28/09/2018 - 21:36

Tăng cường hợp tác với xứ sở hoa anh đào 

Việt Nam và Nhật Bản thiếp lập quan hệ ngoại giao tháng 9-1973. Nhiều hoạt động kỷ niệm 45 năm quan hệ song phương đã và đang diễn ra trên khắp cả nước, riêng tại Cần Thơ sẽ được tổ chức kết hợp với Chương trình Giao lưu Văn hóa và Thương mại Việt Nam - Nhật Bản lần thứ tư vào tháng 11 tới.

Đối tác hàng đầu

Quan hệ Việt Nam-Nhật Bản không ngừng phát triển trong những năm qua, nhất là sau khi hai nước nâng cấp quan hệ lên “Đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và thịnh vượng ở châu Á” tháng 3-2014. Nhật Bản hiện là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ hai, đối tác thương mại lớn thứ tư và thị trường du khách lớn thứ ba của Việt Nam.


Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đến Việt Nam hai lần trong năm 2017. Ảnh: TTXVN

Tính đến cuối tháng 3-2018, Nhật Bản có khoảng 3.700  dự án đầu tư còn hiệu lực tại Việt Nam với tổng vốn đăng ký gần 50 tỉ USD, đứng thứ hai trong tổng số 116 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào nước ta. Năm 2017, kim ngạch thương mại song phương đạt hơn 33 tỉ USD, trong đó Việt Nam xuất khẩu sang Nhật Bản gần 17 tỉ USD. Về du lịch, năm ngoái chúng ta đón hơn 800.000 du khách Nhật Bản và dự kiến con số này năm nay sẽ là 1 triệu lượt.

Bên cạnh đó, Nhật Bản còn là quốc gia viện trợ phát triển chính thức (ODA) lớn nhất cho Việt Nam, chiếm khoảng 30% tổng cam kết ODA của cộng đồng quốc tế đối với Việt Nam. Nhiều dự án của Nhật Bản đã hoàn thành và đưa vào khai thác rất hiệu quả, đóng góp lớn vào sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam.

Hợp tác lao động cũng là điểm sáng trong quan hệ Việt - Nhật. Chính phủ Nhật Bản mới đây đã quyết định từ nay đến năm 2020 sẽ mời 10.000 điều dưỡng viên từ Việt Nam sang làm việc nhằm đối phó với tình trạng thiếu hụt nhân lực nghiêm trọng của ngành điều dưỡng nước này. Bước đầu, Nhật Bản dự kiến tiếp nhận 3.000 điều dưỡng viên trong vòng 1 năm, với sự hỗ trợ tài chính từ phía Tokyo cho hoạt động đào tạo ngôn ngữ, và sau đó mở rộng quy mô lên 10.000 điều dưỡng viên trong 2 năm. Hiện nay, Việt Nam là quốc gia có số tu nghiệp sinh cao thứ hai tại Nhật Bản, chỉ sau Trung Quốc.

Ngoài ra, Nhật Bản cũng hấp dẫn du học sinh Việt Nam. Năm 2017, số sinh viên Việt Nam theo học tại Nhật Bản lên tới 62.000 người, chiếm gần ¼ tổng số sinh viên quốc tế và chỉ đứng sau Trung Quốc về số lượng. Tính chung, cộng đồng người Việt Nam tại Nhật Bản giai đoạn 2012-2016 đã tăng 4 lần, lên khoảng 233.000 người vào giữa năm 2017. Việt Nam hiện là cộng đồng lớn thứ tư tại Nhật Bản và dự kiến sẽ sớm qua mặt Philippines để giành vị trí thứ ba, chỉ sau Trung Quốc và Hàn Quốc.

Một biểu hiện rõ ràng của quan hệ song phương ngày càng bền chặt là các chuyến thăm thường xuyên của lãnh đạo hai nước những năm gần đây. Tháng 3-2017, Nhật hoàng Akihito đã sang thăm Việt Nam, riêng Thủ tướng Shinzo Abe thăm chính thức Việt Nam tháng 1-2017 và đến Đà Nẵng dự Tuần lễ Cấp cao APEC vào tháng 11 cùng năm.

Đẩy mạnh kết nối doanh nghiệp, địa phương Nhật Bản

Thời gian qua, đã có hàng chục đoàn doanh nghiệp Nhật Bản đến Cần Thơ tìm kiếm cơ hội đầu tư. Thành phố cũng tổ chức nhiều đoàn xúc tiến đầu tư ở Nhật Bản.


Ký kết thỏa thuận tại Hội nghị “Gặp gỡ Nhật Bản - khu vực ĐBSCL” diễn ra ở Cần Thơ, tháng 4-2018. Ảnh: TTXVN

Theo Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Võ Thành Thống, trong các chương trình xúc tiến đầu tư của Việt Nam nói chung, Cần Thơ nói riêng đã xác định Nhật Bản là một trong những đối tác hợp tác đầu tư trọng điểm.

Những năm gần đây, Cần Thơ không ngừng nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư và thiết lập quan hệ hợp tác, giao thương với nhiều địa phương, doanh nghiệp Nhật Bản. Nhằm thúc đẩy quan hệ hợp tác, thành phố đã thành lập Tổ công tác xúc tiến đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp Nhật Bản (Japan Desk). Bên cạnh đó, thành phố đang xây dựng khu công nghiệp tập trung Hưng Phú với diện tích khoảng 40ha để tạo quỹ đất sạch phục vụ doanh nghiệp Nhật Bản.

  Hiện tập đoàn bán lẻ lớn nhất Nhật Bản AEON có kế hoạch đầu tư xây dựng trung tâm thương mại AEON Việt Nam tại Cần Thơ. Dự kiến, dự án trung tâm thương mại AEON Cần Thơ có quy mô 4 tầng trên diện tích xây dựng khoảng 2 – 5 ha, gồm khu bách hóa tổng hợp và trung tâm mua sắm.

Cũng nhằm tăng cường thu hút các nhà đầu tư Nhật Bản, tháng 4-2018, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Chi nhánh Cần Thơ (VCCI Cần Thơ) phối hợp cùng Tập đoàn Brain Work Asia thành lập Trung tâm đổi mới sáng tạo Việt Nam – Nhật Bản về công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) đặt văn phòng tại Cần Thơ. Trung tâm này có nhiệm vụ thúc đẩy hợp tác phát triển về đổi mới ứng dụng ICT tại Cần Thơ nói riêng và Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nói chung.

Ngoài ra, thành phố còn phối hợp với VCCI Cần Thơ 3 năm liên tiếp tổ chức Chương trình Giao lưu Văn hóa và Thương mại Việt Nam – Nhật Bản. Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Trương Quang Hoài Nam cho rằng việc mời doanh nghiệp đến trực tiếp tìm hiểu văn hóa, kinh tế địa phương và chia sẻ về những chính sách hợp tác đầu tư là cách giới thiệu, kêu gọi đầu tư hiệu quả. Đầu tháng 11 tới, năm thứ 4 liên tiếp chương trình tiếp tục được thực hiện. Ngoài sự kiện diễn ra thường niên, lần tổ chức này còn kết hợp kỷ niệm 45 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam – Nhật Bản.

Cũng trong tháng 4-2018, tại Cần Thơ đã diễn ra Hội nghị “Gặp gỡ Nhật Bản - khu vực ĐBSCL”. Tham dự sự kiện này, Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cho đây là sáng kiến ngoại giao rất thiết thực, không chỉ mang ý nghĩa về chính trị còn cả kinh tế, văn hóa, xã hội giữa hai nước. Theo Nguyên Chủ tịch nước, khi thành lập TP Cần Thơ, Chính phủ kỳ vọng xây dựng thành phố là hạt nhân trung tâm của ĐBSCL, phát triển lan tỏa ra cả vùng. Với kinh nghiệm được phía Nhật Bản hỗ trợ, hy vọng Cần Thơ sẽ nhanh chóng phát triển theo đúng định hướng đó.

Về phần mình, Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Umeda Kunio cho biết, sau hội nghị, các doanh nghiệp Nhật Bản đánh giá cao tiềm năng hợp tác đầu tư tại khu vực ĐBSCL, đặc biệt là Cần Thơ và sẽ nghiên cứu để tìm kiếm cơ hội đầu tư tại đây. Ngài Đại sứ cũng ủng hộ sáng kiến thành lập trung tâm nghiên cứu Nhật Bản tại Trường Đại học Cần Thơ, cho rằng đây là việc làm cần thiết để thúc đẩy hợp tác giữa Nhật Bản và ĐBSCL. Ông còn hỗ trợ Cần Thơ thúc đẩy liên kết nguồn tài trợ từ Chính phủ Nhật Bản cho dự án Bệnh viện Tim Mạch thành phố.

Đối với các địa phương của Nhật Bản, đến nay Cần Thơ đã ký thỏa thuận hợp tác với thành phố Okayama, tỉnh Hyogo, tỉnh Hiroshima… nhằm tạo điều kiện thuận lợi để phát triển thương mại. đầu tư, du lịch...

Về thương mại, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2017 của Cần Thơ và Nhật Bản đạt 298,24 triệu USD. Trong đó, giá trị xuất khẩu khoảng 218,69 triệu USD gồm gạo, thủy sản, hàng may mặc, lông vũ, phân bón, thép…; giá trị nhập khẩu khoảng 79,55 triệu USD gồm nguyên liệu dược, phân bón, hóa chất, vải…

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Cần Thơ, hiện có 6 dự án của doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào thành phố với tổng vốn đăng ký hơn 12 triệu USD, kinh doanh trong các lĩnh vực ô tô, giấy, phần mềm vi tính, thực phẩm. Mặc dù đầu tư của doanh nghiệp Nhật Bản vào Cần Thơ còn khiêm tốn về quy mô và số lượng dự án, nhưng đây là bước tiến quan trọng vì chúng ta đã mời gọi được doanh nghiệp Nhật Bản đến làm ăn, điều mà nhiều năm trước thành phố chưa làm được.

Cùng với dòng vốn đầu tư, số lượng du khách Nhật Bản đến Cần Thơ cũng tăng khá những năm gần đây. Tại hội thảo chuyên đề xúc tiến du lịch Cần Thơ – Nhật Bản tháng 11-2017, ông Takahashi Ayumi - Trưởng đại diện Cơ quan xúc tiến du lịch Nhật Bản tại Việt Nam (JNTO) chia sẻ, khung cảnh sông nước trữ tình cùng không gian làng quê yên bình, dân dã, trong lành ở Cần Thơ đã níu chân du khách đến từ xứ sở hoa anh đào.

QUỐC KHÁNH

Chia sẻ bài viết