30/03/2008 - 09:32

Hội nghị cấp cao hợp tác Tiểu vùng Mê Công mở rộng lần thứ 3 tại Thủ đô Viêng Chăn

Tăng cường cạnh tranh thông qua mối liên kết mở rộng

Hội nghị thượng đỉnh về hợp tác kinh tế Tiểu vùng Mê Công mở rộng lần thứ ba (GMS3) sẽ được tổ chức tại Thủ đô Viêng Chăn (Lào) trong hai ngày 30 và 31-3. Sáng ngày 30-3, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ dẫn đầu đoàn đại biểu cao cấp Chính phủ Việt Nam rời Hà Nội đi tham dự Hội nghị. Hội nghị GMS được tổ chức 3 năm một lần, lần đầu diễn ra ở Phnom Penh (Campuchia) - tháng 11-2002 và lần thứ hai ở Côn Minh (Trung Quốc) tháng 7-2005.

Với chủ đề “Tăng cường cạnh tranh thông qua mối liên kết mở rộng”, hội nghị lần này tập trung thảo luận 6 nội dung chính: Tăng cường kết nối giao thông; thuận lợi hóa thương mại và giao thông; hợp tác giữa khu vực Nhà nước và khu vực tư nhân để tăng cường thương mại và đầu tư GMS; đào tạo nguồn nhân lực; Quản lý môi trường bền vững và hợp tác, phát triển GMS.

Tiểu vùng Mê Công mở rộng (GMS) có diện tích 2,3 triệu km2, bao gồm 6 nước: Myanmar, Thái Lan, Lào, Campuchia, Việt Nam và hai tỉnh Vân Nam, Quảng Tây (Trung Quốc). Đây là khu vực đông dân cư (khoảng 320 triệu người), đa sắc tộc với các nền văn hóa phong phú. Tuy nhiên, về mặt kinh tế-xã hội, nhìn chung, đây vẫn là tiểu vùng nghèo, chậm phát triển ở Đông Nam Á và châu Á, cơ sở hạ tầng yếu kém, do bị các cuộc chiến tranh kéo dài tàn phá nặng nề, ngay trong tiểu vùng cũng tồn tại sự cách biệt về trình độ phát triển giữa các địa phương. Mục tiêu của GMS là thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, phát triển bền vững, xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống nhân dân lưu vực sông Mê Công; Xây dựng Tiểu vùng Mê Công “Kết nối, cạnh tranh và cộng đồng”. Thông qua kết kết nối hạ tầng, tạo thuận lợi tiếp cận nguồn tài nguyên, đất đai, nhân lực tăng cường giao lưu trong tiểu vùng, qua đó, gia tăng tính cạnh tranh, thúc đẩy kinh tế phát triển, tăng cường giao lưu, tạo ra không khí cộng đồng trong dân cư tại tiểu vùng. Một trong những nguyên tắc hợp tác hàng đầu là tạo điều kiện tăng trưởng kinh tế và nâng cao mức sống người dân; các chương trình và dự án đảm bảo sự cân bằng giữa tăng trưởng kinh tế, phát triển nguồn nhân lực, giảm đói nghèo và bảo vệ môi trường.

Trong quá trình hợp tác, hạ tầng giao thông là lĩnh vực ưu tiên hàng đầu và cũng là lĩnh vực hợp tác có kết quả nổi bật nhất, tập trung vào 3 hành lang kinh tế chính: Hành lang kinh tế Đông-Tây (EWEC); Hành lang kinh tế Bắc - Nam (NSEC) và Hành lang kinh tế phía Nam (SEC). Ngoài ra, năng lượng, viễn thông, phát triển nguồn nhân lực, du lịch và nông nghiệp cũng là những lĩnh vực hợp tác tích cực của các nước trong tiểu vùng.

ĐỖ QUYÊN (TTXVN)

Chia sẻ bài viết