22/07/2009 - 07:35

Tăng cường các biện pháp khẩn cấp phòng chống dịch cúm A (H1N1)

* Dịch bệnh gia súc, gia cầm tiếp tục lây lan rộng

Ngày 21-7, Bộ Y tế đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ những diễn biến mới nhất của dịch cúm A (H1N1), đặc biệt là việc xuất hiện hai chùm ca bệnh tại Đồng Nai và thành phố Hồ Chí Minh. Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu đã trực tiếp làm việc với Ban chỉ đạo phòng chống đại dịch cúm TP Hồ Chí Minh và tỉnh Đồng Nai để chỉ đạo khẩn cấp các biện pháp chống dịch tại các trọng điểm bị dịch này.

Theo Bộ Y tế, chùm ca bệnh tại Đồng Nai là những người cùng tham gia vào một bữa tiệc ngày 9-7-2009 gồm 31 người và ba Việt kiều từ Mỹ về tại ấp Việt Kiều xã Xuân Hiệp, huyện Xuân Lộc (Đồng Nai). Sau đó, một người con của 3 Việt kiều này được thông báo dương tính với cúm A (H1N1) do phát hiện tại cửa khẩu. Sở Y tế tỉnh Đồng Nai đã tiến hành điều tra và xử lý y tế đối với các trường hợp tiếp xúc, đến ngày 19-7-2009 ghi nhận 24 trường hợp trong số những người dự tiệc bị dương tính với cúm A (H1N1).

Chùm ca bệnh tại TP. Hồ Chí Minh: là học sinh và 1 cô giáo thuộc Trường Trung học tư thục Ngô Thời Nhiệm, phường Phước Long A, quận 9, TP. Hồ Chí Minh. Đến ngày 19-7-2009 đã ghi nhận 22 trường hợp dương tính với cúm A(H1N1). Trong số 5 trường hợp ghi nhận đầu tiên ngày 18-7-2009 có 1 học sinh về quê cùng tham dự bữa tiệc với người thân tại Đồng Nai (như đã nêu trên).

Trong nhiều ngày qua, Bộ Y tế đã liên tục cập nhật tình hình dịch và kịp thời chỉ đạo các biện pháp chống dịch. Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống đại dịch cúm ở người đã thống nhất tiếp tục tăng cường các hoạt động kiểm dịch tại các cửa khẩu quốc tế, tăng cường giám sát các trường hợp cúm tại cộng đồng, tại 15 điểm giám sát cúm quốc gia, các bệnh viện sẵn sàng thu dung, điều trị bệnh nhân. Từ ngày 18 đến 20-7, Bộ trưởng Bộ Y tế và các đơn vị liên quan trực tiếp đến TP. Hồ Chí Minh chỉ đạo các hoạt động chống dịch cúm A (H1N1). Ban chỉ đạo phòng chống dịch cúm A(H1N1) TP. Hồ Chí Minh đã chỉ đạo tạm thời đóng cửa trường học có học sinh dương tính với cúm A(H1N1) trong vòng 1 tuần.

* Chiều 21-7, UBND TP. Hồ Chí Minh đã có cuộc họp khẩn với ban chỉ đạo phòng chống dịch cúm A(H1N1) thành phố để bàn giải pháp trước tình hình dịch cúm A(H1N1) đang lan rộng trong cộng đồng và phương án đối phó với dịch tại các trường học trong năm học mới.

Theo bác sĩ Nguyễn Văn Châu, Giám đốc Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh: đến nay thành phố Hồ Chí Minh đã phát hiện 321 trường hợp nhiễm cúm A(H1N1) trong đó 80 trường hợp mắc do lây lan trong cộng đồng. Ổ dịch lớn nhất là trường THPT tư thục Ngô Thời Nhiệm với 54 ca dương tính và 10 ca đang nghi ngờ chờ kết quả xét nghiệm. Khi hiện tượng lây lan trong cộng đồng xảy ra nhiều thì khả năng tử vong có thể xảy ra nhất là ở các đối tượng phụ nữ, trẻ em, người mắc bệnh mãn tính.

* Theo Viện nghiên cứu kinh tế Anh Oxford Economics, sự lây lan của dịch cúm A(H1N1) sẽ có thể ảnh hưởng đến 30% dân số thế giới khiến GDP thế giới giảm 3,5%, tương đương với mức thiệt hại khoảng 2.500 tỉ USD, lớn gấp 2,5 lần so với thiệt hại do khủng hoảng kinh tế toàn cầu mà Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo cho năm 2009.

* Ngày 21-7-2009, Việt Nam đã ghi nhận thêm 35 trường hợp dương tính với cúm A(H1N1), trong đó miền Nam là 34 ca, miền Trung 1 ca. Như vậy, tính đến 17 giờ ngày 21-7-2009, Việt Nam đã ghi nhận 443 trường hợp dương tính nhưng không có tử vong. Trong số này đã ghi nhận 61 trường hợp dương tính tại chùm ca bệnh ở trường Trung học tư thục Ngô Thời Nhiệm, quận 9, thành phố Hồ Chí Minh và 23 ca dương tính tại chùm ca bệnh ở xã Xuân Hiệp, Xuân Lộc, Đồng Nai.

Các trường hợp bị bệnh đang được điều trị cách ly tại các bệnh viện và cơ sở điều trị trong tình trạng sức khỏe ổn định. Các trường hợp tiếp xúc gần với ca bệnh được theo dõi, giám sát theo quy định.

* Theo thông báo của Trung tâm dự phòng và kiểm soát dịch bệnh châu Âu (ECDC): đến ngày 21-7-2009, toàn thế giới đã ghi nhận 139.566 trường hợp dương tính với cúm A(H1N1) tại 139 quốc gia, vùng lãnh thổ, trong đó có 781 trường hợp tử vong. Hiện nay, dịch đang diễn biến phức tạp tại một số nước nam bán cầu nơi hiện giờ là mùa đông, đặc biệt tại Argentina - nơi ước đoán có khoảng 100.000 người nhiễm và 70 ca tử vong.

Tại khu vực Đông Nam Á, tình hình dịch tiếp tục diễn biến phức tạp, số trường hợp mắc mới tăng nhanh: Philippines (mắc: 2.668, tử vong: 3); Singapore (mắc: 1217, tử vong: 1); Brunei (mắc: 334, tử vong: 1). Bộ Y tế Thái Lan thông báo nước này đã ghi nhận 4.057 ca dương tính, 25 trường hợp đã tử vong do cúm A(H1N1); nhiều trường học, nhà trẻ, trung tâm dạy nghề đã bị đóng cửa tạm thời để ngăn chặn sự lây lan của dịch cúm A(H1N1).

* Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo quốc gia Phòng chống dịch cúm gia cầm chiều 21-7, ông Hoàng Văn Năm, Phó Cục trưởng Cục Thú y cho biết: Đã có thêm tỉnh Yên Bái có dịch lở mồm long móng và tỉnh Quảng Nam có dịch tai xanh trên heo trong hai tuần qua.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo các tỉnh này tập trung lực lượng bao vây dập tắt ổ dịch, đồng thời yêu cầu Cơ quan Thú y vùng IV, Chi cục Thú y tỉnh Quảng Nam tìm hiểu, báo cáo nguyên nhân vì sao dịch tai xanh xảy ra liên tiếp, kéo dài trong 3 năm gần đây tại tỉnh này.

Đối với dịch cúm gia cầm, trong hai tuần qua cả nước không phát sinh thêm ổ dịch mới, chỉ còn Quảng Ninh có dịch chưa qua 21 ngày. Tuy nhiên, theo nhận định của Cục Thú y, mặc dù xảy ra nhỏ lẻ, nhưng qua kết quả giám sát trong thời gian gần đây cho thấy vi-rút cúm gia cầm lưu hành với tỷ lệ khá cao ở đồng bằng sông Cửu Long và đồng bằng sông Hồng. Trong khi đó, khả năng miễn dịch của đàn gia cầm giảm do tiêm phòng ở nhiều nơi đạt tỷ lệ thấp nên nguy cơ tái phát dịch trong những tháng tới là rất cao.

NHÓM PV TTXVN

Chia sẻ bài viết