau khi qua biên giới, hàng nhanh chóng được cất giấu vào kho, chia nhỏ cất giấu trong nhà, tập kết tại các nơi vắng vẻ hoặc nhanh chóng chuyển lên các xe môtô, ôtô, ghe, tàu đang chờ sẵn để tiếp tục vận chuyển vào nội địa tiêu thụ. Ngoài phương thức trên, các đối tượng tập kết hàng ở các khoảng đất trống, vắng người chờ người đến nhận hàng, khi bị phát hiện thì bỏ lại hàng hóa, phương tiện nên rất khó khăn cho lực lượng chức năng trong việc bắt giữ được cả đối tượng cùng thuốc lá lậu. Trong quá trình tổ chức hoạt động, các đối tượng đầu nậu tính toán rất chặt chẽ, gắn trách nhiệm bồi thường hàng lậu với người đai vác, vận chuyển khi bị bắt, vì vậy các lực lượng chức năng chống buôn lậu thường gặp phải sự chống đối rất quyết liệt từ các đối tượng đai vác, vận chuyển.

Tại thị trường nội địa, tình hình vận chuyển hàng cấm, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ vẫn diễn biến phức tạp, nhất là hàng vi phạm an toàn thực phẩm, phân bón giả. Theo BCĐ 389QG, năm 2017 (từ ngày 15-12-2016 đến ngày 15-11-2017), lực lượng chức năng các địa phương khu vực đã phát hiện và bắt giữ trên 25.000 vụ việc, thu nộp ngân sách nhà nước trên 520 tỉ đồng. Trong đó, tỉnh Đồng Tháp phát hiện vi phạm và xử lý bắt giữ 2.310 vụ; TP Cần Thơ 2.234 vụ; tỉnh Long An 3.608 vụ; tỉnh Kiên Giang 1.805 vụ; tỉnh Cà Mau 2.064 vụ; tỉnh Trà Vinh 1.319 vụ; tỉnh An Giang 1.869 vụ; tỉnh Tiền Giang 2.562 vụ; tỉnh Cà Mau 2.064 vụ; tỉnh Sóc Trăng 449 vụ; tỉnh Bến Tre 2.229 vụ; tỉnh Bạc Liêu 600 vụ; tỉnh Hậu Giang  800 vụ.

Ông Nguyễn Minh Toại, Giám đốc Sở Công thương TP Cần Thơ, Phó Trưởng ban Thường trực BCĐ 398 TP Cần Thơ, cho biết: Công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn TP Cần Thơ có nhiều chuyển biến tích cực, cơ bản được kiểm soát. Số vụ việc giảm 12,1% so với năm ngoái. Ngoài những mặt hàng như: thuốc lá, đường cát,... năm 2017 lực lượng quản lý thị trường (QLTT) TP Cần Thơ còn kiểm tra và bắt giữ lượng lớn xăng dầu (7.000 lít xăng A92, 2.000 lít xăng RON 95-II) không rõ nguồn gốc, trị giá hơn 515 triệu đồng.  

Siết chặt quản lý

Theo BCĐ 389 tỉnh, thành khu vực Tây Nam bộ, khó khăn, hạn chế hiện nay là hệ thống văn bản pháp luật ban hành chưa đồng bộ, còn chồng chéo. Cùng đó, phương tiện, trang thiết bị kỹ thuật chuyên dùng, công cụ hỗ trợ phục vụ công tác kiểm tra, kiểm soát, phát hiện và xử lý vi phạm còn thiếu chưa đảm bảo đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Kinh phí hoạt động còn thiếu, đặc biệt là kinh phí cho việc tiêu hủy hàng giả, hàng kém chất lượng gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt, đối với hàng hóa là thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất độc hại, động, thực vật và sản phẩm có nguồn gốc động, thực vật ở dạng tươi sống, sơ chế có nguy cơ cao về dịch bệnh, an toàn vệ sinh thực phẩm và khó khăn trong việc tạm giữ, bảo quản.

Ông Lê Minh Đức, Giám đốc Sở Công thương tỉnh Long An, cho rằng: Người dân sống khu vực biên giới phần lớn còn nghèo, nên dễ bị lôi kéo vào các đường dây buôn lậu. Do đó, cần có những mô hình chính sách phát triển kinh tế vùng biên giới. Cần lắp đặt camera tại những điểm "nóng" buôn lậu. Việc sản xuất hàng hóa cần lưu ý đến thị hiếu tiêu dùng người Việt Nam, giá cả hợp lý. Theo BCĐ 389QG, nhiều văn bản sau thời gian áp dụng đã bộc lộ bất cập, trong khi việc sửa đổi, bổ sung chậm (chẳng hạn trong xử lý mặt hàng thuốc lá) gây nhiều khó khăn trong việc áp dụng của các lực lượng chức năng. Cần sớm ban hành Nghị định thay thế Nghị định số 185/2013/NĐ-CP ngày 15-11-2013 và Nghị định số 124/2015/NĐ-CP ngày 19-11-2015 của Chính phủ về xử lý vi phạm trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cho phù hợp Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 12/2017/QH14.

Ông Đàm Thanh Thế, Chánh Văn phòng, Văn phòng Thường trực 389QG, cho rằng: Cần phải thực hiện cơ chế trích lập quỹ từ nguồn thu xử lý vi phạm hành chính trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả theo quy định tại Thông tư 59/2008/TT-BTC ngày 4-7-2008 và Thông tư 51/2010/TT-BTC ngày 14-4-2010 của Bộ Tài chính nhằm tạo điều kiện cho các lực lượng chức năng chủ động bổ sung nguồn kinh phí hoạt động và mua sắm trang thiết bị phương tiện phục vụ cho công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả đạt hiệu quả cao hơn. Bộ Công thương phối hợp Bộ Khoa học và Công nghệ sửa đổi, bổ sung quy định Thông tư 26/2012/TT-BKHCN ngày 12-12-2012 của Bộ Khoa học và Công nghệ quy định việc kiểm tra nhà nước về chất lượng hàng hóa lưu thông trên thị trường. Bởi theo quy định tại thông tư, với kết quả thử nghiệm mẫu lần 1 không phù hợp tiêu chuẩn công bố áp dụng, chứng nhận hợp chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật thì doanh nghiệp sản xuất, người bán hàng có thể đề nghị thử nghiệm lại lần 2 và kết quả lần 2 là căn cứ để cơ quan kiểm tra, xử lý, kết luận cuối cùng. Quy định gây nhiều khó khăn, bất cập trong công tác kiểm tra, xử lý vì trên thực tế các đợt kiểm tra, lấy mẫu thử nghiệm thì đa số lần 1 không phù hợp nhưng lần 2 phù hợp.

Bài, ảnh: Khánh Nam  

Chia sẻ bài viết