15/01/2022 - 13:48

Sẻ chia để Tết vẹn tròn 

Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 đang đến gần. Năm nay, do ảnh hưởng dịch bệnh nên kế hoạch vui xuân, đón Tết của hầu hết chị em đều chủ trương an toàn, lành mạnh, sẻ chia, với nhiều việc làm thiết thực, cụ thể.

Đón Tết an toàn

Chị Tuyết Hồng gởi gắm tình yêu thương gia đình khi chế biến món ngon ngày Tết.

Chị Tuyết Hồng gởi gắm tình yêu thương gia đình khi chế biến món ngon ngày Tết.

Nhanh tay sên chảo mứt mãng cầu trong veo, thơm lựng, chị Tuyết Hồng ở quận Cái Răng, vui vẻ chia sẻ, hổm rày, chị bắt đầu làm mứt dừa, mãng cầu, các loại dưa kiệu, dưa hành, dưa gừng... vừa để dùng vừa làm quà biếu Tết sui gia, người thân gia đình... Chị Hồng vốn khéo làm các loại bánh, mứt nhưng các năm qua, do bận bịu nhiều việc nên cứ gần Tết, chị xuất tiền “mua cho tiện”. “Năm nay, tôi đổi mới, vui xuân gói ghém, tiết kiệm nhưng vẫn giữ tục lệ truyền thống Tết Việt. Tôi mua thực phẩm mỗi thứ một ít, chưng vài chậu cúc, vạn thọ để vui cửa vui nhà” - chị Hồng cho biết thêm.

Mọi năm, thời điểm này, chị Ngọc Tú ở quận Ninh Kiều, đã rục rịch vào siêu thị mấy lượt để mua sắm đồ dùng, thực phẩm; thay mới kệ, tủ bếp, màn cửa các phòng. Năm nay, chị Tú bàn với chồng chỉ mua nhu yếu phẩm, thực phẩm đủ dùng, giữ nguyên các vật dụng, không sắm sửa, mà chịu khó lau chùi, đánh bóng làm mới. Chị Tú còn sắp xếp ngày chủ nhật tuần cận Tết để cả nhà tập trung tổng vệ sinh, thay vì thuê dịch vụ. Chị Tú kể, tuần trước, con trai nhắc chị sắm xe tay ga như đã hứa khi con đậu đại học. Chị Tú đã giải thích và thuyết phục con sử dụng xe máy cũ, khi nào kinh tế ổn định hơn chị sẽ đổi xe. Con trai rất hiểu chuyện và vui vẻ tán đồng. Chị Tú nói: “Trải qua thời gian giãn cách xã hội căng thẳng, chứng kiến thực tế người dân gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, người lao động mất việc các nơi phải trở về quê…, tôi thay đổi cách chi tiêu phù hợp, không hoang phí, thừa thãi”.       

Dịp Tết Dương lịch, vợ chồng cô Thu Minh ở quận Ninh Kiều, đã gởi “tối hậu thư” đến gia đình 5 người con, thực hiện ăn Tết tiết kiệm, vui tươi, an toàn. Các con không phung phí, mua sắm linh tinh theo “tâm lý đám đông”. Trong đó, cô Minh lưu ý gia đình con trai út không tụ tập bạn bè, tiệc tùng đình đám. Cô Minh còn “đính kèm” kế hoạch ăn Tết đầy đủ phong tục truyền thống, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Cô Minh “rủ” các con dâu sang nhà làm dưa kiệu, các loại bánh, mứt, rồi chia đều mỗi nhà. Cô Minh nói: “Tôi hướng dẫn cách ướp gia vị kho thịt, chọn cải làm dưa để con cháu tự chế biến, gắn kết không khí gia đình đầm ấm. Tụi nhỏ giờ chỉ thích sự thuận tiện, không mất thời gian nên cái gì cũng mua, mà quên rằng chính tình yêu thương gia đình làm nên hương vị món ngon ngày Tết. Cha mẹ phải khơi mào và khích lệ các con làm theo”.   

Vui xuân lành mạnh

Hầu hết chị em đều cho rằng, đón Tết tiết kiệm, đơn giản nhưng không thể bỏ qua các phong tục bao đời mang ý nghĩa giáo dục con cháu trân quý truyền thống tốt đẹp về Tết cổ truyền dân tộc, như: đưa Ông Táo về trời, rước ông bà, đón giao thừa và mừng tuổi ông bà… Chị Tuyết Hồng phấn khởi nói: “Đầu năm đi chùa hái lộc cầu quốc thái dân an, gia đình bình yên là nền nếp từ lâu của gia đình tôi nhưng năm nay còn tùy tình hình dịch bệnh. Đối với tôi, phong tục lì xì đầu năm rất ý nghĩa vì là khởi điểm sự may mắn, an lành. Tôi lì xì phát lộc và nhận lại lì xì của con cháu để làm việc thiện nguyện trong năm mới”. Mới đây, chị Hồng đã vận động và đóng góp để tặng nhu yếu phẩm, học bổng hỗ trợ các hộ dân, học sinh khó khăn do ảnh hưởng dịch bệnh.

Chị Ngọc Tú cũng có ý tưởng ăn Tết tiết kiệm nhưng không qua loa mà phải “đủ lễ” trang trọng để con cháu sau này “cứ thế mà làm theo”. Khoản tiền ăn Tết tiết kiệm được và tiền lì xì của các con được dùng vào việc ý nghĩa giúp ích xã hội, cộng đồng. Chị Tú bộc bạch: “Hễ có dịp, tôi đưa các con thăm nơi nuôi dưỡng người già neo đơn, cơ nhỡ hay trẻ mồ côi, khuyết tật để khơi gợi các con lòng từ tâm và chọn cách sống chan hòa, phù hợp. Những phần quà giúp các cụ, tụi trẻ vui xuân ấm áp, còn các con tôi có trải nghiệm quý báu, bổ ích về cuộc sống biết chia sẻ yêu thương đến mọi người”.  

Còn cô Thu Minh, nhân các dịp họp mặt gia đình, tụ tập nấu ăn, cô hay kể về ngày xưa đón Tết quê nghèo khó, thiếu thốn nhưng nồng đậm tình cảm gia đình, chòm xóm để nhắc nhở các con phải biết kết nối để trân trọng quá khứ và phát huy hiện tại. Đối với gia đình cô Minh, bữa cơm rước ông bà chiều 30 Tết quan trọng, ấm áp nhất, các thành viên cùng quây quần, thưởng thức món ăn truyền thống; chia sẻ, động viên nhau hướng đến cuộc sống ấm no, sung túc. Cô Minh nói: “Tôi sẽ nhắc nhở con cháu vui xuân trên tinh thần phòng, chống dịch, tuân thủ quy tắc 5K, đảm bảo an toàn bản thân, gia đình và cộng đồng”.

Với nỗ lực vượt qua dịch bệnh, chị em đã vơi bớt lo lắng, băn khoăn việc chi tiêu ngày Tết, còn có ý tưởng san sẻ yêu thương với cộng đồng, để mùa xuân thật sự ý nghĩa vui tươi, lành mạnh.

Bài, ảnh: MAI THY

Chia sẻ bài viết