08/01/2010 - 08:46

Sáng mãi tinh thần vì cộng đồng...

Nếu trong những năm tháng chiến tranh, tinh thần vì cộng đồng được thể hiện bằng những nghĩa cử xếp bút nghiên lên đường cứu nước thì ngày nay, tinh thần vì cộng đồng của sinh viên học sinh được thể hiện đậm nét qua các hoạt động học tập, nghiên cứu khoa học, hoạt động tình nguyện... Những đề tài nghiên cứu của Đặng Duy Khánh, sinh viên Trường Đại học Y Dược Cần Thơ (ĐHYD CT), nhóm sinh viên Phạm Thị Phương Thảo, sinh viên Phan Trọng Tuấn, Trường Đại học Cần Thơ (ĐHCT) đều hướng đến giải quyết những vấn đề thiết thực của cuộc sống. Đó cũng là cách thể hiện tinh thần vì cộng đồng...

1. “Không gì hạnh phúc bằng khi đề tài của mình có thể ứng dụng vào thực tế cuộc sống và là cơ sở cho các đề tài dược lý của những sinh viên khóa sau...”- Đặng Duy Khánh, sinh viên Dược K30, Trường ĐHYD CT, tâm sự. Khánh là một trong 3 sinh viên thực hiện đề tài “Bước đầu xây dựng mô hình gây thoái hóa hệ Dopaminergic trên chuột nhắt trắng ở liều gây độc của Paraquat (PQ)”, đề tài đoạt giải Ba tại Hội nghị Khoa học công nghệ Tuổi trẻ Trường ĐHYD CT cuối tháng 12-2009. Tiến sĩ Dương Xuân Chữ, Trưởng khoa Dược, Trường ĐHYD CT, nhận xét: “Khánh là một trong những sinh viên xuất sắc được giữ lại công tác tại trường năm nay. Đề tài do Khánh thực hiện có khả năng ứng dụng vào cộng đồng rất cao, có thể tạo ra một loại dược liệu quí điều trị các bệnh lý thần kinh cho người dân ĐBSCL. Chúng tôi đang chuẩn bị kế hoạch để Khánh báo cáo đề tài này tại Hội nghị nghiên cứu khoa học trẻ toàn quốc sắp tới”.

Phan Trọng Tuấn (trái) cùng bạn đang làm bài tập trên máy tính. 

Khi mới bắt tay vào thực hiện đề tài, Khánh và các cộng sự phải nghiên cứu, tìm tài liệu trên mạng, đọc, dịch và chắt lọc lại thông tin. Trong quá trình nghiên cứu, 2 hóa chất cần thiết là chất chuẩn MDA và Protein carbonyl glutathione không có bán trên thị trường nên Khánh phải chuyển hướng. Vậy là, phải tìm tài liệu, làm lại các nghiên cứu... Khánh kể: “Yêu cầu của đề tài phải làm thí nghiệm trên chuột nhắt trắng khỏe mạnh, giống swiss đực, đạt đủ tiêu chuẩn nên tôi phải lên TP Hồ Chí Minh để mua. Lúc về, xe chất lượng cao không chở súc vật nên tôi lính qua lính quýnh mang hàng trăm con chuột trong lồng đi xe đò về TP Cần Thơ”. Khánh phải sắp xếp một chỗ trong nhà mình để nuôi chuột, chăm sóc, cho chuột ăn hằng ngày, tiêm thuốc PQ và dược liệu điều trị cho chuột. Sau một thời gian, Khánh và các cộng sự chọn từ 6-8 con chuột khỏe mạnh nhất, mổ lấy não, làm lạnh bằng nước muối sinh lý, tách não lấy ra 2 vùng substantia nigra và striatum để test kết quả. Theo Khánh, PQ là một trong những loại thuốc diệt cỏ, gây độc trên nhiều cơ quan như phổi, thần kinh, tim... Những kết quả nghiên cứu cho thấy, có thể bào chế một số dược liệu để điều trị các bệnh lý hệ thần kinh do PQ gây nên. Khánh cho biết: “Trường được trang bị thiết bị, cơ sở vật chất đầy đủ, tôi tin đề tài này có thể ứng dụng vào thực tế rất cao”.

2. Một sáng đầu năm 2010, nhóm bạn Phạm Thị Phương Thảo, Trần Thị Bích Nhung, Trần Thị Thanh Thúy, Đặng Thị Huỳnh Thư, Phạm Thị Thanh Uyên- đều là sinh viên lớp Hóa K32, Trường ĐHCT - quây quần bên nhau tìm hiểu các tài liệu về thuốc trừ sâu. Điện thoại của Phương Thảo, trưởng nhóm, cứ reo liên hồi: “Dạ, cháu xin hẹn với chú ngày khác vì tuần này, tụi cháu phải làm luận văn tốt nghiệp”; “Thứ năm tuần sau, tụi cháu xuống đồng ruộng thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật nhé chú!...”. Loay hoay trả lời điện thoại, mồ hôi lăn dài trên má, Phương Thảo cười, nói: “Khi sử dụng thuốc bảo vệ thực vật xong, bà con thường vứt bỏ bao bì ngoài đồng hoặc mang về nhà mà không biết cách xử lý, vừa gây ô nhiễm môi trường, vừa ảnh hưởng đến sức khỏe. Đề tài “Xây dựng mô hình quản lý bao bì rác thải thuốc bảo vệ thực vật tại phường Trường Lạc, quận Ô Môn, TP Cần Thơ” nhằm khảo sát hiện trạng quản lý các bao bì, rác thải thuốc bảo vệ thực vật sau khi sử dụng. Từ đó, đề xuất các biện pháp thích hợp giúp người dân và cơ quan chức năng quản lý tốt hơn nguồn rác thải này”.

Phương Thảo (thứ 3, từ trái) cùng các cộng sự và giảng viên hướng dẫn trong buổi ra mắt đề tài. Ảnh: P.T

Đề tài của nhóm Phương Thảo triển khai thực hiện từ đầu tháng 6-2009. Cả nhóm cùng nhau tìm tài liệu trên mạng, lập phiếu điều tra, thu thập thông tin về tập quán sản xuất nông nghiệp, tình hình sử dụng thuốc bảo vệ thực vật của người dân, đề xuất biện pháp thu gom và phương pháp xử lý sơ bộ... Trên 80% hộ dân trên địa bàn phường Trường Lạc, quận Ô Môn, là hộ sản xuất nông nghiệp. Nhóm của Phương Thảo chọn 3 khu vực thí điểm là: Tân Xuân, Tân Hưng, Tân Bình. Tranh thủ những ngày nghỉ cuối tuần, nhóm liên hệ UBND phường Trường Lạc để đến từng hộ dân phỏng vấn thực tế. Mải mê với công việc, có khi đến chiều tối cả nhóm mới trở về quận Ninh Kiều. Trần Thị Bích Nhung, một thành viên của nhóm, cho biết: “Có đi thực tế, tôi mới thấy người dân nông thôn thiếu thông tin như thế nào. Họ cũng biết vứt vỏ thuốc trừ sâu ra môi trường là độc hại nhưng không biết bỏ vỏ ở đâu. Khi biết chúng tôi có ý định thu gom vỏ bao bì, bà con rất vui, tôi thấy việc làm của mình càng thêm ý nghĩa”.

Nhóm Phương Thảo đề xuất cách xử lý vừa rẻ, tiện ích, gần gũi với người dân: dùng tro bếp hoặc vôi làm giảm tính độc của các phân tử trong thuốc bảo vệ thực vật để xử lý sơ bộ tại nhà. Chỉ cần pha dung dịch vôi với nồng độ 0,008g/l hoặc pha tro bếp với nồng độ là 133g/l, ngâm vỏ bao bì, vỏ chai... với dung dịch trong 1 tuần. Sau đó, các đại lý sẽ thu gom và chuyển vỏ chai, bao bì đã xử lý đến công ty để tái sử dụng hoặc tiêu hủy. Với những đề xuất sát hợp, hiệu quả, đề tài “Xây dựng mô hình quản lý bao bì rác thải thuốc bảo vệ thực vật tại phường Trường Lạc, quận Ô Môn, TP Cần Thơ” đã vượt lên trên 10 đề tài khác và đoạt giải Bạc- giải thưởng cao nhất trong cuộc thi Holcim Prize năm 2009. Công ty Holcim tài trợ 6.000 USD để triển khai kết quả nghiên cứu này vào thực tế. Phương Thảo hào hứng: “Chúng tôi cố gắng xây dựng thành công mô hình quản lý bao bì thuốc bảo vệ thực vật ở 3 khu vực thí điểm, từ đó làm cơ sở để nhân rộng ra các nơi khác”.

3. Cũng tại cuộc thi Holcim Prize năm 2009, đề tài “Điều khiển tự động thùng đựng rác công cộng” của Phan Trọng Tuấn, sinh viên lớp Kỹ thuật Điện K33, Khoa Công nghệ, Trường ĐHCT, đạt giải Khuyến khích và được đánh giá khá cao. Tiến sĩ Nguyễn Chí Ngôn, Phó Trưởng khoa Công nghệ, Trường ĐHCT, nhận xét: “Đề tài có nhiều khả năng ứng dụng vào cộng đồng, góp phần giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường từ rác thải sinh hoạt”.

Đặng Duy Khánh thường xuyên truy cập Internet để tìm tài liệu phục vụ cho đề tài nghiên cứu khoa học. Ảnh: B.NG

Tôi tìm gặp Tuấn tại hội trường nhỏ của Ký túc xá Cà Mau khi Tuấn đang cùng các bạn thảo luận làm bài tập. Click nhanh chuột trên màn hình máy tính, hàng loạt tập tin liên quan đến đề tài của Tuấn hiện lên. Tuấn thuyết minh: “Rác thải sinh hoạt ngày càng nhiều. Ở các trường học, cứ sau mỗi buổi học là phòng học lại đầy rác, rác nằm ngổn ngang ngay trong hộc bàn, dưới nền nhà. Không phải ai cũng có ý thức bỏ rác đúng nơi, đúng chỗ. Mặt khác, nắp thùng rác công cộng quá bẩn nên nhiều người ngán ngại bỏ rác vào thùng...”. Xuất phát từ thực tế đó, ý tưởng về thùng rác thông minh đặt tại mỗi phòng học đã hình thành trong Tuấn. Thùng rác thông minh được thiết kế có bộ phận cảm biến và khi có người bỏ rác, nắp thùng tự mở ra. Khi nhận được rác, bộ phận phát âm thanh sẽ phát ra tiếng “cảm ơn bạn đã bỏ rác vào thùng”. Xung quanh thùng rác được thiết kế bộ phận khử mùi bằng ozones sẽ giảm đáng kể mùi hôi thối của rác.

Khi tham gia nghiên cứu khoa học, để không ảnh hưởng đến việc học tập, Tuấn phải sắp xếp thời gian hợp lý. Tuấn kể: “Ngoài chuyên môn của mình, khi thực hiện đề tài này, tôi cần có kiến thức thuộc lĩnh vực điện tử, cơ khí nên tôi phải tìm nhiều nguồn tài liệu trên mạng, tham khảo ý kiến của các anh chị khóa trước, cũng như thầy cô ở khoa. Bước đầu triển khai đề tài, tôi nghĩ chỉ ứng dụng ở một bộ phận với qui mô nhỏ là trường học, khách sạn... Nếu hiệu quả sẽ nhân rộng ra ở các khu công cộng. Tuy nhiên, để ứng dụng vào thực tế rất cần sự hỗ trợ về tài chính”. Hiện nay, Tuấn đang đăng ký thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học cấp trường năm học 2009-2010 về “Lập trình chuyển đổi tín hiệu dòng DC thành tín hiệu công suất 3 pha trên thiết bị Sineax p530/q531 và ứng dụng đo đạc trên tải 3 pha”. Tuấn nói: “Kiến thức nhà trường và thực tế luôn có độ vênh nhau. Tham gia nghiên cứu khoa học sẽ giúp tôi ứng dụng lý thuyết vào thực tế, nâng cao hiệu quả học tập”.

* * *

Cách đây 4 năm, nhiều người đã ngạc nhiên khi biết rằng những trái dưa hấu hình vuông, hình quả núi trông rất lạ mắt, được bày bán tại các sạp dưa hấu Tết ở chợ Xuân Khánh, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ, là sản phẩm của một sinh viên Trường ĐHCT: Đinh Trần Nguyễn, sinh viên lớp Trồng Trọt K29. Trong dịp kỷ niệm 40 năm thành lập Trường ĐHCT, nhiều đại biểu thích thú khi ngồi trên chiếc xe điện sử dụng năng lượng mặt trời do nhóm sinh viên khoa Công nghệ sáng chế... Điều đó cho thấy, nghiên cứu khoa học trong sinh viên ngày càng tăng về số lượng lẫn chất lượng. Tham gia nghiên cứu khoa học không chỉ giúp sinh viên rèn các kỹ năng, ứng dụng lý thuyết vào thực tế, nâng cao hiệu quả học tập mà còn thể hiện tinh thần phục vụ cộng đồng bằng tri thức và sức trẻ của mình. Đó là sự tiếp nối truyền thống học sinh sinh viên Việt Nam.

BÍCH NGỌC

Chia sẻ bài viết