17/12/2017 - 22:40

Tăng cường kiểm tra chất lượng thuốc thú y, thủy sản 

TP Cần Thơ là một trong những địa phương có diện tích mặt nước rộng lớn, thuận lợi phát triển nghề nuôi thủy sản. Hình thức nuôi thủy sản nước ngọt đa dạng, ứng dụng nhiều tiến bộ khoa học vào nuôi trồng, người chăn nuôi có rất nhiều lựa chọn. Do đó, việc lựa chọn, sử dụng thuốc thủy sản đúng cách để đảm bảo sản phẩm chăn nuôi đạt yêu cầu an toàn vệ sinh thực phẩm (VSTP), không sử dụng hàng giả, hàng quá đát... là rất cần thiết để sản phẩm đến tay người tiêu dùng an toàn, hợp vệ sinh.

Kiểm soát vật tư đầu vào để sản phẩm thủy sản vùng nuôi an toàn. Ảnh: HỮU ĐỨC

Theo Thanh tra Sở NN&PTNT Cần Thơ, từ đầu năm 2017 đến nay đã thành lập 6 đoàn thanh tra, trong đó 4 cuộc thanh tra chuyên ngành và 2 cuộc thanh tra hành chính. Riêng lĩnh vực thú y, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, thủy sản, đoàn thanh tra đã lập 2 đoàn thanh tra vào tháng 5-2017 và tháng 9-2017, kiểm tra 98 cơ sở thuốc thú y - chăn nuôi, 30 cơ sở nuôi trồng thủy sản, 14 cơ sở giết mổ, lấy 58 mẫu thịt heo, 5 mẫu gà, 105 mẫu thuốc thú y - chăn nuôi, thức ăn thủy sản kiểm tra chất lượng. Qua kết quả kiểm tra, Sở đã ban hành 54 quyết định xử phạt vi phạm hành chính, chuyển 2 hồ sơ đến UBND TP Cần Thơ ra quyết định xử phạt. Tổng số tiền xử phạt lĩnh vực thú y, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, thủy sản trên 353 triệu đồng.

Ông Nguyễn Văn Nguyên, Chánh Thanh tra Sở NN&PTNT Cần Thơ, cho biết: Hoạt động thanh tra, kiểm tra về các hành vi vi phạm chủ yếu lĩnh vực sản xuất kinh doanh thuốc thú y, thủy sản, các đoàn kiểm tra việc kinh doanh thức ăn chăn nuôi không có trong danh mục thức ăn chăn nuôi được phép lưu hành. Về hành vi buôn bán, kinh doanh thức ăn chăn nuôi có hàm lượng chất chính chỉ đạt từ 90- 95% so với tiêu chuẩn đã công bố hoặc ghi trên nhãn. Về kinh doanh, buôn bán thuốc thú y có nhãn hàng hóa không đúng sự thật, bản chất với hàng hóa phát hiện có 1 trường hợp; hành vi sản xuất thức ăn thủy sản có hàm lượng định lượng chỉ đạt mức 80% đến dưới 90% so với tiêu chuẩn đã công bố ghi trên nhãn...

Theo ông Nguyên, trong công tác thanh tra chuyên ngành cho thấy còn một số tồn tại như: Xu hướng phân phối vật tư nông nghiệp trực tiếp đến người sản xuất, không qua hệ thống các cửa hàng kinh doanh, không có hóa đơn chứng từ gây khó khăn trong công tác thanh tra, kiểm tra cũng như truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Một số cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông lâm thủy sản với quy mô nhỏ lẻ, hộ gia đình chưa chấp hành đúng các quy định của pháp luật về điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm, chưa đăng ký hộ kinh doanh gia đình...

Hiện nay, TP Cần Thơ có 261 cửa hàng được cấp giấy chứng nhận kinh doanh thức ăn chăn nuôi và thuốc thú y, trong đó có 189 cửa hàng mua bán thuốc thú y. Bà Huỳnh Thị Khải Hoàng, Trưởng Phòng thanh tra pháp chế Chi cục Chăn nuôi Thú y TP Cần Thơ, cho rằng: Qua thực hiện các Thông tư số 45/2014/TT-BNNPTNT (ngày 3-12-2014) quy định việc kiểm tra cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp và kiểm tra, chứng nhận cơ sở sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản đủ điều kiện an toàn thực phẩm và Thông tư số 13/2016/TT-BNNPTNT của Bộ NN-PTNT (ngày 2-6-2016) quy định về quản lý thuốc thú y, đồng thời kết hợp cùng đoàn kiểm tra liên ngành 2 đợt/năm của Sở NN&PTNT Cần Thơ, cho thấy đa số các đơn vị kinh doanh thuốc thú y, thú y thủy sản chấp hành khá tốt trong thực hiện mua bán thuốc nằm trong danh mục cho phép và rất ít xảy ra trường hợp bán thuốc hết hạn. Chuyển biến rõ là các cơ sở, chủ trang trại chăn nuôi thủy sản có qui mô sản xuất lớn biết cách chọn và sử dụng thuốc thú y thủy sản. Kết quả sản phẩm thu hoạch đạt chuẩn an toàn, không còn tồn dư chất kháng sinh, đạt yêu cầu các nhà máy thu mua chế biến xuất khẩu.

Theo bà Hoàng, muốn quản lý tốt lĩnh vực thuốc thú y thủy sản công tác tuyên truyền cần tiếp tục phổ biến các văn bản pháp quy của ngành đến các cơ sở chăn nuôi, chủ các trang trại chăn nuôi, nhất là các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Qua đó nâng cao kiến thức, kỹ thuật chăn nuôi, cách sử dụng thuốc phòng trị bệnh đúng thuốc, đúng cách, đúng liều sản xuất ra sản phẩm an toàn.

Mặt khác, những năm qua thành phố ban hành kế hoạch năm có phân kỳ mỗi tháng phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và dịch bệnh thủy sản. Theo đó cán bộ thú y địa phương sẽ rà soát thống kê từng hộ nuôi báo cáo về trạm, trạm thú y địa phương báo cáo về Chi cục Chăn nuôi Thú y và cán bộ kỹ thuật thú y sẽ nhận định, dự báo tình hình dịch bệnh có khả năng xảy ra trên địa bàn. Từ đó đề xuất kế hoạch phòng chống dịch và cách phòng trị bệnh đến các cơ sở, hộ chăn nuôi.

Năm 2017, TP Cần Thơ có kế hoạch thả giống các loài thủy sản nuôi trên diện tích mặt nước 10.500 ha, dự kiến sản lượng cả năm đạt 195.900 tấn. Trong đó, nuôi cá tra hơn 460 ha, còn lại là các loại cá đồng (cá rô, cá trê, cá thát lát, cá sặc rằn)… Đến nay tổng diện tích nuôi thủy sản an toàn thực phẩm theo tiêu chuẩn đạt trên 200 ha, bao gồm hơn 190 ha VietGAP (trong đó có 17 ha BMP, ASC) và 10 ha BAP và ASC.

Thành phố hiện có 339 cơ sở sản xuất, kinh doanh giống thủy sản (cá tra, tôm sú, tôm thẻ,…) cung cấp ra thị trường trong vùng hơn 1.000 triệu cá bột, gần 200 triệu cá giống các loại (trong đó có cá tra giống) và hơn 440 triệu tôm post.

HỮU ĐỨC

Chia sẻ bài viết