08/10/2020 - 20:16

Tăng cường phối hợp trong công tác hòa giải ở cơ sở 

(CT) - Chiều 8-10, đồng chí Nguyễn Xuân Hải, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Nội chính Thành ủy Cần Thơ, cùng lãnh đạo Ban Nội chính Thành ủy chủ trì Hội nghị chuyên đề “Nâng cao chất lượng công tác hòa giải cơ sở”. Ðồng chí Phạm Văn Hiểu, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HÐND thành phố, và các đồng chí trong Ban Thường vụ Thành ủy, đến dự.

Các đồng chí chủ trì hội nghị. 

Thời gian qua, công tác hòa giải cơ sở luôn được các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể trên địa bàn thành phố quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo. Toàn thành phố hiện có 635 tổ hòa giải với 4.084 hòa giải viên. Sau 5 năm Luật Hòa giải ở cơ sở đi vào cuộc sống, các tổ hòa giải trên địa bàn thành phố đã hòa giải thành 11.697/14.632 vụ, việc, đạt 80%. Tuy nhiên, công tác hòa giải còn gặp không ít khó khăn, vướng mắc, cần được hỗ trợ, tháo gỡ.      

Ý kiến của các đại biểu tại hội nghị nhấn mạnh đến vai trò quan trọng của đội ngũ hòa giải viên. Hiện nay, các hòa giải viên chủ yếu dựa trên uy tín, kinh nghiệm để hòa giải, một số chưa am hiểu nhiều về pháp luật, lý luận, kỹ năng hòa giải còn hạn chế… nên cần được đào tạo, bồi dưỡng thường xuyên, bài bản. Bên cạnh đó, cần hoàn thiện hệ thống pháp luật hòa giải ở cơ sở, có chế độ chính sách phù hợp cho đội ngũ làm công tác hòa giải... Ðồng thời, đẩy mạnh công tác phối hợp giữa cơ quan tư pháp các cấp với MTTQ và các tổ chức thành viên… để nâng cao hiệu quả công tác hòa giải ở cơ sở.

Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Nguyễn Xuân Hải đề nghị các cấp ủy đảng quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, phát huy vai trò, trách nhiệm của cơ quan tư pháp trong công tác hòa giải ở cơ sở, nhất là việc phối hợp với Ủy ban MTTQVN và các tổ chức thành viên trong công tác này. Các sở, ngành, địa phương cần quan tâm đổi mới phương thức tuyên truyền pháp luật; tiếp tục củng cố, kiện toàn nâng cao chất lượng tổ hòa giải và hòa giải viên thông qua việc bồi dưỡng, tạo điều kiện cho hòa giải viên học hỏi, trao đổi kinh nghiệm, kỹ năng hòa giải. Quan tâm đảm bảo kinh phí hoạt động cho công tác hòa giải ở cơ sở; giải quyết kịp thời, đầy đủ các chế độ, chính sách cho hòa giải viên. Các ngành, các địa phương cần kết hợp chặt chẽ công tác hòa giải ở cơ sở với hoàn thiện quy chế dân chủ ở cơ sở, thực hiện chuẩn tiếp cận pháp luật ở cơ sở…

Tin, ảnh: Sơn Hà

Chia sẻ bài viết