18/02/2008 - 22:08

Tấm lòng vàng của một lương y

Bác sĩ Nguyễn Ngọc Điểu (64 tuổi), ở phường 4, thị xã Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long, là người mà cả đời dành trọn niềm đam mê nghề nghiệp cho ngành y tế tỉnh nhà. Trước đây, bác sĩ Điểu làm việc ở Trung tâm Phục hồi chức năng của tỉnh Vĩnh Long. Sau khi về hưu (năm 2004), bác sĩ Điểu đã lập cơ sở phục hồi chức năng cho trẻ bại não từ 1 đến 16 tuổi tại nhà, hoàn toàn miễn phí.

Một ngày đầu năm 2008, chúng tôi đến Cơ sở phục hồi chức năng cho trẻ bại não từ 1 đến 16 tuổi tại địa chỉ: 56, đường Trần Phú, phường 4, thị xã Vĩnh Long của bác sĩ Điểu. Phần trước căn nhà cấp 4 lót nền gạch tàu được sửa thành một phòng điều trị cho các em bị bệnh bại não, não thủy hay những bệnh liên quan đến não. Nếu được cha mẹ đưa đến đây các em sẽ được điều trị miễn phí, thậm chí còn được hỗ trợ một phần chi phí. Bác sĩ Điểu tâm sự: “Xuất phát từ tình thương, tôi chia sẻ nỗi bất hạnh đối với những người tàn tật, nhất là đối với trẻ em bị bại não. Việc làm của tôi nhằm xoa dịu những mặc cảm, giúp cho các cháu có đủ sự tự tin hòa nhập vào cuộc sống của cộng đồng sau này”.

Bác sĩ Nguyễn Ngọc Điểu đang tập cho một trẻ bị bệnh bại não ngay tại cơ sở của mình. 

Bác sĩ Điểu cho biết: Lúc mới đi vào hoạt động, cơ sở vật chất, trang bị dụng cụ tập luyện cho các cháu rất đơn giản, chỉ có một ít phụ huynh và các nhà hảo tâm tại địa phương đóng góp nên cơ sở gặp không ít khó khăn. Đầu năm 2007, cơ sở nhận được tài trợ của tập đoàn Unilever Việt Nam với số tiền 200 triệu đồng; Hội chất độc màu da cam (Dioxin) thường trực ở TP Hồ Chí Minh và Hà Nội; các nhà hảo tâm trong và ngoài nước đã nhiệt tình ủng hộ, đóng góp để cơ sở chăm sóc điều trị các cháu tốt hơn.

Hiện tại cơ sở này đã được trang bị các dụng cụ gồm: Nệm lót nền, ván tường; thảm gai tập luyện; bóng tập vận động; thú nhựa; bàn tập đứng; xe lăn; xe lắc; bàn đập mạnh cơ đùi; ghế tập mạnh cơ gối; xe đạp có lực cản; bàn chạy bộ; khung đi khóa đùi; xe đẩy bại não; xe mũi tên; cầu tuột...

Có khá đầy đủ dụng cụ nên các cháu tập luyện có hiệu quả. Hơn 3 năm qua, cơ sở tiếp nhận trên 300 cháu ở khắp các tỉnh ĐBSCL đến điều trị. Năm 2007 đã có 35 em đã biết tự bò trườn, ngồi được. Tuy yếu ớt nhưng bệnh tình các cháu tiến triển tốt. Đó là dấu hiệu đáng mừng để làm tăng thêm ý chí niềm tin cho việc điều trị của gia đình bệnh nhân.

Chị Hồng đang tập luyện cho bé Trung Kiên. 

Cháu Tuấn Anh, 14 tuổi, quê ở Ngã Bảy (Phụng Hiệp, Hậu Giang), bị bệnh bại não từ lúc nhỏ, đến điều trị miễn phí tại cơ sở của bác sĩ Điểu được hai năm. Đến nay, sức khỏe Tuấn Anh đã có phần tiến triển tốt. Hoàn cảnh của Tuấn Anh hết sức đau lòng. Mẹ Tuấn Anh bỏ em từ khi mới sinh ra. Tuấn Anh ở với người dì cho đến bây giờ. Bà Hồ Thị Nghĩa (45 tuổi), dì của Tuấn Anh, nói trong nước mắt: “Lúc nhỏ nó không biết nói, không biết bò, không biết ngồi. Điều trị vật lý trị liệu ở đây, Tuấn Anh đã khỏe hẳn ra”. Dì Nghĩa cho biết, để lên đây điều trị cho Tuấn Anh dài hạn, dì phải thuê nhà trọ mỗi tháng 300.000 đồng. Cộng chung với các chi phí hàng ngày khác, hàng tháng dì tiêu tốn trên 2 triệu đồng.

Chị Lê Thị Kim Hồng (30 tuổi), quê ở Hòa Khánh, Cái Bè, Tiền Giang, cũng có hoàn cảnh tương tự. Bé Nguyễn Trung Kiên (8 tuổi) là đứa con thứ 2 của chị, cũng bị bệnh bại não. Chị bồng con qua Vĩnh Long trị bệnh. Ban đầu cháu không biết bò, biết ngồi. Sau một thời gian trị vật lý trị liệu do bác sĩ Điểu hướng dẫn phối hợp cùng thuốc men, bây giờ cháu đã đi xe được tuy chân tay vẫn còn yếu. Chị cũng ở trọ gần cơ sở, vài ba tháng mới về quê thăm chồng và đứa con lớn.

Đây là hai trong hàng trăm trường hợp các bậc phụ huynh ở các tỉnh Vĩnh Long, Tiền Giang, Kiên Giang, TP Cần Thơ... đến đây điều trị cho con và có chung hoàn cảnh “nghèo mà còn mắc cái eo”. Nhưng tất cả đều có niềm vui là bệnh tình con của họ dần dà đỡ hơn nhiều và đều được nhận những lời động viên, thăm hỏi, chia sẻ vật chất của bác sĩ Điểu. Cơ sở hiện có bác sĩ Điểu, bác sĩ Hoa và một nhân viên phục vụ công tác hành chính, sổ sách. Ba người cùng các phụ huynh con em bệnh nhân suốt ngày chăm sóc điều trị cho các cháu.

Ngoài các cháu bị bệnh bại não, một số cháu bị bệnh bẩm sinh như chân khoèo; vẹo cổ; vẹo cột sống; rối loạn đường cơ... cũng được tiếp nhận điều trị tại cơ sở của bác sĩ Điểu. Có nhiều bệnh nhân ở xa cơ sở hướng dẫn cách điều trị, phương pháp tập luyện. Sau thời gian 1-2 tháng, gia đình đưa các em đến đây tái khám, kiểm tra định kỳ và được hướng dẫn những bước điều trị tiếp theo...

“Tôi đang lập dự án để trình UBND tỉnh Vĩnh Long xin tài trợ xây dựng cơ sở phục hồi chức năng trẻ bại não tỉnh Vĩnh Long với kinh phí hơn 2 tỉ đồng. Nếu được chấp thuận, nơi đây sẽ giúp cho những em bất hạnh có nơi tập luyện, để các em không còn mặc cảm khi tái hòa nhập cộng đồng và giảm bớt gánh nặng cho gia đình và xã hội”- bác sĩ Điểu bộc bạch.

Bài, ảnh: THÀNH ĐƯỢC

Chia sẻ bài viết