02/07/2012 - 22:10

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Quang Vinh:

Sử dụng nguồn vốn ODA chậm, nguyên nhân chính là thiếu vốn đối ứng

Việc chậm tiến độ của nhiều công trình dự án sử dụng nguồn vốn ODA cũng là vấn đề được dư luận hết sức quan tâm trong thời gian qua.

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Quang Vinh, nguồn vốn ODA là một nguồn lực rất quan trọng, nhất là trong lĩnh vực kết cấu hạ tầng của đất nước. Vốn ODA có hai nội dung, một là mảng vốn vay có ưu đãi của các quốc gia cho Việt Nam, với lãi suất thấp và dài hạn. Mảng khác là phần viện trợ không hoàn lại thì ngày càng hạn chế trong cơ cấu ODA. Do đó, về bản chất vốn ODA chính là nguồn ngân sách nhà nước, cần phải quản lý, sử dụng một cách chặt chẽ, hiệu quả.

Trong thời gian vừa qua, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và những Bộ, ngành, địa phương có liên quan, nhất là các chủ đầu tư thực hiện các dự án ODA hết sức tích cực. Đất nước cũng huy động được một nguồn lực ODA rất to lớn. Bình quân mỗi năm, khoảng 7 tỉ đô la Mỹ. Ví dụ năm 2012, có 7,3 tỉ USD. Trong suốt hơn 20 năm (từ 1989 đến nay), tổng vốn ODA mà các nước dự kiến hỗ trợ cho Việt Nam là 71 tỉ USD. Các nguồn vốn cam kết sẽ giúp cho Việt Nam là 53 tỉ USD. Cho đến nay chúng ta mới giải ngân được hơn 33 tỉ USD, còn hơn 20 tỉ USD nữa đã và đang giải ngân. Điều này không có nghĩa là nguồn vốn đó đã đưa được cho Việt Nam để sử dụng mà nó vẫn nằm ở quốc gia của họ và sẽ được giải ngân theo tiến độ thực hiện của từng dự án một.

Có thể nói, Việt Nam là một trong những nước được đánh giá là sử dụng ODA có hiệu quả. Điều này cũng đã được các quốc gia trên thế giới khẳng định.

Tuy nhiên, Việt Nam cũng còn hạn chế, đó là tiến độ giải ngân ODA chậm so với nhiều quốc gia khác. Đây là một điều rất đáng quan tâm. Vừa rồi, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã cùng với các nhà tài trợ chính như: Ngân hàng Thế giới WB, Ngân hàng phát triển Châu Á, Quỹ hỗ trợ phát triển của Pháp, các quốc gia (Nhật Bản, Úc, EU) tài trợ Việt Nam tổng kết, thì thấy rằng những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến giải ngân chậm ở Việt Nam trước hết là do thiếu vốn đối ứng. Khi phần cam kết là có đủ vốn đối ứng, họ cho ta một trăm đồng thì chúng ta phải bỏ ra khoảng 20 đồng, bình quân là 80: 20 tỷ lệ chung. Cho nên những dự án có kết cấu hạ tầng lớn như những đường cao tốc, quốc lộ... lên đến 2 - 3 tỉ USD. Nếu 3 tỉ USD thì Việt Nam đã phải đối ứng với số vốn rất lớn, 20% của vốn 3 tỉ, là khoảng 600 triệu USD. Hơn nữa, Việt Nam có rất nhiều dự án như vậy, dẫn đến nguồn lực đối ứng thấp. Vì thế sử dụng vốn ODA hiện nay còn chậm.

Hiện, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang phối hợp với các Bộ, ngành của Chính phủ tìm cách tháo gỡ vấn đề này, để đảm bảo một tỷ lệ vốn đối ứng phù hợp.

Nguyên nhân thứ hai, là vấn đề giải phóng mặt bằng. Việc giải phóng mặt bằng ở Việt Nam là rất gian nan. Để làm những con đường cao tốc, những dự án lớn cần chiếm dụng diện tích đất rất lớn nên việc giải phóng mặt bằng của các dự án ở Trung ương và địa phương thường gặp khó do giá đền bù không thống nhất, làm kéo dài việc giải ngân vốn ODA.

Nguyên nhân thứ ba là năng lực, cách điều hành của các Ban quản lý dự án ở Trung ương và địa phương, nhất là ở địa phương thường không cố định, hay thay đổi.

Trong thời điểm hiện nay, khi đầu tư công giảm sút thì việc tăng cường được sử dụng nguồn vốn ODA là một trong những giải pháp quan trọng của Bộ Kế hoạch và Đầu tư nói riêng và của Chính phủ nói chung.

Muốn đẩy mạnh việc sử dụng vốn ODA thì trước mắt cần tập trung giải quyết ba nguyên nhân trên. Chính phủ và Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang nỗ lực tháo gỡ những khó khăn này. Đầu tiên là hoàn thiện khung pháp lý quản lý vốn ODA. Cụ thể là Nghị định 131/CP của Chính phủ về quản lý sử dụng nguồn lực ODA. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã cùng với các Bộ, ngành và các cơ quan, tổ chức quốc tế đánh giá xem xét và nhiều lần sửa đổi; đồng thời chuẩn bị trình Chính phủ trong đầu tháng 7 này để quản lý, phân bổ, sử dụng nguồn vốn ODA một cách hiệu quả hơn.

Để giải quyết về nguồn lực vốn đối ứng, Bộ đã cùng với các Bộ, ngành có liên quan bàn thảo với các cơ quan cấp ODA cho Việt Nam tìm giải pháp khắc phục.

Đối với giải phóng mặt bằng, Nghị quyết của Trung ương về xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ phát triển thì đã nói rõ, trong thời gian tới đồng thời với việc sửa đổi Luật đất đai thì sẽ phải sửa và hình thành một cơ chế riêng cho chính sách đền bù giải phóng mặt bằng đối với những công trình quan trọng của đất nước.

Việc nâng cao năng lực của các Ban quản lý sẽ ưu tiên cho đào tạo cán bộ ở mức chuyên nghiệp, bố trí công việc ổn định.

Cũng theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, khi Việt Nam còn là một nước nghèo, mức thu nhập thấp, dưới mức trung bình của thế giới thì được các nước cấp ODA ở hạn mức cao hơn. Tuy nhiên, bắt đầu từ năm 2010, Việt Nam công bố là quốc gia có mức thu nhập bình quân đầu người trên 1.000 USD, tức là thuộc nhóm các nước có thu nhập ở mức trung bình thì mức ODA được cấp cho Việt Nam giảm đi rất nhiều để chuyển cho các nước chậm phát triển hơn. Vì vậy, việc vay vốn ODA trong thời gian tới cần được cân nhắc kỹ, cần loại bỏ tư tưởng có nhiều vốn ODA là tốt, mà vấn đề cần xem xét nhu cầu vốn ở đâu, như thế nào thì mới vay và vay thì phải trả được.

MINH THƯ (TTXVN)

Chia sẻ bài viết