Bút ký của Nguyễn Hồng Vinh
Mùa nước nổi mênh mang sông Hậu, chiếc ghe nhỏ chòng chành vượt sóng, đưa chúng tôi lên Cồn Sơn - một chấm nhỏ trên bản đồ thành phố Cần Thơ, trong dăm năm lại đây đã cuốn khách du lịch thập phương bởi thương hiệu “du lịch cộng đồng sinh thái”. Rời thành phố ồn ào, sôi động, chúng tôi thấy lòng mình thanh thản khi chiếc ghe lách qua những con rạch nhỏ tím hoa lục bình, hai bờ sum suê nhãn, ổi… Từ xa, nhìn Cồn Sơn chỉ hiện lên những hàng dừa cao vút giữa màu xanh ngút ngàn, nhưng giờ đây, đi theo hướng dẫn viên Trần Minh Thành, chúng tôi ngỡ ngàng được lên giữa những vườn nhãn cổ thụ rộng mấy héc-ta, nối tiếp là những vườn ổi vàng ươm đang vào mùa thu hoạch, những hàng mít trĩu quả…. Xen kẽ các vườn cây ấy, là những ao cá tự đào, nuôi nhiều loại cá của vùng sông nước Nam bộ, đặc biệt là cá rô phi, các lóc… lớn nhanh như thổi.
Tác giả trong vườn nhãn cổ thụ ở nhà bà Bảy Muôn.
Nhiều người đến cù lao này đều muốn biết vì sao mang tên Cồn Sơn? Anh Thành nói cặn kẽ: Xem bản đồ của Pháp năm 1949-1950 lưu lại, thì Cồn Sơn có tên “cù lao Trà Nóc”; lại có tài liệu gọi là Cồn Linh vì thời xa xưa, Bình Thủy bị nạn dịch bệnh hoành hành, nhiều xác chết trôi sông tấp vào, được người dân chôn cất, sau đó xuất hiện nhiều hiện tượng lạ, cho rằng, những người chết trôi linh ứng nên gọi tên là Cồn Linh. Đến đời vua Tự Đức thứ 5 (1852), quan tuần phủ Huỳnh Mẫn Đạt ngồi thuyền đi tuần trên sông Hậu, vừa đến Cồn Linh thì gặp trận cuồng phong. Tuần phủ hỏi các bô lão cần nơi tránh nạn thì được chỉ tìm đến cù lao có “ngọn rạch bình yên, không hề có sóng to gió lớn. Hoa màu thịnh vượng, dân lạc nghiệp an”. Tuần phủ ưng lòng đặt tên vùng này là Bình Thủy, có cù lao Cồn Sơn nằm ngang. Theo lão nông Cao Ngọc Út, nay tròn 90 tuổi, từ trước năm 1930, cù lao này, trước đó có tên gọi Cồn Linh; dần về sau, phía đuôi cồn mọc nhiều cây sơn nên người ta gọi là Cồn Sơn. Vào những năm 1954-1956, người dân nơi đây khai khẩn, trồng trọt là chính, từ trồng rẫy, khoai củ, dưa hấu…, dần dần đất rửa phèn, đất bồi cao lên, thành những vườn cây trái đủ loại: chôm chôm, nhãn, ổi, dừa, mít, dưa hấu, có trái dưa nặng hơn chục ký. Cho đến hôm nay, Cồn Sơn vẫn duy trì nghề nông như xưa, một số nhà kết hợp nghề đánh bắt cá, tôm, làm nước mắm…
Trước khi vào Cồn Sơn, chúng tôi lên thăm dãy bè nuôi cá lồng nằm sát cù lao, rất thú vị khi được xem màn trình diễn của đàn cá ngũ sắc do chủ cá bè Bảy Bon điều khiển. Câu chuyện làm ăn của bác Bảy khiến tôi thấm thía thêm câu tổng kết của ông cha ta “nhất nghệ tinh, nhất thân vinh”. Sau năm 1975, từ Cà Mau, vợ chồng ông lên đây lập nghiệp, gặp đủ thăng trầm vì khi gặp bão, vì lúc nước lũ thất thường, vì sự thích nghi của từng loài cá… Rơi vào một trong những cảnh ngộ ấy, có vụ, có năm hầu như mất trắng. Nhưng tình yêu sông nước, sự gắn kết với Cồn Sơn không vơi cạn trong ông, khiến cả gia đình trụ vững trên các bè cá lồng ngày thêm mở rộng, đem lại nguồn thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi vụ (đã trừ chi phí các loại). Khu bè cá Bảy Bon đã trở thành điểm “tập kết” đầu tiên của du khách trước khi vào Cồn Sơn. Trong ngôi nhà tiếp khách đặt giữa hàng chục lồng cá bè, như một quán giải khát, có đủ cà phê, nước ngọt, trái cây, bánh kẹo… Xung quanh vách tường là những tấm ảnh màu giới thiệu đặc điểm từng loại cá, khách muốn dùng món ăn bằng loại cá nào, thì chủ quán ra ngay bè đang nuôi loại ấy, bắt cá đem về chế biến. Tôi hỏi: “Là điểm đón khách đầu tiên, ông được nhận thù lao của các hộ trong cồn không?”, ông vui vẻ tâm tình: “Đây là sự liên kết tự nguyện, ai có thế mạnh gì thì góp sức; nếu tính toán chi li thì còn đâu tình nghĩa sớm hôm, mà cái nghĩa, cái tình người trên sông nước và cù lao này là quý hơn hết thảy”…
Vào Cồn, ngồi trò chuyện với các chị Bảy Muôn, Năm Phước…, tôi cảm phục sự suy nghĩ chân tình của mọi người giống như bác Bảy Bon. Thì ra, từ cách nghĩ chân mộc giống nhau ấy, họ tự nguyện góp sức tạo ra mô hình “du lịch cộng đồng” trên cơ sở giữ nguyên không gian sinh thái, làm những ngôi nhà để khách nghỉ qua đêm, mái lợp lá dừa thoáng mát, chung quanh là ao sen, ao cá len giữa các vườn mít, bưởi, ổi, nhãn, chôm chôm trĩu quả, được kết nối bằng các nhịp cầu tre qua rạch, gây sự thích thú, mê say, đặc biệt đối với khách từ châu Âu, châu Mỹ đến. Các món ẩm thực ở đây đa dạng, thơm ngon, được chế biến “kỳ lạ” (được gọi là bữa cơm “rà” - tạo thương hiệu Cồn Sơn), đã thu hút sự tò mò, hấp dẫn du khách cả ở trong nước và nước ngoài. Tính “cộng đồng” thể hiện rõ nét khi khách ăn cơm tại nhà dân đang nghỉ, với tất cả các món ăn đa dạng trong bữa cơm đó, đều do nhiều hộ tự nguyện mang đến một món ăn mà mình có cách nấu ngon. Ví như món ếch xào nhà Chính Nhỏ; món cua đồng, cá lóc nướng trui từ nhà vườn Song Khánh; món lẩu ốc, bồ câu nước dừa từ nhà vườn Năm Công; món bánh xèo, bánh khọt từ nhà chị Minh, món cá tai tượng từ nhà chị Năm… Giữa trưa, nắng chang chang, chúng tôi không thấy nóng, vì mâm cơm được dọn trên bàn đặt dưới tán nhãn, tán mít sum suê che nắng, với đủ món ăn lạ và hấp dẫn kể trên. Ăn xong, chị Năm Phước hái trái bưởi ngay cạnh bàn, bóc ra mời khách. Đang ăn, đứa con gái đầu của chị vừa đi học Trường cao đẳng bên Bình Thủy về, từ tốn ra khoanh tay chào khách. Thì ra cái ngon, cái cuốn hút kỳ lạ của Cồn Sơn không chỉ là cái đẹp bình dị của thiên nhiên hoang dã, mà còn là tình người chân thực, phong cách sống bình dị, đức tính mến khách tự đáy lòng. Từ năm 2014 đến nay, Cồn Sơn mới có điện lưới quốc gia, nhưng trước đó, một số nhà có điều kiện mua máy phát điện, vui vẻ cấp điện cho một số hộ còn khó khăn, có điện xem ti vi; và cả cồn xem các chương trình văn nghệ. Tôi chú ý nghe câu chuyện một Việt kiều từ California (Mỹ) về thăm Cồn Sơn, tâm sự: “Được trở về đây mới có cảm giác thoải mái, bình yên nhờ được ngắm kỹ ruộng đồng, đặc biệt được đón nhận cái tình người chân chất ở đây”. Cô Natali, người Colombia, thích thú ngủ lại Cồn Sơn, cùng tham gia với bà con làm các loại bánh và trải nghiệm các sinh hoạt cộng đồng. Một Việt kiều lúc đầu dự định chỉ nghỉ ở nhà chị Năm Phước vài hôm rồi đi thăm Phú Quốc, nhưng phong cảnh và tình người ở đây cuốn hút, ông dặn “giữ phòng” để ông từ Phú Quốc về nghỉ thêm 10 ngày nữa…
Trong cuộc trò chuyện thân tình, cởi mở với chị Năm Phước, tôi cảm phục suy nghĩ có chiều sâu về tính cộng đồng ở đất Cồn Sơn này. Chị tâm sự: Tuy là nơi tôi có nhiều du khách đến ăn, đến nghỉ, nhưng không bo bo giữ cho riêng mình, mà mời gọi bà con cùng làm, cùng hưởng. Theo chị, nếu đi nhanh thì đi một mình, còn muốn đi xa thì đi cùng nhau. Từ suy nghĩ ấy, chị truyền cách làm bánh khọt cho chị Năm Minh, truyền món lục bình xào tép cho chị Chính Nhỏ; mách chị Hiền cách làm món gà xé trộn bưởi… Rồi cách lập trang trại trồng lan từ sáng kiến anh Nguyễn Minh Thái, đang được một số hộ học và nhân ra. Sắc màu rực rỡ của hoa lan trong những ngày giáp Tết đã tăng thêm sức hút du khách bốn phương. “Nước lên thì thuyền lên”, cho đến nay, hơn 30 hộ trên Cồn Sơn hợp tác cùng nhau phát triển mô hình du lịch độc đáo này. Anh Weslay, du khách từ Mỹ đến đây, ghi nhận xét: “Hiếm thấy có nơi nào trên thế giới mà giữ được vẻ đẹp hoang sơ và con người thân thiện, mến khách như ở đây”.
Vậy là, trong dòng văn hóa sông nước miền Tây Nam bộ, đã xuất hiện loại “văn hóa Cồn Sơn”. Vào dịp sát Tết Nguyên đán, nhiều khách du lịch nước ngoài đến đây trải nghiệm không khí đón Tết. Trong mâm cỗ cúng ông bà, tiên tổ, họ chú ý có món khổ qua; sau khi cúng, chủ nhà mời họ cùng thưởng thức ngon lành. Họ còn được xem tục cho “cây ăn Tết” bằng cách lấy giấy vàng, bạc dán lên thân cây trên đường, quanh nhà, cả các lu, kiệu… Vui say làm việc ấy vì người Cồn Sơn nghĩ rằng, trong thành công một năm vất vả, có sự gắn kết giữa con người và cây trái, nên cần tạo cho chúng cùng người thụ hưởng để mùa xuân tới, cây cối sẽ thi nhau đơm bông, kết trái!
Một mùa xuân mới đang về, hứa hẹn bao điều tốt lành đến với Cồn Sơn!
Cần Thơ, xuân Canh Tý, 2020