22/10/2019 - 09:53

Sản xuất “né” hạn, xâm nhập mặn ở ĐBSCL 

Mùa lũ năm 2019 tại khu vực ĐBSCL các chuyên gia, nhà khoa học, đơn vị chức năng xác định lũ thấp, nước thượng nguồn đổ về hạ nguồn sông Mekong với lưu lượng thấp hơn nhiều so với trung bình nhiều năm. Điều này có khả năng dẫn đến thiếu nước, khô hạn, xâm nhập mặn diễn ra gay gắt vào những tháng cuối năm 2019 và đầu năm 2020. Ngay thời điểm này, các địa phương trong vùng ĐBSCL cần có những giải pháp ứng phó với tình trạng bất lợi này. 

Đồng ruộng tại tỉnh An Giang đón nước lũ, hứng lấy phù sa cho vụ mùa sản xuất lúa đông xuân 2019-2020 sắp tới.

Dự báo khô hạn

Theo Ủy hội sông Mê Công, mực nước đầu nguồn sông Cửu Long ngày càng xuống thấp so với cùng kỳ nhiều năm. Điều này có khả năng khô hạn sẽ xuất hiện sớm ở ĐBSCL. Cụ thể, ở trạm Tân Châu, mực nước được ghi nhận vào sáng 14-10-2019 đạt 2,11m và dự báo đến ngày 26-10-2019 còn mức 1,52m. Mực nước hiện tại thấp hơn trung bình nhiều năm được ghi nhận tại thời điểm ngày 14-10 là 3,76m, đồng thời thấp hơn rất nhiều so với mực nước để đạt lũ là 4,5m. Còn ở trạm Châu Đốc, mực nước ghi nhận vào sáng 14-10-2019 đạt 2,12m và dự báo đến ngày 26-10-2019 còn ở mức 1,51m, thấp hơn trung bình nhiều năm ghi nhận tại thời điểm ngày 14-10 là 3,36m và thấp hơn so với mực nước để đạt lũ là 4m... Lượng phù sa, nguồn lợi thủy sản từ sông Mekong mang về ĐBSCL thấp hơn nhiều so với những năm trước.

Ông Tăng Đức Thắng, nguyên Phó Giám đốc Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam - khi nhận định về nguồn nước và xâm nhập mặn vào mùa khô 2019-2020 cho biết, nước từ thượng nguồn sông Mekong về biển hồ Tonle Sap (Campuchia) thấp, cho nên, lượng nước đổ về vùng ĐBSCL của Việt Nam cũng thấp. Trong khi đó, dự báo lượng mưa năm nay sẽ cơ bản kết thúc vào tháng 11-2019, có lưu lượng cũng chỉ tương đương trung bình nhiều năm. Chính những yêu tố nêu trên, hạn mặn vào mùa khô 2019-2020 mặn sẽ xuất hiện sớm và cao hơn trung bình nhiều năm, nhưng khả năng sẽ ít nguy hiểm so với mùa khô 2015-2016. Cụ thể, từ tháng 12-2019, mặn có khả năng ảnh hưởng sâu vào đất liền đến 20-30km, tính từ vùng cửa sông. Đến tháng 1 và 2-2020, ranh mặn 4 gram/lít xâm nhập sâu vào đất liền từ 40-67km, cao hơn 10-15km so với trung bình nhiều năm, nhưng thấp hơn mùa khô 2015-2016  từ 6-27km. “Với dự báo trên, ĐBSCL sẽ thiếu nước, khô hạn diễn ra và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp. Đặc biệt là sẽ gây ra rủi ro cho vụ sản xuất lúa đông xuân 2019-2020 tại khu vực cách biển từ 40 đến 60km. Do đó, ngay từ bây giờ, các địa phương trong vùng cần có giải pháp phòng tránh hạn, mặn sắp tới”, ông Tăng Đức Thắng cho biết.

Theo Tổng cục Thủy lợi thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), trên lưu vực sông Mekong, tổng lượng mưa tích lũy từ đầu mùa đến hết tháng 9-2019 đạt bình quân 1.125mm, xấp xỉ trung bình nhiều năm, nhưng cao hơn năm 2015 (năm diễn ra tình trạng xâm nhập mặn kỷ lục trong những tháng cuối năm 2015, đầu năm 2016). Trong khi đó, về tình hình nguồn nước, Tổng cục Thủy lợi cho biết, đến nay dòng chảy chính sông Mekong từ đầu mùa lũ vẫn thấp hơn 20-25% so với trung bình nhiều năm. Chính những yếu tố trên, Tổng cục Thủy lợi đưa ra nhận định, xâm nhập mặn mùa khô vào những tháng cuối năm 2019 và đầu năm 2020 sẽ ở mức sớm và nặng hơn trung bình nhiều năm, nhưng nhẹ hơn so với xâm nhập mặn lịch sử cuối năm 2015 và đầu năm 2016.

Nỗ lực ứng phó

Từ những cảnh báo hạn mặn tiếp tục diễn ra cuối năm 2019 và đầu năm 2020, Bộ NN&PTNT khuyến cáo khu vực ĐBSCL xuống giống lúa đông xuân 2019-2020 sớm hơn so với nhiều năm trước để “né” hạn, mặn. Ông Lê Thanh Tùng, Phó cục trưởng Cục Trồng trọt thuộc Bộ NN&PTNT, cho biết: “Những vùng có nguy cơ hạn cuối vụ như: Long An, Bến Tre, Tiền Giang, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Kiên Giang phải xuống giống đông xuân sớm trong tháng 10-2019, với khoảng 400.000ha, tăng 200.000-250.000ha so với cùng kỳ. Trong tháng 11 và 12-2019 lần lượt xuống giống tiếp 700.000ha và 400.000ha ở các tỉnh, thành còn lại. Một số vùng xuống giống vụ đông xuân muộn, nhưng phải kết thúc việc xuống giống trước ngày 10-1-2020. Việc bố trí thời vụ như nêu trên và chủ động xuống giống sớm là nhằm linh hoạt cho những vùng bị ảnh hưởng của xâm nhập mặn, giúp các địa phương này hạn chế thấp nhất thiệt hại do hạn, mặn gây ra, ảnh hưởng sản xuất lúa đông xuân 2019-2020…”.

Cống ngăn mặn ở tỉnh Hậu Giang được gia cố, nhằm hạn chế tình trạng xâm nhập mặn, ảnh hưởng sản xuất nông nghiệp khi mùa khô 2019-2020 sắp tới.

Hiện nay công tác phòng chống hạn, mặn và thiếu nước ngọt mùa khô cuối năm 2019 và đầu năm 2020 đang được các tỉnh, thành vùng ĐBSCL khẩn trương triển khai. Mới đây, tỉnh Hậu Giang đã đầu tư 67,5 tỉ đồng để đắp mới, nâng cấp, sửa chữa 120 đập thời vụ và cống ngăn mặn; nạo vét 71 tuyến kênh cấp 2, cấp 3 ở vùng bị hạn và xâm nhập mặn để trữ nước ngọt trên đồng. Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang Trương Cảnh Tuyên, ở vùng có nguy cơ hạn hán, tỉnh đã kiểm tra hệ thống đê bao, cống bọng, trạm bơm điện, bơm dầu, có kế hoạch nâng cấp, sửa chữa công trình để trữ nước ngọt. Đối với vùng nguy cơ nhiễm mặn, tỉnh tiếp tục nâng cấp, tu bổ sửa chữa công trình ngăn mặn, trữ nước ngọt nội đồng để phục vụ sinh hoạt và sản xuất của người dân.

Tại TP Cần Thơ, trong 9 tháng qua, ngành nông nghiệp thành phố đã thực hiện công tác thủy lợi, nạo vét kênh, rạch nội đồng, nhằm mục tiêu khai thông dòng chảy, dự trữ nước cho mùa khô, với tổng khối lượng thực hiện là 255.284m3, đạt 88,3% so với kế hoạch, trong đó nạo vét bằng thủ công là 22.364m3, nạo vét bằng cơ giới là 232.920m3. Ngoài ra, ngành còn thực hiện nâng cấp, sửa chữa đê bao, đường giao thông nông thôn với 13.447m, gia cố đắp đê bao 73.227m3, gia cố sạt lở bờ sông 1.419m; khai thông dòng chảy 30.120m; đắp đập 27 cái... phục vục trên 13.000ha đất sản xuất nông nghiệp. Tổng kinh phí thực hiện trên 35,4 tỉ đồng do dân đóng góp và các nguồn vốn khác.

Theo ông Nguyễn Ngọc Hè, Giám đốc Sở NN&PTNT TP Cần Thơ, hiện thành phố đang triển khai Quy hoạch xây dựng, củng cố hệ thống thủy lợi tại khu vực sản xuất nông nghiệp đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Trong đó, thành phố quan tâm thực hiện và hoàn thiện hệ thống thủy lợi trên địa bàn, tại các vùng phục vụ sản xuất nông nghiệp, như: huyện Phong Điền, Cờ Đỏ, Thới Lai, Vĩnh Thạnh; các quận: Bình Thủy, Cái Răng, Ô Môn, Thốt Nốt. Trong đó tập trung xây dựng các hạng mục công trình cần thiết, cấp bách để bảo vệ an toàn 73.000ha diện tích sản xuất nông nghiệp, đảm bảo sản xuất ổn định và giảm thiểu thiệt hại do lũ, tăng cường trữ nước trong mùa khô, phòng chống hạn mặn, tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất kết hợp phát triển hệ thống giao thông nông thôn; xây dựng hệ thống thủy lợi đảm bảo kiểm soát ngập lụt và vận hành linh hoạt theo từng cấp độ, ổn định sản xuất theo phân vùng quy hoạch thủy lợi của thành phố thời gian tới…

Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia nghiên cứu độc lập về sinh thái vùng ĐBSCL, cho biết: “Khoảng tháng 3-2020, hạn hán, xâm nhập mặn sẽ diễn ra, mặn sẽ xâm nhập sâu vào đất liền, ảnh hưởng đến cả nguồn nước sinh hoạt ở những nơi trước đây chưa từng bị ảnh hưởng. Để hạn chế thấp nhất thiệt hại có thể xảy ra từ hạn, xâm nhập mặn trong thời gian tới, theo tôi đối với những năm khô hạn cực đoan, xâm nhập mặn sâu thì ngoài giải pháp ứng phó, các tỉnh, thành vùng ĐBSCL cần cảnh báo sớm để nông dân sản xuất “né” hạn, xâm nhập mặn, nhằm tránh thiệt hại nặng nề có thể xảy ra…”.

Bài, ảnh: HÀ VĂN

Chia sẻ bài viết