15/06/2017 - 14:38

Sự cố hóa chất - Chủ động “phòng ngừa” thay vì “ứng phó”

Hoạt động liên quan đến hóa chất trên địa bàn TP Cần Thơ càng gia tăng, phát triển về số lượng và chủng loại. Các hoạt động này luôn tiềm ẩn nguy cơ xảy ra sự cố, tác động đến con người, môi trường và gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản. Nhằm giảm thiểu tối đa các nguy cơ do hoạt động liên quan đến hóa chất mang đến, ngành chức năng đã "đặt hàng" các chuyên gia đầu ngành xây dựng "Kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất cấp thành phố".

Theo đơn vị tư vấn (Trung tâm Dữ liệu và Hỗ trợ ứng phó sự cố hóa chất, Cục Hóa chất, Bộ Công thương), hoạt động hóa chất trên địa bàn TP Cần Thơ gồm: sản xuất hóa chất (khí nitơ, oxy, axetylen, cồn khô, chiết nạp oxy), kinh doanh (xăng dầu, khí đốt LPG), sử dụng hóa chất (phục vụ quá trình sản xuất).

Mua bán xăng dầu tại một cửa hàng kinh doanh xăng dầu ở đường Cách Mạng Tháng Tám, quận Bình Thủy, TP Cần Thơ. Ảnh: Văn Cộng

Ông Phạm Huy Nam Sơn, Giám đốc Trung tâm Dữ liệu và Hỗ trợ ứng phó sự cố hóa chất, đánh giá: Nhìn chung, công tác phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất được các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn thành phố khá quan tâm. Các đơn vị sản xuất hóa chất đã xây dựng biện pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất và trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Các đơn vị kinh doanh hóa chất công nghiệp, kho chứa sản phẩm khí dầu mỏ hóa lỏng đã xây dựng kế hoạch, biện pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất và được Sở Công thương thành phố phê duyệt, xác nhận. Tuy nhiên, qua khảo sát, việc sử dụng hóa chất vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Thực tế còn một số vấn đề còn tồn tại, như: việc cập nhật thông tin về phiếu an toàn hóa chất chưa đầy đủ, chưa chú trọng đến nhãn mác; bố trí kho hóa chất chưa đúng quy định. Người lao động chưa chú ý đến việc sử dụng trang thiết bị bảo hộ lao động đúng mức, thiếu thiết bị bảo vệ cá nhân chuyên dụng...

Từ thực tế trên, đơn vị tư vấn đã phân cấp các sự cố hóa chất (cấp 1-cơ sở, cấp 2-khu vực và cấp 3-quốc gia) và nêu ra 6 địa điểm có nguy cơ xảy ra sự cố hóa chất trên địa bàn thành phố. Từ đó, xây dựng kịch bản cho các sự cố hóa chất điển hình trên đường bộ, cháy kho xăng dầu, rò rỉ/cháy nổ kho gas (LPG), vận chuyển hóa chất trên đường thủy, rò rỉ Chlorine tại Công ty Cấp thoát nước Cần Thơ. Đơn vị tư vấn cũng khuyến cáo thành phố khi quy hoạch sử dụng đất cần xác định rủi ro sự cố hóa chất và khoảng cách an toàn từ các công trình liên quan đến hóa chất đến khu vực dân cư. Đồng thời, tăng cường công tác quản lý nhà nước thông qua rà soát, yêu cầu các đơn vị có hoạt động liên quan đến hóa chất lập kế hoạch và xây dựng biện pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất trình cơ quan thẩm quyền duyệt và xác nhận; đào tạo, huấn luyện kỹ thuật an toàn hóa chất trên địa bàn...

Theo ông Phạm Huy Nam Sơn, Giám đốc Trung tâm Dữ liệu và Hỗ trợ ứng phó sự cố hóa chất, để chủ động trong công tác phòng ngừa và ứng phó sự cố hóa chất, TP Cần Thơ cần thành lập Ban Chỉ đạo phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất thành phố. Ban Chỉ đạo này hoạt động dưới sự điều phối của UBND thành phố và có chức năng phối hợp các lực lượng, chỉ đạo thống nhất các hoạt động phòng ngừa, sẵn sàng ứng phó sự cố hóa chất. Đồng thời, thực hiện nhiệm vụ xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện và kiểm tra, đôn đốc các hoạt động phòng ngừa sự cố hóa chất ở các cơ sở; triển khai kế hoạch phòng ngừa và ứng phó sự cố hóa chất cấp thành phố; thống kê thiệt hại khi có sự cố xảy ra...

Tại Hội thảo lấy ý kiến đóng góp "Kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất cấp thành phố", nhiều ý kiến đề xuất Đơn vị tư vấn tập trung vào các giải pháp nâng cao năng lực của cơ sở hoạt động liên quan đến hóa chất; nâng cao năng lực của lực lượng ứng phó; đầu tư trang thiết bị bảo vệ phù hợp để ứng phó khi có tình huống xảy ra... Theo đó, giải pháp nâng cao năng lực của cơ sở hoạt động liên quan đến hóa chất cần tập trung vào việc tham gia đầy đủ các khóa huấn luyện về kỹ thuật an toàn hóa chất theo đúng quy định; xây dựng kế hoạch, biện pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất phù hợp với quy định pháp luật; trang bị đầy đủ các thiết bị bảo hộ lao động, bảo vệ cá nhân... Nâng cao năng lực của lực lượng ứng phó thông qua tổ chức huấn luyện kỹ thuật an toàn hóa chất; khóa đào tạo chuyên về ứng cứu sự cố hóa chất. Ngoài ra, lực lượng cứu hộ, cứu nạn phải được huấn luyện thành thục kỹ năng cứu người trong sự cố cháy nổ hóa chất: kỹ thuật cứu người ra khỏi vùng nhiễm độc, đang cháy và vùng có nguy cơ nổ; kỹ thuật tiêu tẩy chất độc cho bản thân và nạn nhân bị nhiễm độc trong và ngoài cơ thể...

Ông Trần Thanh Tâm, Phó Trưởng Phòng Kinh tế Hạ tầng huyện Cờ Đỏ, cho rằng: Khi có sự cố về hóa chất xảy ra, rất khó lường trước được hậu quả. Vì vậy, cần tùy vào tình huống cụ thể mà uyển chuyển trong cách phối hợp ứng cứu, tránh tình trạng cứng nhắc, rập khuôn. Ông Huỳnh Trung Trứ, Phó Giám đốc Sở Công thương TP Cần Thơ, cho biết: Qua thăm dò, khảo sát từ các sở ngành hữu quan và địa phương, Sở Công thương nhận được rất nhiều ý kiến đề xuất thành lập Quỹ phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất thành phố. Ý tưởng này mang tính thiết thực cao, đặc biệt là khi phối hợp với Ban Chỉ đạo phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất thành phố để cùng hành động. Do đó, ngành công thương sẽ tham mưu với UBND thành phố để có quyết định cuối cùng.

Trong hoạt động hóa chất nói chung luôn tiềm ẩn các nguy cơ đối với sức khỏe con người do bản chất độc hại của chúng, trong môi trường sản xuất, kinh doanh hay sử dụng, người lao động luôn bị ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe do phải tiếp xúc với chúng. Hóa chất có khả năng phát tán nhanh (các loại hóa chất, dung môi - amôniăc, axít sunfuríc, axít phốtphoric, kiềm, chlorine, formaldehide và phenol…) nên rất dễ xâm nhập vào cơ thể người và để lại những hậu quả lâu dài đối với sức khỏe con người. Mặt khác, môi trường cũng ảnh hưởng nặng nề do khả năng tồn lưu lâu dài khó phân hủy của hóa chất. Chính vì vậy, theo ông Nguyễn Văn Thanh, Cục trưởng Cục Hóa chất, mỗi địa phương, doanh nghiệp cần có ý thức chủ động phòng ngừa thay vì để xảy ra sự cố rồi mới ứng phó thì quá muộn. Doanh nghiệp cần xây dựng kế hoạch phòng ngừa cụ thể với từng địa điểm, vị trí trong nhà máy, phân công nhiệm vụ hành động của mỗi người phải rõ ràng. Hơn nữa, doanh nghiệp cần bám sát đánh giá rủi ro mới nhất, chú ý các sự cố đã từng xảy ra ở các nhà máy tương tự, chủ động lập kế hoạch phòng ngừa, ứng phó nhanh chóng, sát với tình hình thực tiễn...

MỸ THANH

Chia sẻ bài viết