03/03/2008 - 09:45

Trường Đại học Cần Thơ:

Sinh viên đang học chính qui dự thi tuyển sinh vào ngành khác phải bồi hoàn kinh phí đào tạo

* Chuyên ngành Khoa học máy tính đổi thành Kỹ thuật máy tính

* Hội thảo nâng cao chất lượng đào tạo không chính qui: Cần sự gắn kết giữa “4 nhà”

(CT)- Những sinh viên đang học hệ chính qui tại Trường Đại học Cần Thơ muốn dự thi tuyển sinh vào ngành, chuyên ngành khác, phải làm đơn xin dự thi và nộp tiền bồi hoàn kinh phí đào tạo cho trường trước khi làm hồ sơ đăng ký dự thi. Mức bồi hoàn cụ thể là 3,5 triệu đồng/ năm học. Sau khi bồi hoàn kinh phí đào tạo, sinh viên sẽ được trường cấp giấy xác nhận để hoàn thành các thủ tục dự thi dưới dạng thí sinh tự do. Nếu sinh viên trúng tuyển vào ngành mới, phải làm đơn xin thôi học tại Trường Đại học Cần Thơ; nếu không trúng tuyển, sinh viên được tiếp tục học ngành cũ và được trả lại tiền bồi hoàn kinh phí đào tạo đã đóng trước đây.

Những trường hợp không làm đúng qui định trên sẽ bị hủy kết quả thi.

l Ông Nguyễn Vĩnh An, Trưởng Phòng Đào tạo, Trường Đại học Cần Thơ, cho biết: Có sự thay đổi trong 5 chuyên ngành mới mở của Trường Đại học Cần Thơ ở kỳ tuyển sinh năm 2008. Cụ thể, chuyên ngành Khoa học máy tính, thuộc ngành Công nghệ thông tin đổi thành chuyên ngành Kỹ thuật máy tính, thuộc ngành Điện tử. Khối thi tuyển vào ngành này vẫn là khối A và thời gian đào tạo vẫn là 4 năm, mục tiêu đào tạo không thay đổi.

Hiện nay, Trường Đại học Cần Thơ đã hoàn tất các tài liệu giới thiệu ngành nghề và triển khai tư vấn đến học sinh các trường THPT. Trung bình mỗi năm, Trường Đại học Cần Thơ thực hiện tư vấn trực tiếp cho khoảng 15.000 học sinh phổ thông.

l Đó là nhà trường - nhà nước- học viên và đơn vị tuyển dụng. Đây cũng là một trong những nội dung được các đại biểu quan tâm góp ý tại Hội thảo Khoa học nâng cao chất lượng đào tạo không chính qui (KCQ), đáp ứng nhu cầu nhân lực phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập kinh tế quốc tế, do Trung tâm Đại học Tại chức Cần Thơ tổ chức vào ngày 2-3-2008.

Một số tham luận tập trung phân tích công tác nâng cao chất lượng đào tạo KCQ, đáp ứng nhu cầu nhân lực phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và hội nhập kinh tế quốc tế trong thời gian qua; những giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo, thực hiện hiệu quả một trong số nội dung cuộc vận động của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc “Nói không với đào tạo không đạt chuẩn, không đáp ứng yêu cầu xã hội”...

Hầu hết đại biểu cho rằng, cơ sở vật chất của một số trung tâm giáo dục thường xuyên (TTGDTX) và đơn vị liên kết còn hạn chế, đội ngũ giảng viên thiếu, quản lý công tác đào tạo còn lỏng lẻo, ý thức người học chưa cao; Bộ Giáo dục và Đào tạo chưa tạo được cơ chế chính sách thông thoáng cho các cơ sở đào tạo KCQ... ít nhiều ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo. Để nâng cao chất lượng đào tạo hệ KCQ, cần phải có sự gắn kết giữa “4 nhà”, tức là, Bộ Giáo dục và Đào tạo nên có văn bản pháp qui cụ thể về việc quản lý, giám sát và tổ chức hội nghị chuyên đề, có tổng kết, đánh giá về chất lượng đào tạo. Ở các TTGDTX phải tăng cường đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị giảng dạy, đào tạo, bồi dưỡng giảng viên; đơn vị tuyển dụng phải xây dựng kế hoạch đào tạo, hỗ trợ cơ sở đào tạo trong việc định hướng nguồn nhân lực trong tương lai. Học viên cần phải có động cơ học tập, nỗ lực rèn luyện, trau dồi tri thức...

SỸ HUIÊN - BÍCH KIÊN

Chia sẻ bài viết