14/09/2014 - 15:53

Du lịch Cần Thơ

Tăng cường kết nối, liên kết phát triển

Đường bay Cần Thơ - Đà Nẵng hoạt động là kết quả của quá trình ký kết hợp tác giữa Cần Thơ và Đà Nẵng, mở ra triển vọng kết nối giao thương, du lịch cho hai địa phương, liên vùng ĐBSCL và miền Trung. Với vai trò là “trung tâm” của khu vực ĐBSCL, TP Cần Thơ đang mở rộng, thúc đẩy nhiều quan hệ hợp tác với các tỉnh, thành bạn, nhằm tạo đà phát triển, quảng bá du lịch cho toàn vùng.


Khai thác tiềm năng từ sự khác biệt

Nhiều năm qua, những nét đẹp, hình ảnh về văn hóa, con người của miền sông nước Cần Thơ chưa được du khách biết nhiều do khâu xúc tiến quảng bá của du lịch Cần Thơ còn yếu. Khoảng 2 năm trở lại đây, công tác này đã được quan tâm, tăng cường. Ngoài liên kết du lịch với các tỉnh ĐBSCL, TP Cần Thơ còn mở rộng liên kết liên vùng với các tỉnh, thành miền Trung, miền Bắc, khu vực Tây Nguyên. Từ đó kết hợp loại hình du lịch miệt vườn sông nước ĐBSCL với biển đảo, vùng núi, cao nguyên, tạo thêm sự đa dạng trong hành trình khám phá du lịch Việt cho du khách. Từ đầu năm đến nay, TP Cần Thơ đón tiếp nhiều đoàn Famtrip từ Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế, Lâm Đồng…đến khảo sát và quảng bá du lịch. Đây là tín hiệu cho thấy chuyển biến tích cực trong liên kết phát triển du lịch của Cần Thơ, từng bước kết nối với các trung tâm du lịch vùng. Đà Nẵng và Thừa Thiên Huế là những điểm nối quan trọng trên “hành trình di sản” của miền Trung, còn Lâm Đồng có thể coi là đầu tàu của “đại ngàn Tây Nguyên”. Có thể nói, Cần Thơ đã tạo đà để các tỉnh, thành ĐBSCL “bắt mối” kết nối quảng bá và phát triển du lịch.

  Đoàn Famtrip Đà Nẵng tham quan Khu mộ Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa.

Nếu so sánh về danh thắng, Cần Thơ có phần “thiệt thòi” hơn các thành phố du lịch khác. Thủ phủ miền Tây không có vẻ đẹp cổ kính, thơ mộng, với những điểm cung đình như Huế, không có những bãi biển đẹp như Đà Nẵng hay nên thơ với khí hậu đặc trưng như Lâm Đồng. Không được thiên nhiên và lịch sử ưu đãi những cảnh quan có một không hai, nhưng Cần Thơ vẫn có nét riêng của sinh hoạt cư dân vùng sông nước cùng những di sản văn hóa mang đậm dấu ấn của “thuở mang gươm đi mở cõi” khai phá đất phương Nam. Thủ phủ Tây Đô được ví như một “đô thị miền sông nước” với mạng lưới sông ngòi, kênh rạch chằng chịt, rợp bóng cây xanh, vườn cây trái sum suê. Nét đẹp văn hóa miệt vườn, đặc biệt là nét độc đáo của chợ nổi Cái Răng thu hút du khách gần xa. Ông Lê Minh Sơn, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH, TT & DL) Cần Thơ, cho biết: “Những ngôi nhà cổ, cây cối xanh tươi, kênh rạch uốn quanh đã tạo nên nét đẹp nguyên sơ, thanh bình mà không phải ở đâu cũng có. Chính sự khác biệt này đã tạo cho Cần Thơ thế mạnh về du lịch sông nước miệt vườn”. So với miền Trung, Tây Nguyên hay miền Bắc, du lịch Cần Thơ nhấn mạnh đến tìm hiểu về văn hóa, con người Nam Bộ. Ông Lê Hữu Minh, Phó Giám đốc Sở VH, TT & DL Thừa Thiên Huế, bày tỏ: “Chúng tôi đã liên kết hợp tác du lịch với Bạc Liêu và rất mong muốn được ký kết hợp tác với Cần Thơ. Lần Famtrip này sẽ “mở đường” Huế đến với Cần Thơ và ngược lại, đồng thời tạo điều kiện để miền Trung và miền Tây Nam Bộ gắn kết hơn, hỗ trợ nhau phát triển du lịch dựa trên sự khác biệt”.

Hiệu quả bước đầu của liên kết du lịch vùng

Ngoại trừ Thừa Thiên Huế, Cần Thơ đã ký kết hợp tác phát triển với Đà Nẵng, Lâm Đồng. Một trong những kết quả đạt được từ việc ký kết hợp tác này là đường bay thẳng Cần Thơ - Đà Nẵng hoạt động vào tháng 7 vừa qua, rút ngắn khoảng cách giữa hai địa phương. Hãng hàng không VietJet Air - đơn vị khai thác đường bay Cần Thơ - Đà Nẵng cho biết chỉ số lấp đầy trên mỗi chuyến bay luôn đạt tỷ lệ trên 90% (tính từ lúc khai trương đến thời điểm hiện tại). Trong tháng 9 đã có khoảng 5.000 vé được đặt trước. Đây là tín hiệu đáng mừng đối với ngành du lịch giữa hai địa phương, đặc biệt là TP Cần Thơ, khi chỉ số tăng trưởng du lịch thay đổi đáng kể. Trong 8 tháng năm 2014, các công ty lữ hành Cần Thơ đón gần 59.000 lượt khách nội địa, tăng 17% so với cùng kỳ, khách quốc tế có trên 11.000 lượt khách, tăng 11% so với cùng kỳ. Doanh thu trong 8 tháng lên 718 tỉ đồng, tăng 29% so với cùng kỳ. Ngoài ra, giữa Cần Thơ và Đà Nẵng còn kết nối nhiều chương trình kích cầu du lịch, giảm từ 10-48% các dịch vụ, vé tham quan cho các du khách đến từ đường bay Cần Thơ- Đà Nẵng và ngược lại. Ông Trần Chí Cường, Phó Giám đốc Sở VH, TT & DL Đà Nẵng, cho biết: “Đà Nẵng luôn sẵn sàng phối hợp với Cần Thơ kết nối các sự kiện, lễ hội văn hóa; hay tổ chức các hội thảo, hội chợ, triển lãm, quảng bá hình ảnh du lịch của hai địa phương, đồng thời tạo mọi điều kiện để các doanh nghiệp giữa hai địa phương gặp gỡ, hợp tác”. Hiệu quả bước đầu trong liên kết phát triển du lịch giữa Cần Thơ - Đà Nẵng còn mở ra cơ hội thúc đẩy hợp tác về du lịch giữa Cần Thơ - Thừa Thiên Huế và các tỉnh miền Trung.

Sau 2 năm ký kết, ngành du lịch Lâm Đồng - Cần Thơ đã thành công trong xây dựng và quảng bá hình ảnh du lịch giữa hai địa phương. Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Phó Giám đốc Sở VH, TT & DL Lâm Đồng, cho biết: “Sự kết nối và quảng bá du lịch giữa hai địa phương chủ động hơn. Người dân Tây Nguyên bắt đầu quan tâm đến loại hình du lịch tâm linh, du lịch sông nước miệt vườn của miền Tây. Tuy nhiên, để việc liên kết có thêm hiệu quả thì hạ tầng giao thông phải được quan tâm. Chúng tôi đang nỗ lực xúc tiến để đường bay thẳng Cần Thơ - Lâm Đồng hoạt động, rút ngắn khoảng cách giữa hai địa phương”. Nhiều biên bản ghi nhớ về sự kết nối giữa doanh nghiệp Cần Thơ và Lâm Đồng được ký kết trong hội nghị “Xúc tiến Thương mại, Du lịch Lâm Đồng - Cần Thơ và các tỉnh ĐBSCL” vừa diễn ra đã thúc đẩy giao thương, du lịch cho hai địa phương nói riêng và liên vùng ĐBSCL, Tây Nguyên nói chung. Dự kiến, cuối năm 2014 Lâm Đồng và Cần Thơ sẽ tổ chức sơ kết về quá trình liên kết để rút kinh nghiệm, đề ra các giải pháp để phát triển du lịch giữa hai địa phương hiệu quả và bền vững hơn.

Không riêng gì Đà Nẵng, Lâm Đồng, TP Cần Thơ còn nhiều ký kết hợp tác du lịch với các vùng miền khác như TP Hồ Chí Minh, Hà Nội… Sự hợp tác này không chỉ mở rộng thị trường du lịch mà còn tạo cơ sở xây dựng các tour liên thành phố. Để hoạt động liên kết thực sự phát huy hiệu quả, mỗi địa phương không chỉ quảng bá sản phẩm đặc trưng mà còn cần hợp sức xây dựng hệ thống sản phẩm độc đáo chung, xây dựng thương hiệu bền vững. Đây là định hướng mà Cần Thơ và các tỉnh, thành bạn đang nỗ lực thực hiện.

Bài, ảnh: ÁI LAM

Chia sẻ bài viết