11/06/2015 - 20:21

HẬU GIANG

Tăng cường đầu tư cho sự nghiệp “trồng người”

Hơn 10 năm sau khi chia tách từ tỉnh Cần Thơ, tỉnh Hậu Giang đã có những bước phát triển vượt bậc về giáo dục. Ấn tượng nhất là ngành giáo dục Hậu Giang 2 năm liên tiếp được xếp đứng đầu trong Cụm thi đua số 6- các tỉnh ĐBSCL.

Theo ông Nguyễn Huỳnh Đức, Phó Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Châu Thành A, hơn 10 năm trước, huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang chưa có trường đạt chuẩn quốc gia. Các trường học nhỏ lẻ, cơ sở vật chất tạm bợ. Hầu hết các trường đều được xây dựng gần tuyến kinh, rạch để học sinh có thể đến trường bằng ghe, xuồng. Cơ sở vật chất thiếu thốn nên ý thức học tập của học sinh không cao, phụ huynh cũng thiếu sự quan tâm. Ngay sau khi chia tách, ngành giáo dục huyện đã tham mưu cho lãnh đạo lên kế hoạch cụ thể về việc xây dựng mạng lưới trường lớp. Từng năm một, các trường được khánh thành và đưa vào sử dụng. Đầu tiên là Trường Mầm non Hướng Dương tại trung tâm huyện được xây mới theo tiêu chuẩn quốc gia, giúp cho người dân và cán bộ làm việc tại huyện có thể gởi con học bán trú. Tiếp đến là các trường mầm non tại thị trấn Bảy Ngàn, Rạch Gòi,…. được khánh thành. Ấn tượng nhất là xã Trường Long A, trong một thời gian ngắn đã xây mới 1 trường mầm non, 2 trường tiểu học và 1 trường THCS đều đạt chuẩn quốc gia. Thầy Trần Văn Mười, Hiệu trưởng Trường THCS Trường Long A, cho biết: “Trường được xây dựng mới với kinh phí hơn 17 tỉ đồng trên diện tích hơn 12 ngàn m2. Ngay sau khi được đưa vào sử dụng, trường cũng được công nhận đạt chuẩn quốc gia. Được dạy trong ngôi trường mới, khang trang, đội ngũ giáo viên của trường cũng không ngừng phấn đấu, học tập, nâng cao trình độ. Tất cả giáo viên của trường đều đạt chuẩn; số vượt chuẩn trên 80%. Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS của trường mấy năm gần đây đều đạt 100%”.

Hiện nay, huyện Châu Thành A có 45 trường học, trong đó có 10 trường mầm non, mẫu giáo, 25 trường tiểu học, 5 trường THCS, 4 trường THPT và 1 trường Dân tộc nội trú. Toàn huyện hiện có 19 trường đạt chuẩn quốc gia. Nếu chỉ tính số trường trực thuộc phòng giáo dục, tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia ở Châu Thành A là 47,50%. Thầy Nguyễn Huỳnh Đức cho biết: “Theo kế hoạch trong năm 2015, huyện sẽ được công nhận thêm 1 trường đạt chuẩn quốc gia, nâng tỷ lệ trường đạt chuẩn lên hơn 50%”.

Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú Him Lam do tập đoàn Him Lam tài trợ xây dựng tại thị trấn Rạch Gòi, huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang chính thức đi vào hoạt động từ năm học 2011-2012. 

Theo Thạc sĩ Võ Thanh Mộng, Phó Chánh văn phòng, Sở Giáo dục và Đào tạo Hậu Giang, huyện, xã nào trên địa bàn tỉnh cũng có sự thay đổi vượt bậc về cơ sở vật chất, trường lớp. Nhất là khi ngành giáo dục phối hợp cùng các địa phương xây dựng mạng lưới trường lớp để đạt chuẩn nông thôn mới. Chẳng hạn tại xã Vị Thủy, huyện Vị Thủy, chỉ trong vòng 5 năm trở lại đây, tất cả các trường nhỏ hẹp, tạm bợ, xuống cấp trước đây đều được xây dựng mới theo hướng đạt chuẩn. Ông Phan Văn Tổng, Phó Chủ tịch UBND xã Vị Thủy, nói: “Trường lớp khang trang, sân chơi thoáng mát, phòng học có đầy đủ trang thiết bị nên học sinh rất hứng thú học tập. Nhờ đó, chất lượng giáo dục toàn xã được nâng lên hàng năm”. Trường lớp được xây mới, giáo viên không ngừng học tập, nâng cao trình độ nên góp phần tác động vào ý thức của phụ huynh về việc học. Anh Danh Luân, ngụ xã Vị Thủy, nói: “Tôi có 2 đứa con đang học lớp 6 và lớp 2. Các cháu được học trong trường đạt chuẩn nên mình rất an tâm. Đường đến trường thì dễ dàng vì đã đổ đan hết. Hai cháu đi học còn được Nhà nước cho tiền hàng tháng nên vợ chồng tôi hứa với nhau sẽ không để cho con nghỉ học”.

Tỉnh Hậu Giang rất quan tâm đến việc nâng cao dân trí và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng trong đồng bào dân tộc thiểu số. Vì vậy, từ lúc mới được thành lập, tỉnh đã quyết tâm xây dựng các trường phổ thông dân tộc nội trú, đáp ứng được nhu cầu học tập của con em đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn. Đến nay, Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú Him Lam do tập đoàn Him Lam tài trợ xây dựng tại thị trấn Rạch Gòi, huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang và Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú Hậu Giang- đặt tại xã Long Bình, huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang, đã hoàn thành, rất quy mô. Thạc sĩ Võ Thanh Mộng cho biết: “Hàng năm, hai trường này thu hút hơn 350 học sinh dân tộc Khmer theo học bán trú. Các em được hỗ trợ hoàn toàn tiền ăn, ở, chi phí học tập. Tuy mới thành lập nhưng hai trường đã làm tốt nhiệm vụ làm nền tảng xây dựng nguồn nhân lực chất lượng là người dân tộc thiểu số để phục vụ địa phương”.

 Học sinh đang chơi bóng chuyền tại sân Trường THCS Vị Thủy.

Bây giờ, về Hậu Giang, mọi người đều ấn tượng bởi sự chuyển biến về cơ sở vật chất trường lớp trên địa bàn tỉnh. Nếu như ngay thời điểm mới chia tách, toàn tỉnh Hậu Giang chỉ có 8 trường đạt chuẩn quốc gia. Bây giờ, Hậu Giang đã có 127 trường đạt chuẩn quốc gia, chiếm hơn 38% tổng số trường học toàn tỉnh. Ngành giáo dục cũng đã xây dựng đề án Phòng bộ môn đạt chuẩn, đề án dạy học ngoại ngữ… Để phục vụ cho đề án này, tỉnh đã xây dựng và trang bị trang thiết bị cho 18 phòng Lab (phòng học ngoại ngữ chuyên dụng) và 25 phòng học thông minh (phòng được trang bị máy vi tính)… Tổng ngân sách đầu tư cho giáo dục thời gian qua ở Hậu Giang gần 3.000 tỉ đồng, trong đó, nhân dân đóng góp 406 tỉ đồng. Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên cũng được quan tâm, tạo điều kiện nâng cao trình độ. Nếu như thời điểm mới thành lập tỉnh, đội ngũ cán bộ, giáo viên đạt chuẩn chỉ có 60-70%, đến nay, tỷ lệ đạt chuẩn trong lực lượng nhà giáo là 99%, trong đó, có 70% nhà giáo, cán bộ quản lý trên chuẩn.

Với sự quan tâm đầu tư và những nỗ lực cho sự nghiệp “trồng người”, chất lượng giáo dục tỉnh Hậu Giang đã có sự chuyển biến toàn diện. Năm học 2013-2014, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS của tỉnh đạt 99,54%; tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT đạt 99,89%. Học sinh đậu vào các trường đại học, cao đẳng năm sau đều cao hơn năm trước. Tỷ lệ học sinh bỏ học, lưu ban năm học 2013-2014 giảm 3,35% so với năm học 2012-2013. Theo ông Lê Hoàng Tươi, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hậu Giang, thành tích mà ngành giáo dục Hậu Giang đạt được thời gian qua là nhờ sự quan tâm chăm lo cho giáo dục của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Hậu Giang; sự đầu tư của Trung ương. Ngoài ra, thành quả này còn xuất phát từ nền tảng vững chắc mà các thế hệ cán bộ quản lý, giáo viên thời kỳ trước xây dựng, đã được các thầy cô giáo ngày nay kế thừa và nỗ lực phát huy với tinh thần trách nhiệm cao. Bên cạnh đó, còn nhờ sự quan tâm của toàn xã hội đối với giáo dục, ý thức của phụ huynh đối với việc học của con em mình.

Bài, ảnh: HÀ THANH

Chia sẻ bài viết