08/10/2017 - 09:10

Sự chuyên nghiệp giữa VBA và V.League 

Trong làng thể thao Việt Nam hiện nay có nhiều môn được tổ chức thi đấu theo hệ thống được gọi là chuyên nghiệp, trong đó nổi bật nhất là môn thể thao vua - bóng đá với giải vô địch quốc gia (V.League) và môn bóng rổ với giải bóng rổ chuyên nghiệp Việt Nam (VBA). Cả hai giải đấu này được tổ chức theo mô hình do một công ty chịu trách nhiệm điều hành. Tuy nhiên, dù "sinh sau đẻ muộn" hơn, nhưng VBA đang tạo được sức hút, còn V.League ngày càng vắng khán giả.

 Pha ném rổ của Hamilton (số 21) đội Cantho Catfish trong trận gặp Thăng Long Warriors. 

 

Tối 5-10, tại Nhà thi đấu đa năng TP Cần Thơ, đội chủ nhà Cantho Catfish tái đấu Thăng Long Warriors trong khuôn khổ VBA mùa giải thứ hai- 2017. Trận đấu diễn ra sôi động trong không khí cuồng nhiệt của khán giả phủ đầy khu vực ghế ngồi trên khán đài. Những người đến xem VBA đa phần là giới trẻ ưa thích không khí sôi động và các nhà tổ chức cũng "phân khúc" nhắm vào đối tượng này để... bán vé. Các vận động viên thi đấu trên sân nhiệt tình, cống hiến hết sức mình trên tinh thần thể thao cao thượng. Những pha phạm lỗi hay sử dụng tiểu xảo của các cầu thủ đều không qua mắt được trọng tài trên sân và gần như không có những tranh cãi, đôi co dù cũng có những tình huống không rõ ràng. Ví như vào giữa hiệp 2, trong một tình huống cầu thủ của Thăng Long Warriors chuyền bóng lỗi và Sang Đinh của Cần Thơ lao ra không chạm bóng đi hết đường biên. Trọng tài thổi còi cho rằng bóng vẫn thuộc quyền kiểm soát bóng của Thăng Long Warriors. Trên khán đài nhiều tiếng la ó phản đối, HLV của đội Cantho Catfish quá bực tức lao vào sân đòi trọng tài phải giải thích. Tuy nhiên, tất cả đều trở lại bình thường và cầu thủ tiếp tục thi đấu ngay sau đó. Kết quả, đội chủ nhà Cantho Catfish thất bại 72-74 trước Thăng Long Warriors, nhưng khán giả vẫn vui vẻ cổ vũ đến giây cuối cùng, khi các cầu thủ rời sân.

Trong các trận đấu bóng rổ khuôn khổ VBA, những hành động cự cãi đều bị phạt, như 2 cầu thủ Darius Lewis (Saigon Heat) và Bilal Richardson (HCMC Wings) mới đây, bị phạt tiền vì "hành vi sẵn sàng ẩu đả". Trong khi đó, HLV David Singleton (Saigon Heat) cũng bị phạt vì "có lời lẽ thiếu tôn trọng với trọng tài". Tuy nhiên, điều quan trọng là Ban tổ chức VBA đã xử lý nhanh những vấn đề gây tranh cãi trên sân. Ban tổ chức VBA cũng cung cấp đầy đủ thông tin cho báo chí, âu cũng là cách tôn trọng khán giả.

VBA chỉ ở mùa giải thứ hai, với 6 đội bóng rổ (tăng thêm 1 đội so với mùa giải đầu), nhưng cơ cấu tổ chức các CLB rất chuyên nghiệp, có sự công bằng tài chính, cầu thủ không bị thổi giá, tổ chức thi đấu bài bản liên tục trong khoảng 3 tháng...

Trong khi đó, V.League đã sắp hết "tuổi 17" nhưng còn quá nhiều vấn đề làm mất đi niềm tin vào 2 từ "chuyên nghiệp". Nạn bạo lực sân cỏ, tiếng còi trọng tài "méo mó", cầu thủ có giá chuyển nhượng quá cao so với giá trị thực, cầu thủ thi đấu thiếu tinh thần, lịch thi đấu kéo dài bất hợp lý, hay các trận đấu thật giả lẫn lộn... vẫn tồn tại qua nhiều mùa giải dù Ban tổ chức đưa ra nhiều giải pháp chấn chỉnh. Điều khó hiểu nhất là cơ cấu tổ chức V.League có tới 14 đội bóng, nhưng số CLB có đủ năng lực tài chính, lực lượng cầu thủ tự đào tạo... để duy trì lâu dài thì chỉ đếm trên đầu ngón tay. Đó là chưa kể việc một ông bầu có ảnh hưởng ở nhiều đội bóng đang "hoành hành" V.League.

Có lẽ, sau 17 mùa giải, Ban tổ chức V.League cần xác định lại "sự chuyên nghiệp" của mình, bắt đầu từ số lượng CLB thật sự chuyên nghiệp tham dự giải đấu này.

Bài, ảnh: NGUYỄN MINH

 

Chia sẻ bài viết