20 giờ hôm nay, 27-4-2018, Festival Huế 2018 sẽ chính thức khai mạc tại Quảng trường Ngọ Môn. Với chủ đề “Di sản văn hóa với hội nhập và phát triển - Huế 1 điểm đến 5 di sản”, Festival Huế 2018 diễn ra từ 27-4 đến 2-5, với nhiều chương trình, lễ hội chính và hoạt động hưởng ứng, thu hút các đoàn nghệ thuật trong và ngoài nước, hứa hẹn mang lại một lễ hội ấn tượng, mới lạ, hấp dẫn.
“Huế - tỏa sáng miền di sản”
Theo ông Huỳnh Tiến Đạt, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Festival Huế, Phó Trưởng ban Thường trực Ban tổ chức Festival Huế 2018, Festival Huế 2018 được tổ chức với quy mô quốc gia và quốc tế, quy tụ những chương trình nghệ thuật đặc sắc của những vùng văn hóa khác nhau trên thế giới. Trong đó, tập trung nhấn mạnh tinh hoa văn hóa nghệ thuật Việt Nam, đặc biệt là di sản văn hóa Huế.
Chương trình Áo dài không thể thiếu trong mỗi kỳ Festival Huế. Ảnh: festival.baothuathienhue.vn
Đạo diễn Nguyễn Ngọc Bình, Tổng đạo diễn chương trình bế mạc và khai mạc Festival Huế 2018, cho biết, theo kịch bản của hai chương trình khai mạc và bế mạc, sẽ có khoảng 1.000 nghệ sĩ, diễn viên tham gia biểu diễn. Riêng chương trình khai mạc có khoảng 600 người; trong đó, lực lượng nghệ sĩ Huế chiếm hơn một nửa. Ông Bình nói rằng, ông rất tâm đắc với ý tưởng di sản Huế cùng kết hợp và tỏa sáng với các di sản của Việt Nam. Chủ đề chương trình khai mạc Festival Huế 2018 thể hiện rõ ý tưởng “Huế - tỏa sáng miền di sản”.
Trong tiết mục mở đầu “Khúc giao hòa ngày hội”, có sự hội ngộ của 3 miền: hát hầu văn Bắc bộ, nhạc cung đình, chầu văn Huế và điệu hò Đồng Tháp của Nam bộ. Để phù hợp với không khí lễ hội và đa số công chúng, nhiều tiết mục vẫn giữ chất liệu truyền thống, nhưng sẽ được phối theo phong cách đương đại. Chương trình còn có sự kết hợp của các đoàn nghệ thuật quốc tế.
Những điểm nhấn thú vị
“Văn hiến Kinh kỳ” nằm trong chương trình, lễ hội chính của Festival Huế 2018. Đây là chương trình sân khấu hóa được dàn dựng trong không gian huyền ảo của Đại Nội về đêm, tập trung tôn vinh những giá trị của một đất nước văn hiến, độc lập. Chương trình được kết hợp giữa nhiều hình thức: hát múa, diễn xướng, hoạt cảnh, ngâm thơ, âm nhạc, cùng các hiệu ứng âm thanh, ánh sáng, làm sống lại những ký ức tự hào về công cuộc kiến thiết, chấn hưng đất nước, những hình ảnh vàng son một thuở của kinh đô Thuận Hóa xưa. Chương trình diễn ra vào lúc 19 giờ 15 đêm 28-4 và 30-4.
Trong Festival Huế, Áo dài luôn là chương trình được công chúng chờ đợi và “Huế vàng son” là chủ đề của chương trình Áo dài tại Festival Huế 2018. Chương trình Áo dài tại Festival Huế 2018 lần đầu tiên sẽ do một đơn vị trong tỉnh tổ chức, có sự tham gia của 8 nhà thiết kế nổi tiếng ở TP Hồ Chí Minh và Hà Nội, với 400 bộ áo dài, 100 người mẫu. Chương trình diễn ra vào lúc 20 giờ ngày 1- 5 tại sân khấu Bia Quốc học. Những bộ sưu tập trong chương trình tập trung làm nổi bật văn hóa truyền thống Huế, đậm chất cung đình qua các thời kỳ. Nổi bật có bộ sưu tập của nhà thiết kế Việt Hùng với chủ đề “Huế vàng son”, gồm 80 thiết kế, mỗi thiết kế có sự bứt phá riêng nhưng vẫn mang âm hưởng cung đình. Bộ sưu tập của nhà thiết kế Bella Moda có chủ đề “Giao hòa” cũng lấy ý tưởng từ trang phục cung đình qua các thời của nhà Nguyễn. Trong 50 bộ của nhà thiết kế Minh Hùng, có 20 bộ rất độc đáo, mới lạ khi được thiết kế hoàn toàn bằng hoa tươi. Chương trình có sự góp mặt của Hoa hậu Việt Nam 2016 Đỗ Mỹ Linh; Hoa hậu Doanh nhân quốc tế 2017 Đàm Hương Thủy; Hoa hậu Nhân ái châu Á 2017 Linh Quỳnh, các hoa khôi Trần Bảo Ngọc, Dương Yến Dung…
Trong các kỳ Festival Huế, Lễ hội đường phố luôn thu hút hàng chục ngàn lượt người dân, du khách thưởng thức và hòa mình. Lễ hội đường phố năm nay sẽ là một trong những điểm nhấn, thể hiện rõ tính tương tác của công chúng với lễ hội. Sau khai mạc một ngày, lễ hội sẽ diễn ra vào tất cả các buổi chiều cho đến trước ngày bế mạc. Như vậy, so với kỳ festival trước, năm nay, số buổi diễn ra lễ hội tăng gấp đôi, nên lộ trình biểu diễn cũng phong phú hơn, được mở rộng ra các tuyến phố xa hơn. Năm nay, chủ đề của lễ hội là “Sắc màu văn hóa”, ngoài các đoàn truyền thống, có thêm các đoàn nghệ thuật đương đại tham gia biểu diễn, hứa hẹn sẽ sôi động hơn, nhiều phong cách, đáp ứng nhu cầu thưởng thức hơn, nhất là giới trẻ.
Lễ hội đường phố năm nay sẽ chọn vị trí rộng nhất trên lộ trình để các đoàn dừng lại và thay phiên nhau biểu diễn. Cụ thể, ngày đầu tiên điểm biểu diễn sẽ hình thành tại ngã tư đường Lê Lợi và cầu Trường Tiền; ngày thứ hai, điểm nhấn sẽ tại ngã tư phía bắc cầu Trường Tiền giao Trần Hưng Đạo; ngày thứ ba, đoàn dừng lại biểu diễn tại ngã tư Lý Thường Kiệt và Đống Đa; ngày cuối ngay tại ngã tư Bà Triệu, Lê Quý Đôn và Dương Văn An. Khi các nghệ sĩ biểu diễn, nếu khán giả ngẫu hứng, có thể lên “sân khấu” cùng biểu diễn với nghệ sĩ.
Đến Huế dịp này, du khách không thể bỏ qua làng cổ Phước Tích, thuộc xã Phong Hòa, huyện Phong Điền, nơi diễn ra Lễ hội “Hương xưa làng cổ”. Không gian văn hóa của ngôi làng cổ với các hoạt động mang tính cộng đồng đặc sắc và nhiều trò chơi dân gian hấp dẫn sẽ được tái hiện. Tại Lễ hội “Hương xưa làng cổ”, có nhiều hoạt động văn hóa, thể thao và các trò chơi dân gian: Lễ tế Kỳ phước, Lễ hội cờ chòi, đua ghe, thi đấu bóng đá, bóng chuyền, kéo co... Phước Tích còn hấp dẫn du khách bởi nghề làm gốm truyền thống nổi tiếng, và những ngôi nhà rường cổ cùng phong tục, tập quán, sinh hoạt văn hóa đặc trưng.
* * *
Festival Huế 2018 đang thôi thúc bước chân khám phá của du khách khắp mọi miền đất nước.
Chương trình, Lễ hội chính của Festival Huế 2018
Ngoài ra, còn có hoạt động hưởng ứng: Lễ hội “Hương xưa làng cổ” diễn ra tại làng Phước Tích, từ ngày 29-4 đến ngày 1-5; và 33 chương trình nghệ thuật, diễn ra từ 17 giờ 30 các ngày 28-4 đến 1-5 tại Quảng trường Ngọ Môn, Phu Văn Lâu, Cung An Định, Bia Quốc Học, Cầu ngói Thanh Toàn- Hương Thủy, công viên Tứ Tượng...
Nguồn: Theo Trung tâm Festival Huế
|
AN KHUÊ (tổng hợp)